(GLO)- Kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; tình trạng kháng thể bảo vệ trước vi rút SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”. Quan điểm này đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, những tổn thất về sức khỏe, sinh mạng người dân và nguồn lực quốc gia, dù không muốn nói, cũng phải thừa nhận là vô cùng nặng nề. Vì vậy, kỳ vọng về một ngày đại dịch được ngăn chặn hoặc chí ít như một căn bệnh thông thường, ít nguy hiểm cho con người là ước mơ không chỉ riêng ai. Vì thế, xã hội biểu thị sự đồng tình với Thủ tướng khi đặt vấn đề “tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu” cũng là điều dễ hiểu.
Một tháng trở lại đây, số ca F0 tăng liên tục, ngày sau cao hơn ngày trước hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn người. Trong đó, Hà Nội luôn dẫn đầu với hơn 32 ngàn ca (ngày 7-3), tiếp đến là Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ… Dù không ở đỉnh nhưng Gia Lai cũng được xếp nửa trên trong danh sách 63 tỉnh, thành có số F0 tăng cao gần đây. Mặc dù những số liệu ấy chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế lây nhiễm, khi chủng Omicron được cho là đang thịnh hành vào thời điểm này.
Từ chỗ hốt hoảng, bị động trong cách xử trí, chúng ta dần bình tĩnh đón nhận và chủ động các biện pháp ứng phó; tập trung nguồn lực cứu chữa cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng, vừa tiết kiệm nguồn lực vừa đảm bảo hiệu quả phòng-chống dịch. Kết quả này chắc chắn có được nhờ việc bao phủ vắc xin trên diện rộng và những bài học kinh nghiệm rút ra từ đợt chống dịch quý III-2021.
Bộ Y tế cho biết, so với tháng trước, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng gần 200%, nhưng số tử vong giảm hơn 47%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm hơn 43%; hơn 90% F0 điều trị tại nhà; tỷ lệ tử vong trên số ca mắc 30 ngày qua là 0,2%, giảm nhiều so với 1% của tháng trước. Có lẽ đó chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ đề xuất “tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”.
Dù có nhiều cách định nghĩa nhưng chung quy “bệnh đặc hữu” được hiểu là “bệnh xuất hiện thường xuyên, tốc độ lây lan dễ dự đoán, cho phép hệ thống y tế có điều kiện chuẩn bị, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng con người”.
Trong khi đó, Covid-19 mới xuất hiện với những rủi ro chưa thể đánh giá hết; không ai dám chắc những thiệt hại do Covid-19 gây ra đã dừng lại, với những gì mà thế giới đang ghi nhận, cả về sinh mạng con người cũng như mọi mặt của đời sống xã hội.
Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn xem Covid-19 là đại dịch, bởi 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Diễn biến của đại dịch đã nhanh chóng thay đổi với sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, khiến các quốc gia đã trải qua thời gian dịch bệnh ổn định kéo dài lại phải đối mặt với các làn sóng lây nhiễm và nhập viện mới. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove-Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO cảnh báo rằng: “Vi rút đang trên quá trình trở thành đặc hữu. Nhưng chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch. Bây giờ, tỷ lệ nhập viện ít hơn nhưng phần lớn số bệnh nhân ấy đang thực sự là gánh nặng cho hệ thống y tế”.
Mức độ nguy hiểm của đại dịch, sự an toàn sức khỏe, tính mạng con người trước sự tấn công của vi rút không đơn giản là thay đổi tên gọi dịch bệnh ấy, ít nhất là về mặt câu chữ. Nó phải là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện về năng lực ứng phó của hệ thống y tế gồm: sự hiện đại của trang-thiết bị, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực, độ bền vững của hệ miễn dịch do vắc xin mang lại cho cộng đồng và ý thức phòng-chống dịch của người dân, nhất là với các tỉnh miền núi với hệ thống y tế chưa đủ mạnh.
Vì vậy, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cần được hiểu như một sự kỳ vọng và chỉ được thực hiện sau quá trình đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; tình trạng kháng thể bảo vệ trước vi rút SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước và nghiên cứu một cách khoa học, trách nhiệm kinh nghiệm quốc tế, nhất là với các nước có nhiều kinh nghiệm điều trị, hồi sức cấp cứu, cũng như có nguồn vắc xin dồi dào, thuốc kháng vi rút hiệu lực cao…
Nói cách khác, để Covid-19 từ đại dịch trở thành bệnh đặc hữu thì cần phải có thời gian để lấp đầy những khoảng trống trong phòng-chống dịch. Bởi lẽ, dù gọi bằng tên gì thì mục tiêu cao nhất của việc phòng-chống dịch Covid-19 vẫn là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
ĐÌNH CƯƠNG