Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

C90: Xứng danh đơn vị anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Đặc công 90 (Khu 9) năm xưa giờ đã ở tuổi 70. Thế nhưng khi nhắc về những năm tháng cùng “vào sinh ra tử”, trong mỗi người vẫn vẹn nguyên ký ức của một thời hào hùng.

Theo lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân TP. Pleiku (1965-2015): Tháng 7-1965, tỉnh chuyển giao Đại đội Đặc công 90 (Tiểu đoàn Đặc công 408, Tỉnh đội Gia Lai) cho Khu 9 (thị xã Pleiku). Đại đội Đặc công 90 được biên chế thành 3 trung đội; 1/3 quân số là người Jrai, Bahnar. Đơn vị được giao nhiệm vụ là mũi nhọn đánh thọc sâu vào hậu phương địch, với cách đánh bất ngờ, nhanh, “nở hoa trong lòng địch”, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, làm nòng cốt phát triển lực lượng vũ trang tập trung của thị xã sau này.

Những trận đánh oai hùng

Nhắc đến những trận đánh của Đại đội Đặc công 90 (C90) không thể không kể đến trận Tết Mậu Thân năm 1968 vào thị xã Pleiku. Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (120 Đinh Tiên Hoàng, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) kể: Tối 30-1-1968, 47 cán bộ, chiến sĩ C90 lặng lẽ tiến vào thị xã và nhanh chóng chia làm 3 mũi tiếp cận các mục tiêu được phân công. Đúng 0 giờ 55 phút ngày 31-1-1968 (tức mùng 1 Tết Mậu Thân), Tiểu đoàn Đặc công 408 nổ súng và bộc phá liên tục mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh. C90 tập kích vào sở chỉ huy của Tỉnh đoàn bảo an ngụy, đại đội thám báo biệt kích tiêu diệt nhiều tên địch; phá Nhà lao Pleiku và trả tự do cho hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam tại đây.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) xem lại danh sách C90. Ảnh: Anh Huy
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) xem lại danh sách C90. Ảnh: Anh Huy


Với chiến thuật đánh nhanh, trúng mục tiêu, bộ đội ta khiến địch hoàn toàn bất ngờ, chúng kháng cự yếu ớt và bỏ chạy tán loạn. Sau khi đánh các mục tiêu chính ở thị xã, Đại đội rút về khu vực Trường Tiểu học Pleiku (nay là Trường THPT chuyên Hùng Vương) đến giáp đầu đường Sư Vạn Hạnh để đào công sự bám trụ, sẵn sàng chống địch phản kích, chờ lệnh cấp trên. Khoảng 8 giờ sáng mùng 1 Tết, địch bắt đầu phản kích. Chúng cho trực thăng phóng pháo, bắn rocket vào trận địa của ta. Cuộc chiến diễn ra không cân sức nhưng cán bộ, chiến sĩ C90 vẫn quyết tâm bám công sự, bám trận địa đánh trả. Đến chiều tối, tiếng súng mới ngừng hẳn.

Kể về trận đánh khu vực Đài phát thanh của địch, cựu chiến binh Phạm Văn Tuyên (54A Võ Trung Thành, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: “Thời điểm đó, trời bắt đầu mưa giông, Tiểu đội chúng tôi nhận nhiệm vụ đi chuẩn bị chiến trường, phải bò qua 11 lớp hàng rào kẽm gai và ở mỗi lớp rào ấy, chúng tôi phải gỡ từng quả mìn do địch cài để hôm sau 2 trung đội đặc công thuận lợi mật tập vào vị trí chiến đấu. Trong trận đánh đó, Tiểu đội chúng tôi được lệnh mang theo 2 khẩu súng AK và 4 quả B40 ra đánh vòng ngoài, chặn không cho quân địch từ thị xã lên chi viện. Nhờ chuẩn bị chu đáo, nắm chắc tình hình nên ta bảo toàn lực lượng và tiêu diệt gọn 1 đại đội bảo vệ, 2 xe tăng cùng nhiều phương tiện khác”.

Cựu chiến binh Phạm Văn Tuyên bên kỷ vật còn lại là chiếc ăng gô
Cựu chiến binh Phạm Văn Tuyên (54A Võ Trung Thành, phường Ia Kring, TP. Pleiku)
bên kỷ vật còn lại là chiếc ăng gô. Ảnh: Anh Huy


Sống mãi tuổi đôi mươi

Cuộc chiến nào cũng có mất mát, hi sinh. Để có một C90 anh hùng như hôm nay, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải đổ máu và không ít người đã mãi nằm xuống ở độ tuổi mới ngoài đôi mươi. Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương rưng rưng xúc động: “Trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 khác với những trận đánh khác. Chúng tôi không ai phải ngụy trang, tất cả đều mặc trên người những bộ quần áo tươm tất với tâm thế giải phóng Pleiku và ăn Tết tại thị xã. Nhưng rồi, 47 người ra trận chỉ có 7 người trở về”.

Khi địch điên cuồng phản kích, tận mắt ông đã chứng kiến nhiều đồng đội bị hất văng khỏi công sự, bụi, đất, khói đạn phủ kín trận địa. Trận chiến kết thúc, những người còn sống ngậm ngùi nhìn xác đồng đội nằm lại, lau nước mắt rồi rút quân. “Lạc đường, đói khát, 3 trong số 7 người bị thương nên việc di chuyển càng thêm khó khăn và phải mất 7 ngày sau chúng tôi mới tìm về nơi tập kết trước khi xuất kích ở làng O Sơr (xã Gào)”-ông Lương bộc bạch.


Tháng 5-1973, sau khi hoàn thành mọi nhiệm vụ, C90 được điều về Tiểu đoàn Bộ binh 67 của tỉnh, làm nòng cốt trong chiến đấu. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, C90 được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và cờ đơn vị Thành đồng Quyết thắng. Mới đây, C90 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những người còn sống cũng mang nhiều thương tật của chiến tranh để rồi mỗi khi “trái gió trở trời” vết thương hành hạ đến đau buốt tâm can. Bị 1 viên đạn bắn xuyên từ má xuống đến cổ, ảnh hưởng đến dây thần kinh số 7 khiến cho việc nói năng của ông Lương đôi lúc không thể tròn vành rõ chữ; rồi mảnh đạn găm ở đầu gối chân trái mỗi khi thời tiết trở lạnh cũng khiến việc đi lại gặp khó khăn.

…Trải qua bao khó khăn, gian khổ và luôn phải đối diện với ranh giới của sự sống và cái chết nhưng với mỗi cán bộ, chiến sĩ C90 luôn tự hào khi nhắc nhớ về những năm tháng đã qua. Họ luôn nhắn nhủ với thế hệ trẻ hôm nay: Phải chịu khó học tập, rèn luyện, có mục đích, lý tưởng sống và luôn phấn đấu cho mục đích, lý tưởng ấy để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp!

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm