Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Bác Hồ trong ký ức tuổi thơ tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mẹ tôi kể rằng: ngày ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang giai đoạn trường kỳ. Ba tôi theo Quân y viện 9 bám sát chiến dịch Tây Bắc, mẹ công tác ở Hội Phụ nữ, cũng theo các đoàn cán bộ đi vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Không thể cứ gánh tôi một đầu quang như chạy giặc càn được, mẹ phải gửi tôi, khi ấy 5 tuổi, vào trại trẻ của An toàn khu (ATK).
Chúng tôi, những đứa con của bộ đội và cán bộ trên khắp mặt trận phía Bắc, được nuôi dưỡng trong một nhà trẻ nằm ven bờ một con suối nhỏ. Dường như ý thức rất rõ hoàn cảnh của mình và gia đình, bọn trẻ chúng tôi rất ngoan. Ăn ngủ đúng giờ. Mỗi đứa một chiếc túi nhỏ có 2 bộ quần áo. Lỡ giặc càn là đeo lên lưng cùng các cô di chuyển ngay. Ở cạnh đầu não chỉ huy của kháng chiến, trại trẻ chúng tôi được hưởng nhiều sự ưu đãi về chế độ nuôi dưỡng. Chưa bao giờ bị đứt bữa. Tết đến cũng có mỗi đứa một chiếc bánh chưng xanh nhỏ. Các chú ở xưởng quân giới còn gửi cho nhiều đồ chơi như ngựa, xe, ghế gỗ…
 Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu).
Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu).
Sướng nhất là thường xuyên được Bác Hồ sang thăm. Lúc ấy lũ trẻ chúng tôi làm sao biết được Bác là vị lãnh tụ cao nhất của kháng chiến kia chứ. Mà chỉ thấy một cụ già hiền hậu, yêu trẻ em như ông ngoại tôi ở nhà. Lũ chúng tôi thả cửa chạy chơi trong khu đồi có căn lán nhỏ cheo leo của Bác. Có lần, các cô cho chúng tôi sang thăm Bác. Cả lũ thi nhau chạy theo những bậc thềm đất cao dẫn đến căn nhà sàn nhỏ trên đỉnh đồi. Thở hổn hển mà đứa nào cũng thích mê khi thấy Bác đứng đó, dang tay ôm tất cả vào lòng. Thỉnh thoảng Bác còn có quà cho tất cả. Khi thì gói kẹo ai đó biếu Bác, khi thì chùm trái cây ngọt. Có lúc Bác còn giúp các cô bảo mẫu bón cơm những đứa bé nhất. Có khi Bác dắt vài đứa đi dạo chơi ven suối. Biết tôi là con một chiến sĩ người dân tộc Tây Nguyên, Bác thường chú ý hỏi han, chăm sóc. Chúng tôi rất hay được chụp ảnh chung với Bác. Lần ấy chúng tôi sang chơi nhà Bác, đúng vào lúc có nhà điện ảnh người nước ngoài đến quay phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, thế là cả lũ chúng tôi được vào phim cùng Bác. Nhiều năm sau này, xem lại những thước phim và bộ ảnh chụp ngày ấy, nhìn thấy chính gương mặt hớn hở của mình bên cạnh Bác, tôi cứ ngỡ như mơ. Không tin được mình có những giờ phút hạnh phúc như thế, ngay giữa lúc chiến tranh.
Sau giải phóng, về Hà Nội cùng ba mẹ, tôi còn nhiều dịp được gặp Bác. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Thường vụ Quốc hội hay tổ chức cuộc gặp mặt các gia đình cán bộ công tác trong cơ quan. Một lần như thế, Bác đến thăm và chúc Tết. Mọi người đứng vòng quanh trong căn phòng rộng. Bác lần lượt bắt tay thăm hỏi từng gia đình. Bác nhận ngay ra ba tôi và hỏi: “Gia đình chú Y Ngông đấy à?”. Mẹ ghé tai nhắc nhỏ tôi đưa cả 2 tay ra bắt tay Bác. Đôi tay Bác có những ngón dài, gầy, khô và ấm nóng. Bác hỏi tôi: “Con gái Tây Nguyên có học chữ Tây Nguyên không?”. “Thưa Bác cháu học cả 2 thứ chữ ạ”. Bác bước đi rồi mà tôi cứ ngỡ như là chuyện không có thật. Bởi bấy giờ tôi đã láng máng hiểu Bác là người lãnh đạo cao nhất của cả nước. Sao Bác lại hiền và vui thế.
Từ khi có Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, Tết năm nào Bác cũng đến thăm, chí ít cũng gửi quà. Lần nào đến thăm Bác cũng căn dặn: “Các cháu phải học cho giỏi. Học nhiều ngành nghề. Sau này đất nước thống nhất sẽ về phục vụ cho quê hương, cho dân tộc mình”. Những năm đầu, thương con cháu Tây Nguyên tập kết nhớ quê hương, gia đình, chịu cái lạnh thấu xương khắc nghiệt của miền Bắc, Bác khuyến khích tổ chức các lễ hội hay sinh hoạt văn nghệ của từng dân tộc. Nhiều văn nghệ sĩ Tây Nguyên đến với nghệ thuật chuyên nghiệp từ những tháng năm ấy, như Y Brơm, Kim Nhớ, HBen, Kpă Púi… Có lẽ tôi biết yêu và rồi sau này say mê văn hóa dân gian các dân tộc cũng từ những ngày ấy? Rồi những đêm đông bên bếp lửa hồng say mê xem múa hát, gà gật nghe các nghệ nhân già kể trường ca cho các chú Y Điêng Kpa Hô Dí, Y Jung Adrơng và cán bộ làm công tác sưu tầm ghi lại, phải chăng đã gieo mầm cho những con chữ bây giờ cứ luôn cựa quậy dưới ngòi bút tôi?
Có một lần, Bác đi thăm và cảm ơn các nước bạn đã ủng hộ Việt Nam về, ba cho tôi cùng sang sân bay Gia Lâm đón Bác. Đi trên đường, ba dừng xe mua cho tôi một bó hoa sen hồng to để lát nữa tặng Bác. Sân bay rợp trong rừng cờ hoa và rừng người. Gió lồng lộng, nắng vàng rực rỡ reo vui. Bác như ông Tiên trong chuyện cổ tích, râu tóc bạc phơ hiện ra trên cửa máy bay rạng rỡ nụ cười vẫy tay chào mọi người. Tim tôi đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi Bác đi bắt tay đoàn cán bộ ra đón. Bác có nhận hoa của tôi không nhỉ? Và rồi Bác đến bên tôi, tươi cười. Cúi nhận bó sen tôi rụt rè trao tặng, Bác bảo: “A! Con gái Tây Nguyên đây mà”. Tôi sung sướng đến phát run bần bật cả chân tay. Bác bận trăm công ngàn việc mà vẫn nhớ đến đứa bé dân tộc nhỏ nhoi là tôi đây sao? Còn ai hạnh phúc bằng tôi nữa chứ? Trời dường như xanh hơn và mọi người đều hớn hở vui tươi. Niềm phấn khởi còn đọng mãi trong tôi đến vài ngày sau đó.
Tuổi thơ đã trôi qua không bao giờ trở lại. Tôi trộm nghĩ rằng, có lẽ nhờ những tháng năm gian khó mà đẹp đẽ ấy, những lần được gặp và nghe Bác răn dạy ấy mà đa số (trong hơn 2.000) những đứa trẻ dân tộc miền Nam tập kết ra Bắc đã sống đúng với những điều Bác mong mỏi: học giỏi, phục vụ hết mình cho quê hương và cho đồng bào dân tộc.
 LINH NGA NIÊ KDAM

Có thể bạn quan tâm