Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Cầu nối ý Đảng-lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến làng Ó (xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những ngôi nhà xây kiên cố, vườn cây xanh tốt, đường làng sạch sẽ… Góp phần vào sự khởi sắc ấy không thể không kể đến vai trò của Bí thư Chi bộ Rơ Châm Nghít.


Nói đến Bí thư Chi bộ Rơ Châm Nghít, người dân làng Ó đều ngưỡng mộ bởi ông là người có kiến thức, nói đi đôi với làm. Năm 1984, ông Nghít đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, ông là giáo viên dạy Tiểu học tại xã Ia Krai. Năm 1995, ông xin nghỉ dạy và được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn xã rồi Xã đội trưởng. Năm 2008, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ làng Ó.

 Ông Rơ Châm Nghít (bìa trái) tuyên truyền nghị quyết của Đảng cho người dân. Ảnh: Thủy Bình
Ông Rơ Châm Nghít (bìa trái) tuyên truyền nghị quyết của Đảng cho người dân. Ảnh: Thủy Bình


Năm 2017, khi nhà rông của làng xuống cấp, Chi bộ cùng Ban Nhân dân thôn tiến hành họp lấy ý kiến về việc đóng góp kinh phí. Mặc dù làng còn nhiều khó khăn nhưng đây là việc chung nên tất cả người dân đều chung tay đóng góp, mỗi gia đình 1 triệu đồng. Không lâu sau, nhà rông trị giá gần 150 triệu đồng hoàn thành trong niềm vui mừng của tất cả mọi người.

Để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, ông Nghít đã vận động bà con hiến đất để mở rộng đường, góp công giải phóng mặt bằng. Bản thân ông đi đầu hiến 100 m2 đất mặt tiền và lùi hàng rào vào bên trong để mở đường. Với chủ trương này, đoạn đường dài hơn 250 m nối trung tâm làng đến khu sản xuất được bê tông. Cho chúng tôi xem 1 cuốn sổ ghi chép dày đặc thông tin, ông Nghít chia sẻ: “Tất cả việc của làng, mình đều ghi vào đây để nhớ. Việc dân đóng góp tiền, thu chi bao nhiêu đều được ghi để công khai, minh bạch, tạo được sự tin tưởng của bà con”.

Năng nổ việc chung, ông Nghít cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế. Lúc mới lập gia đình, ông chỉ có 2 sào lúa và 7 sào cao su bố mẹ cho làm vốn. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình ông đã có 3 ha cao su, 3 ha điều, 500 cây cà phê và nuôi 10 con bò. Mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 300 triệu đồng. Đến mùa thu hoạch, ông thuê 5-6 lao động địa phương phụ giúp với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, mỗi lần xã tổ chức các chương trình tập huấn, ông lại đến từng nhà vận động bà con tham gia để mở mang kiến thức, học hỏi cách làm giàu. Học theo ông Nghít, nhiều hộ từ nghèo khó dần có thu nhập khá, tiêu biểu như gia đình các ông: Rơ Lan Chiếu, Rơ Lan Phong, Rơ Mah Den... Với những gia đình khó khăn, ông Nghít phân công đảng viên giúp đỡ cây giống, cho mượn vốn không lấy lãi… Đồng thời, ông vận động thanh niên làm công nhân ở các công ty cao su để tăng nguồn thu nhập. Ông Rơ Lan Chiếu cho hay: “Trước đây, nhà mình chỉ trồng cây cao su nhưng giá mủ thường xuyên biến động. Chú Nghít hướng dẫn mình phải đa dạng hóa cây trồng. Mình đã trồng thêm 1 ha điều, 5 sào cà phê và trồng xen cây ăn quả. Hiện nay, thu nhập của gia đình mỗi năm hơn 150 triệu đồng”.

Làng Ó hiện có 142 hộ dân với hơn 600 khẩu, đều là dân tộc Jrai. Bà con chăm chỉ làm ăn, đa dạng hóa mô hình sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Năm 2019, làng có 12 hộ nghèo thì hiện chỉ còn 6 hộ nghèo. 100% trẻ em đều đến trường đúng độ tuổi.

Ông Ksor Loan-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Krai-nhận xét: “Đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ đã 12 năm nên ông Nghít rất có kinh nghiệm, biết cách triển khai từng hoạt động. Uy tín, trách nhiệm với công việc, ông Nghít đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Nhờ đó, làng Ó ngày càng khởi sắc”.

 THỦY BÌNH
 

Có thể bạn quan tâm