Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Cách mạng Tháng Tám 1945: Những bài học thực tiễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm cho thực dân Pháp, phát xít Nhật cũng như các thế lực phản động quốc tế và bè lũ tay sai của chúng bàng hoàng. Tại sao chúng thất bại trong chiến tranh Việt Nam? Nhiều nhà chính trị, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, quân sự… trong và ngoài nước đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên dưới nhiều giác độ khác nhau. 
Phương pháp cách mạng quyết định thắng lợi
Đã 74 năm trôi qua, cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta chống Pháp-Nhật cứu nước đã lùi vào quá khứ, nhưng âm vang của chiến thắng này vẫn làm cho chúng ta vừa rất đỗi tự hào, đồng thời hiểu sâu sắc hơn về phương pháp cách mạng bạo lực của Đảng.
Phương pháp cách mạng là một khoa học, là nghệ thuật tiến hành đấu tranh cách mạng bằng hình thức, biện pháp giúp chiến thắng kẻ thù một cách có lợi nhất. Phương pháp cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật (1939-1945) cho thấy tư duy khoa học biện chứng của Đảng ta đã đạt tới trình độ nghệ thuật quân sự sâu sắc, giúp một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm được chính quyền trong toàn quốc.      
Đảng ta đã nghiên cứu nhiều phương pháp cách mạng của các nước trên thế giới. Từ kinh nghiệm sử dụng phương pháp khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Tháng Mười Nga, đến phương pháp cách mạng của Trung Quốc: trường kỳ vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, lấy lực lượng vũ trang giành chính quyền với phương châm: “Chính quyền từ miệng súng”. Nhưng quan điểm của Đảng ta là “đi theo con đường của cách mạng Việt Nam, nghĩa là tiến hành khởi nghĩa từng bộ phận, lập căn cứ địa, tiến hành chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân” (Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội, trang 31). Quan điểm này đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11-1939), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 11-1940) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) thông qua chuyển hướng chỉ đạo chiến lược nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. (Ảnh tư liệu)
Để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp lực lượng cách mạng đông đảo trong cả nước tham gia.  Cụ thể, Trung ương Đảng chỉ đạo: Để đưa cuộc khởi nghĩa vũ trang đến thắng lợi, cần ra sức phát triển lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng. Chính vì vậy, Trung ương quyết định duy trì lực lượng du kích Bắc Sơn và thành lập những đội du kích hoạt động phân tán, dùng hình thức vũ trang vừa chiến đấu chống địch, vừa phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập khu căn cứ, lấy Bắc Sơn,Vũ Nhai làm trung tâm.
Quan điểm nhất quán của Đảng ta là không phải đánh ở thế chịu đựng hay bị động mà đánh lâu dài trên thế tiến công. Trong khi đánh lâu dài, ta luôn chủ động tạo thời cơ và nhanh chóng nắm lấy thời cơ mỗi khi nó xuất hiện. Việc tạo thời cơ và nắm lấy thời cơ kịp thời hay không có quan hệ trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng. Cái hay trong phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là ở chỗ giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc lên hàng đầu, tập hợp rộng rãi mọi người Việt Nam yêu nước trong Mặt trận Việt Minh; xây dựng lực lượng quần chúng cả nông thôn và thành thị; xây dựng căn cứ cách mạng và lực lượng vũ trang. Đây là ngọn cờ dẫn đường cho nhân dân ta đồng tâm tự vũ trang, hừng hực khí thế bước vào cuộc tổng khởi nghĩa, tiến lên đập tan xiềng xích nô lệ của phong kiến và thực dân, giành độc lập, tự do cho nhân dân.
Nét độc đáo, sáng tạo trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là ở chỗ, Đảng ta đã nhận định đúng tình hình thế giới và trong nước diễn biến có lợi cho cách mạng Việt Nam. Từ sau cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc trong lực lượng kẻ thù. Đó là những cơ hội tốt làm cho những điều kiện khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Việc xác định đúng kẻ thù chính có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược cách mạng lúc này là tập trung mũi tấn công vào Phát xít Nhật.Vì vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”.
Đúng vậy, việc tạo thời cơ cho cách mạng là một nghệ thuật quân sự của Đảng; nhưng việc nắm lấy thời cơ kịp thời trong Cách mạng Tháng Tám là nét độc đáo, sáng tạo trên cơ sở tư duy khoa học biện chứng trong nghệ thuật quân sự của Đảng ta. Đây là giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn kết thúc, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện ở châu Âu, phát xít Nhật đang đi gần đến chỗ thất bại hoàn toàn ở châu Á, Trung ương họp Hội nghị tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945 đã nhận định hoàn toàn đúng đắn: Cơ hội rất tốt cho ta giành chính quyền độc lập đã tới. Vì vậy, Đảng ta quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Trong vòng 15 ngày (từ ngày 14-8 đến 28-8-1945), Đảng ta đã lãnh đạo 20 triệu dân cả nước nhất tề vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Xét trong phạm vi các cuộc cách mạng quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và phương Đông nói chung, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã đánh dấu bước nhảy vọt của lịch sử dân tộc Việt Nam. Với tốc độ tiến công chưa từng có, nhân dân ta đã lật đổ chiếc ngai vàng phong kiến thống trị hàng ngàn năm, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân gần một thế kỷ. Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra trong vòng 15 ngày lịch sử đã kết thúc thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu; đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngày  2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Giá trị thực tiễn trong công cuộc đổi mới
Để vận dụng phương pháp cách mạng về phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước trong thời đại mới-thời đại thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi nhân tố, mọi lực lượng kinh tế, xã hội cùng tham gia vào xây dựng và phát triển nước nhà. Đó chính là một trong những điều kiện quyết định thắng lợi của nước ta hiện nay.
Vấn đề thứ nhất là phải xác định mục tiêu số một hiện nay của Đảng và nhân dân ta là gì? Đó là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Vấn đề thứ hai là phải xác định nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta có 2 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải thực hiện: xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
Vấn đề thứ ba là phương pháp giải quyết các mối quan hệ giữa các nhân tố, lực lượng đó bằng cơ chế, chính sách sao cho phù hợp. Trong đó mắt xích đầu tiên cần giải quyết là những lợi ích cơ bản, lợi ích chung của mọi giai cấp, tầng lớp, từ đó đoàn kết được mọi lực lượng thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong thời đại quốc tế hóa, toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày nay, dân tộc ta cần khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng thế giới, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; bài học bám sát thực tiễn, không xa rời thực tiễn trong hội nhập. Đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp cách mạng nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Vấn đề thứ tư là tập hợp lực lượng nhân dân. Phải tin vào dân, dựa chắc vào dân, phải lấy dân làm gốc, phải đánh giá đúng vai trò và năng lực sáng tạo của nhân dân. Quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, sáng tạo ra giá trị vật chất và tinh thần. Những thành quả tư duy khoa khọc của Đảng ta chính là sản phẩm của cuộc đấu tranh anh dũng và thông minh của nhân dân Việt Nam. Dân là nguồn gốc quyền lực của nhà nước, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng. Bằng khả năng tư duy khoa học của mình, Đảng phải tổng kết được những sáng tạo của quần chúng để dẫn dắt nhân dân đi đúng con đường đạt tới mục tiêu đã định. Do đó phải đảm bảo quyền làm chủ thực sự cho nhân dân.
Vấn đề thứ năm là phải nắm vững quy luật vận động, phát triển của thế giới và của cách mạng nước ta. Chỉ sau 50 năm từ sự ra đời của cách mạng công nghiệp số năm 1969, đến nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đã hiện hữu trên thế giới, phát huy vai trò tích cực của nền kinh tế tri thức, phát triển lực lượng sản xuất đạt đến trình độ cao, góp phần giải phóng sức lao động cực lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc nước nào biết vận dụng quy luật vận động để phát triển và kịp thời nắm lấy cơ hội lớn cho mình mà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp thì sẽ hạn chế được những khó khăn, thách thức, nhanh chóng đưa đất nước, dân tộc mình rút ngắn khoảng cách với các nước lớn. Vì vậy, dù bất kỳ cuộc chiến tranh diễn ra trong thời đại nào, cách mạng Việt Nam phải luôn ở thế tiến công và phải có phương hướng chiến lược đúng đắn. Đảng ta luôn chủ động trong hoạch định chiến lược cho từng giai đoạn cách mạng... 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh rằng, một nước không lớn, đất không rộng, người không đông, kinh tế dưới mức nghèo nàn, nhưng khi nhân dân được Đảng vũ trang lý luận cách mạng và khoa học đã biến thành lực lượng vật chất vô địch, đủ sức đánh thắng mọi kẻ thù. Nói tóm lại, trong các cuộc đọ sức ác liệt vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh, giàu mạnh, dù kẻ thù hung hãn đến đâu thì nhất định chúng phải thua. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo dày dạn, sáng tạo của Đảng về trí tuệ, về nghệ thuật lựa chọn phương pháp cách mạng thích hợp, nghệ thuật chọn đúng thời cơ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế sẽ chiến thắng mọi kẻ thù.
 Th.s VÕ THỊ ÁI

Có thể bạn quan tâm