(GLO)- Gần 7 năm “vác tù và hàng tổng”, ông Lý Kim Tuyên vừa được đảng viên và bà con làng Mông (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn nhiệm kỳ 2022-2025. Là "đầu tàu", ông Tuyên luôn tận tâm, nhiệt tình với việc chung của xóm làng.
Làng Mông có 150 hộ, 736 khẩu với 5 dân tộc: Mông, Bahnar, Tày, Dao và Kinh sinh sống đoàn kết, thuận hòa. Hầu hết người dân sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, ông Tuyên đã chủ động tìm nhiều giải pháp, cách thức tuyên truyền, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, giúp các hộ dân vay vốn, phát triển kinh tế với tổng dư nợ hơn 4,6 tỷ đồng.
Theo ông Tuyên, trước đây, bà con không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ trông chờ vào tự nhiên, trồng mì, lúa rẫy. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, người dân đã biết trồng rau màu, trồng mía, mì, ngô, lúa; hàng năm tổng diện tích gieo trồng đạt hơn 600 ha. Bà con còn trồng gần 142 ha cây lâm nghiệp, tham gia nhận khoán bảo vệ 444 ha rừng. Cả làng có hơn 478 con trâu, bò, hơn 2.200 con gia cầm; nhà nào cũng có xe máy, ti vi, nhiều hộ mua sắm máy cày phục vụ sản xuất cho gia đình và người dân quanh vùng. “Hiện trong làng còn 22 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều; 100% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, 100% lao động nông thôn có việc làm, số hộ khá tăng dần theo từng năm”-ông Tuyên phấn khởi.
Để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng như bản sắc văn hóa luôn được giữ vững, đẩy lùi các hủ tục, ông Tuyên cùng Ban Nhân dân, các hội, đoàn thể thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động, trao đổi với người dân. Nhờ đó, nhiều phong tục tốt đẹp được gìn giữ; người dân thực hiện tốt hương ước, quy ước và tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. “Đến nay, làng vẫn duy trì đội múa truyền thống với gần 10 thành viên, một số thanh niên đã biết thổi khèn, phụ nữ duy trì nghề dệt, may trang phục truyền thống. Hàng năm có 98% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Làng được công nhận giữ vững danh hiệu làng văn hóa”-ông Tuyên tự hào chia sẻ.
Ông Lý Kim Tuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mông (bìa trái; xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) tuyên truyền người dân chuyển đổi cây trồng. Ảnh: Ngọc Minh |
Ông Lý Văn Tính bày tỏ: “Tròn 40 năm từ Cao Bằng vào xã Ya Hội lập nghiệp, vào các ngày lễ, Tết, chúng tôi vẫn cùng nhau khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, vẫn giữ tiếng khèn, lời giao duyên, cùng nhau chơi ném còn cũng như nấu các món ăn của dân tộc. Trong làng cũng có một số dân tộc khác cùng sinh sống nhưng chúng tôi luôn đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị. Tất cả nhờ cán bộ, đảng viên, nhất là ông Tuyên đã khéo léo, vun đắp”.
Bên cạnh đó, ông Tuyên cũng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của xã để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị Lý Thị Phương tâm sự: “Cách đây 5 năm, vợ chồng tôi ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, không ruộng rẫy, thậm chí không có nhà ở. Nhờ ông Tuyên cùng các cấp chính quyền kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 1 con bò và kinh phí 80 triệu đồng, gia đình đã xây dựng được căn nhà vững chắc. Ông Tuyên cũng thường xuyên nhắc nhở, chỉ bảo vợ chồng làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Không chỉ vậy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Tuyên đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, giữ gìn nếp sống văn minh. Hàng tuần, ông huy động bà con dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Ông cũng vận động người dân xây dựng nhà vệ sinh, tham gia hàng trăm ngày công và hiến hơn 4.000 m2 đất để hoàn thiện các công trình công cộng, làm đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt thôn làng, khang trang, sạch-đẹp hơn.
Gần 7 năm “vác tù và hàng tổng”, ông Lý Kim Tuyên (làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã có nhiều đóng góp xây dựng làng quê khang trang, đổi mới. Ảnh: Ngọc Minh |
Không chỉ nhiệt tình với công tác xã hội, bản thân ông Tuyên cũng là người chu toàn khi vừa chăm sóc mẹ già, vợ bệnh tật, mù lòa vừa nuôi dạy các con nên người. Ông Tuyên trải lòng: “Vợ chồng tôi có 3 người con, 2 cháu đầu đã đi làm còn con út đang đi học. Hơn chục năm nay vợ tôi đau ốm thường xuyên, hai mắt không nhìn thấy. Bên cạnh đó, mẹ tôi năm nay đã gần 100 tuổi nên mọi việc trong nhà từ lớn tới bé tôi phải cố gắng sắp xếp, quán xuyến”. Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng ông Tuyên luôn dành thời gian chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình có 3,5 sào lúa, hơn 1 ha mía, 1 ha cây keo. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi trâu, bò, heo, gà để tăng thu nhập cho gia đình từ 120-150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Chỉ tay về phía những cây mít mới mua về, ông Tuyên cho hay: “Đó là giống mít nghệ, tôi chuẩn bị trồng xung quanh vườn. Khi nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, tôi sẽ phá bỏ một phần diện tích mía, chuyển sang trồng cây ăn quả. Tôi cũng vận động bà con đẩy mạnh chăn nuôi, đưa giống cây trồng mới vào trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng thu nhập”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội-cho biết: “Ông Tuyên trong vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì cộng động, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Mỗi khi xã triển khai công việc gì, ông Tuyên luôn là người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Tuyên là cánh tay đắc lực cho cấp ủy, chính quyền xã trong việc triển khai các phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, những năm qua phong trào hiến đất, làm đường bê tông, xây dựng đường làng, nhà văn hóa ở làng Mông được Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Ông Tuyên cũng là người chịu thương, chịu khó, biết cách tận dụng những thế mạnh về đất đai để phát triển kinh tế gia đình”.
NGỌC MINH