Câu chuyện của cô bé người Mông giúp phim Việt lọt top 15 đề cử Oscar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” lọt vào danh sách rút gọn 15 phim đề cử Oscar đã có thể xem là một kỳ tích của phim Việt. 
 
 
“Những đứa trẻ trong sương” lọt vào đến danh sách rút gọn top 15 đề cử Oscar ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc là điều nằm ngoài tưởng tượng của đạo diễn Hà Lệ Diễm. 
Hà Lệ Diễm là người Tày, sinh ra ở Bắc Kạn. “Những đứa trẻ trong sương” xoay quanh hành trình trưởng thành của cô bé Mông tên Di.
Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với Hà Lệ Diễm.
“Tôi kể câu chuyện về bé gái Mông nhưng khán giả thế giới thấy mình trong đó”
Thông tin phim “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) lọt vào danh sách rút gọn 15 phim (chọn từ 144 phim của nhiều quốc gia gửi tham dự Oscar) đến với Hà Lệ Diễm như thế nào?
Buổi tối hôm công bố danh sách rút gọn của Oscar, tôi nghĩ rằng, phim mình sẽ không thể lọt vào top 15 nên đã đi ngủ sớm. Tôi không để ý và cũng không hy vọng gì cả. Lọt vào đến top 15 là việc rất khó. Cho đến sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi vẫn thấy điều đó thật khó tin. Ngay cả báo chí Mỹ khi đưa tin cũng nói, họ rất bất ngờ.
Còn về phim nộp hồ sơ đi Oscar, “Những đứa trẻ trong sương” đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Docaviv, một trong những Liên hoan phim mà khi thắng giải cao nhất, phim sẽ tự động được gửi hồ sơ cho Oscar xét duyệt.
“Những đứa trẻ trong sương” cũng đã dự một số liên hoan phim lớn tại các thành phố tại Mỹ và chiếu rạp ở Mỹ. Do đó phim đủ điều kiện và do nhà phát hành tại Mỹ của phim làm hồ sơ, gửi đi Oscar.
 
Đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bạn muốn gửi gắm điều gì qua câu chuyện về bé gái người Mông khi gửi “Những đứa trẻ trong sương” ra thế giới?
“Những đứa trẻ trong sương” là câu chuyện về tuổi thơ và sự biến mất của thời thơ ấu. Tôi nhìn thấy bản thân mình qua câu chuyện của Di.
Khi tôi gặp cô bé, nhìn Di chơi đùa, tôi nhớ ra rằng, tôi cũng từng có tuổi thơ như thế, từng là đứa trẻ chơi vui, nghịch ngợm như thế. Và rồi, tôi không biết mình đã lớn lên từ khi nào, như thế nào, tại sao tuổi thơ lại biến mất?
Tôi đã bỏ ra hơn 3 năm để ăn, ngủ ở nhà Di và quay phim về hành trình trưởng thành của Di. Khi tôi bắt đầu quay, Di mới 12 tuổi, một bé gái Mông sống ở Sa Pa.
Sau đó 3 năm Di được một chàng trai đến “kéo vợ” (một tục lệ của người Mông) nhưng Di không đồng ý. Trong hơn 3 năm, tôi đã ghi lại được những dấu ấn trong hành trình lớn lên của Di. 
Cũng trong hơn 3 năm ấy, tôi đã trả lời được câu hỏi, tại sao chúng ta phải lớn? Chúng ta đã lớn lên như thế nào?
Sau hơn 3 năm quay phim ở Sa Pa, tôi trở về Hà Nội để tiến hành dựng phim. Cả quay dựng, tôi mất 5 năm để hoàn thiện “Những đứa trẻ trong sương”. 
Khi ngồi xem lại những thước phim quay được suốt hơn 3 năm tôi có thể nhìn thấy Di đã thay đổi như thế nào. Từ khi tôi bắt đầu quay những cảnh đầu tiên, đến những cảnh cuối cùng, Di đã từ một đứa trẻ trở thành thiếu nữ xinh đẹp. 
Sinh năm 1992, Hà Lệ Diễm được bạn bè miêu tả là người “sẵn sàng quăng quật bản thân để làm phim”. Từng sống cùng mẹ con người Dao nhiễm HIV để quay “Con đi trường học”, lại dành hơn 3 năm ăn ngủ ở nhà bé gái Mông để quay “Những đứa trẻ trong sương”. Bạn kiếm tiền để sống và kiếm tiền để làm phim bằng cách nào?
Tôi làm nhiều công việc. Riêng với công việc làm phim, sau 3 năm kể từ khi khởi quay, tôi có đi xin tài trợ (gần giống những quỹ học bổng) dành cho các đạo diễn trẻ của LHP Busan.
Trước đó tôi cũng bị từ chối nhiều lần, nhưng khi mình có hình ảnh cụ thể của dự án phim, thuyết phục được các quỹ hỗ trợ, tôi và ê-kíp đã nhận được mức tài chính đầu tư nhất định để đi được đến công đoạn cuối cùng, hoàn thiện bộ phim.
Khi bắt đầu đến Sa Pa quay, tôi đi mượn đủ thứ. Mượn máy quay của bạn tôi, mượn microphone của trung tâm TPD, thi thoảng mượn chân máy của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên... 
 
 
Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” quay trong hơn 3 năm, từ khi Di còn là cô bé 12 tuổi cho đến khi trở thành thiếu nữ. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” quay trong hơn 3 năm, từ khi Di còn là cô bé 12 tuổi cho đến khi trở thành thiếu nữ. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Ở thị trường phát hành phim Việt Nam, phim truyện điện ảnh còn đang điêu đứng vì không thể bán được vé, không tiếp cận được với khán giả. Phim tài liệu sẽ càng khó khăn hơn. Vì sao bạn chọn phim tài liệu để kể chuyện?
Phim tài liệu của tôi là thể loại tài liệu trực tiếp, quay trực tiếp, không có lời bình, rất ít thoại, chỉ có lời dẫn vào câu chuyện.
Tôi đã học về cách làm phim tài liệu, trong quá trình học, tôi xem rất nhiều phim và thực sự bị thể loại tài liệu chinh phục. Thế giới có rất nhiều phim tài liệu hay, hấp dẫn, giàu chất điện ảnh. 
Với thể loại tài liệu, chúng ta có thể xem rất nhiều lần, mỗi lần xem lại phát hiện ra một chi tiết hay, một ẩn ý mới – mà mình đã bỏ lỡ ở lần xem trước.
Khi xem và làm phim tài liệu, tôi được ở lại rất lâu để khám phá một nhân vật, một vùng đất, một nền văn hóa.
Năm 2019, tôi nhận được hỗ trợ của Liên hoan phim IDFA đến Hà Lan đến dự liên hoan phim, đây là liên hoan phim chỉ dành cho phim tài liệu lớn nhất thế giới, khán giả ở đó xem rất đông.
Vé xem phim tài liệu khá đắt, từ 7-12 euro/vé, nhưng khán giả đến rất đông, hầu như phủ kín các cụm rạp, rất nhiều phim bán sạch vé trước khi Liên hoan phim diễn ra.
Ở Liên hoan phim Sydney (Úc), một rạp chiếu phim tài liệu hơn 2.000 ghế, vé tầm 16-18 USD, vẫn kín rạp. Thế giới vẫn rất thích thể loại phim tài liệu, họ có đơn vị phát hành riêng cho thể loại này. 
Khi “Những đứa trẻ trong sương” chiếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Pháp, rất nhiều khán giả trẻ ở độ tuổi thiếu niên 15-17 tuổi đi xem, và họ rất thích bộ phim. Phim còn được hai giải ban giám khảo trẻ ở Đài Loan và Úc. Có cô giáo còn cho cả lớp học sinh của mình đến xem phim. Họ nói rằng, họ thấy chính mình, cảm xúc của mình, khi theo dõi câu chuyện của Di. 
Nhìn khán giả thế giới đến xem phim, yêu thích bộ phim, và còn thấy mình trong câu chuyện của Di, tôi rất hạnh phúc. Tôi thấy công việc của mình có giá trị.
"Nghe khèn lá trên con đường mù sương, tôi vô cùng cảm động"
Còn bạn, bạn thấy điều gì của mình ở Di? Thơ ấu của bé gái Tày đã qua đi theo cách như thế nào trong câu chuyện của thiếu nữ Mông?
Chúng tôi có những hạnh phúc theo cách rất riêng, nhưng lớn lên với những trăn trở chung. Có nên học tiếp không hay nghỉ học đi làm? Có nên lấy chồng sớm không khi bạn bè đều đã kết hôn? Di đã từ chối cậu bạn “kéo vợ” để đi tiếp hành trình trưởng thành của cô ấy. Đâu đó, tôi cũng có những câu chuyện như vậy.
 
Đạo diễn Hà Lệ Diễm và nhân vật Di trong phim. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Đạo diễn Hà Lệ Diễm và nhân vật Di trong phim. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Cuối cùng, điều quan trọng nhất của một bộ phim là cảm xúc đọng lại. Cảm xúc mà bạn nghĩ mình đã chạm tới ở “Những đứa trẻ trong sương” là gì?
Mỗi khán giả khi xem phim sẽ có cảm xúc riêng. Bộ phim kể về nỗi buồn, sự cô độc của những đứa trẻ như tôi, như Di khi phải lớn lên. Chúng tôi phải vật lộn với những khó khăn riêng để vượt qua.
Cuộc sống vốn phức tạp, giá trị tốt – xấu không phải lúc nào cũng rõ ràng. Mỗi chúng tôi trong hành trình của mình phải đối diện với những lựa chọn. Có người tốt hơn, có người xấu đi, nhưng đều có lý do để trở nên như thế.
Về phần mình, hơn 3 năm sống ở nhà Di để quay phim, tôi đã có những ngày tháng rất vui và đáng nhớ. Bố mẹ Di gọi tôi là con. Mọi người sống ở đây rất vui và yêu thương tôi.
Bố mẹ Di đi đâu cũng đưa tôi đi cùng, từ đi ăn cưới, mừng nhà mới, mừng thôi nôi... cũng có ngày, tôi uống rượu cùng mọi người đến say khướt, không biết gì.
Tôi nhớ có lần, trong tôi có chút men như thế, đi trên con đường mờ sương cùng bố mẹ Di trở về nhà.
Lúc ấy, mẹ Di thổi khèn lá. Lần đầu tiên tôi được nghe khèn lá, trên con đường núi phủ sương mù, một bên là núi cao một bên là vực sâu, tự nhiên tôi vô cùng cảm động.
Theo HÀO HOA (THỰC HIỆN/LĐO)
https://laodong.vn/van-hoa/cau-chuyen-cua-co-be-nguoi-mong-giup-phim-viet-lot-top-15-de-cu-oscar-1132107.ldo

Có thể bạn quan tâm