(GLO)- Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019) là dịp để Đảng bộ tỉnh nói chung, các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc của Di chúc; bày tỏ sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác; đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm, qua đó khắc sâu và tiếp tục thực hiện có hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020).
Tròn 50 năm thực hiện những huấn thị trong Di chúc của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi mặt. Cụ thể, thực hiện tâm nguyện của Người “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”, trong 6 năm (1969-1975), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh cùng với nhân dân cả nước đánh bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy (1969-1973) và tiến công, nổi dậy giải phóng toàn tỉnh, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị điều kiện đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tập trung chăm lo đời sống nhân dân
Ngay sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), thực hiện lời căn dặn của Bác về ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và quan tâm, chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, Đảng bộ tỉnh đã khẩn trương lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản và kịp thời giải quyết những vấn đề nóng bỏng đặt ra lúc bấy giờ. Việc đầu tiên là ổn định tình hình, giữ vững an ninh trật tự và tập trung giải quyết nạn đói, xác định nhiệm vụ sản xuất lương thực, thực phẩm là quan trọng hàng đầu với phong trào khai hoang xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi; vận động đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng tiến hành định canh định cư, khôi phục và phát triển sản xuất. Cùng với đó, nhiều bệnh xá, bệnh viện ở tuyến huyện và trạm y tế xã được khôi phục để khám-chữa bệnh. Công tác xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được chú trọng và sau 5 năm (1976-1980), toàn tỉnh đã cơ bản xóa nạn mù chữ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương phát biểu kết luận buổi làm việc với xã Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) ngày 18-7-2019 về tình hình triển khai công tác tuyên giáo cơ sở. Ảnh: Thế Phường |
Về chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện Di chúc của Bác “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, sau khi giải quyết căn bản nạn đói, nạn thất nghiệp, mù chữ và khắc phục hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới về văn hóa và lối sống trong nhân dân, Đảng bộ tỉnh đã tập trung chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (đến năm 1985, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh tăng 1,39 lần, thu nhập quốc dân tăng 1,45 lần so với năm 1976; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,3 triệu rúp/đô la và cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ).
Từ sau năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới và công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc với quy mô tăng gấp hàng trăm lần và tốc độ tăng trưởng khá cao (GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%; giai đoạn 2005-2010 đạt 13,6%; giai đoạn 2010-2015 đạt 12,81% và giai đoạn 2016-2018 đạt 7,76%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông-lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển toàn diện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện qua từng năm, năm 2018 xếp thứ 33 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các cụm, khu công nghiệp lớn được xây dựng. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ; đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, TP. Pleiku, thị xã An Khê được công nhận là đơn vị hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, công tác dân tộc, tôn giáo, đảm bảo an sinh xã hội cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, 50 năm qua, trong mọi hoàn cảnh, lúc phong trào cách mạng phát triển thuận lợi hay lúc khó khăn, thách thức trước những bước ngoặt lịch sử, Đảng bộ tỉnh luôn tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chăm lo, gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất, lấy đó làm cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Từ hơn 100 cán bộ, đảng viên ở lại Gia Lai hoạt động, công tác vào cuối năm 1954 và phát triển lên hơn 4.000 đảng viên vào cuối năm 1969, đến đầu năm 1975, Đảng bộ tỉnh có 4.636 đảng viên và hiện nay có 21 Đảng bộ trực thuộc, 985 tổ chức cơ sở Đảng, 3.343 chi bộ trực thuộc với 58.420 đảng viên.
Trải qua 44 năm sau ngày giải phóng và hơn 30 năm đổi mới, sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh là kết quả lãnh đạo của Trung ương Đảng; là sự trung thành tuyệt đối Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên; là quá trình quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số. Đó là kết quả hoạt động bền bỉ, kiên trì, hy sinh phấn đấu, khắc phục mọi gian khổ của các thế hệ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ cách mạng và công cuộc đổi mới hiện nay. Sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh ghi đậm quá trình phấn đấu, rèn luyện không ngừng trong phê bình và tự phê bình, kiên quyết đấu tranh phê phán tư tưởng cá nhân, bè phái, cục bộ địa phương, tư tưởng bi quan, dao động đầu hàng giặc, phản bội cách mạng. Đảng bộ đã kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện ngại khó khăn gian khổ, quan liêu xa rời cơ sở, suy thoái biến chất, bảo thủ, trì trệ, tham ô, tham nhũng làm tổn hại uy tín của Đảng và ngăn cản tiến trình phát triển của phong trào cách mạng trước đây và sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong 50 năm qua, cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ tỉnh không ngừng củng cố, bồi đắp nhân tố đoàn kết các dân tộc, đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, sau các vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên các năm 2001, 2004 và 2008 do bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê ga” gây ra, Đảng bộ càng thấm thía bài học bám đất, bám dân, chủ trương tăng cường cán bộ đến cơ sở theo phương châm “3 bám sát” (tỉnh bám sát xã, huyện bám sát thôn và xã bám sát hộ dân), cùng đồng bào tăng gia sản xuất, chống mọi âm mưu, hành động phá hoại của địch, giữ gìn đoàn kết, an ninh chính trị, trật tự xã hội. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh đã đề cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để phấn đấu thực hiện với nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, đại đa số cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những yếu tố tiêu cực trong xã hội, không mơ hồ mất cảnh giác, luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tin tưởng, phấn khởi, đồng thuận với chủ trương và định hướng phát triển của đất nước và của tỉnh. Nội bộ đoàn kết, thống nhất, mối quan hệ trong cấp ủy, giữa tỉnh với Trung ương, cấp trên với cấp dưới, cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân ngày càng gắn bó, phát huy dân chủ. Ý thức học tập, rèn luyện, tinh thần trách nhiệm, phương pháp, tác phong công tác chuyển biến rõ nét; giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu; tinh thần tự phê bình và phê bình, nói và làm theo nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết trong đấu tranh phòng-chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chủ động phát hiện, phòng ngừa âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch; tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng cơ sở, địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh.
*
* *
Trên cơ sở những thành tựu và kết quả to lớn đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai không ngừng phấn đấu học tập và làm theo lời Bác dạy, phát huy truyền thống đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng Gia Lai trở thành tỉnh giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, phong phú về văn hóa tinh thần, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
LÊ PHAN LƯƠNG
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy