Kon Pne: Khi khát vọng được tiếp sức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể từ chuyến thăm và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Khanh năm 2003 cho đến chuyến thăm và làm việc của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tháng 10-2015, nhiều khó khăn, vướng mắc tại xã Kon Pne đã được tháo gỡ nhằm hướng đến mục tiêu biến vùng đất một thời là hậu cứ cách mạng này trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của huyện Kbang.  

“Ốc đảo” một thời

 

Một lớp học ở Kon Pne. Ảnh: Vĩnh Phúc
Một lớp học ở Kon Pne. Ảnh: Vĩnh Phúc

Một sáng cuối năm, theo lời giới thiệu của Văn phòng Huyện ủy Kbang, tôi dong xe về Kon Pne tìm gặp ông Đinh A Liếu-người từng là Chủ tịch UBND xã Kon Pne suốt từ năm 1995 đến năm 2010. Vừa may, khi tôi đến trụ sở xã, ông Liếu cũng đang có việc ở đây. Biết tôi mới từ huyện vào, ông Liếu cười bảo: “Ngày xưa, từ đây ra huyện có khi phải đi mất hai ngày”. Cái ngày xưa mà ông Liếu nói đến nghe tưởng xa xôi lắm, kỳ thực mới chỉ cách nay ngót chục năm, cụ thể là trước năm 2004, thời điểm con đường từ Đak Rong vào xã Kon Pne được khai thông. Ông Liếu kể, ngày ấy, từ Kon Pne ra đến Đak Rong phải đi qua một con đường mòn xuyên rừng, xuyên núi. Mùa khô còn đỡ khổ chứ mùa mưa, đường trơn trượt, phải chống gậy để đi mà vẫn ngã lên ngã xuống. Đã vậy dọc đường, vắt lại nhiều như vãi trấu. Thành thử, mỗi lần ra Đak Rong, mọi người đều phải dùng muối hoặc vỏ cây hyam bôi lên chân để chống vắt. “Người khỏe cũng phải mất một ngày mới ra tới Đak Rong”-ông Liếu nói.

Bởi đường sá khó khăn, cách trở như vậy nên suốt từ ngày giải phóng đến trước năm 2004, Kon Pne giống một “ốc đảo” nghèo nàn, lạc hậu và gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ông Liếu kể, ngày ấy, đa phần người dân Kon Pne vẫn chỉ quen với lối canh tác “phát, đốt, chọc, tỉa” truyền thống. Vì thế, đời sống của bà con hết sức khó khăn, thiếu đói rất nhiều. Đến cả mắm muối, bột ngọt cũng thiếu trầm trọng. Thành thử, mỗi lần có việc ra huyện, những người như ông Liếu đều phải tranh thủ mua mắm muối, bột ngọt rồi lỉnh kỉnh mang về.

Không chỉ đói ăn, thiếu mặc, ngày ấy, đời sống của cán bộ và nhân dân Kon Pne còn gặp trăm bề thiếu thốn. Ông Liếu kể với tôi rằng, trụ sở xã trước đây là một căn nhà cấp bốn vừa nhỏ vừa chật. Cả xã cũng chỉ có 1 phòng học thưng bằng ván nên học sinh phải học ghép nhiều lớp với nhau. Trạm y tế thì mãi đến năm 1996 mới xây. Trước đó, ai ốm đau bệnh nặng, cầu cúng hay dùng thuốc rừng mà không khỏi thì chỉ còn nước nằm nhà chờ chết.

Khó khăn, thiếu thốn đến vậy, nhưng ông Liếu bảo, khi tỉnh có chủ trương đưa dân Kon Pne ra định cư ngoài khu vực làng Kon Lôk (xã Đak Rong), chẳng ai bảo ai, tất cả đều một lòng xin được ở lại. Bởi lẽ, với người dân Kon Pne, mỗi tấc đất nơi đây đã trở thành một phần máu thịt của họ. Không những vậy, mảnh đất này còn gắn liền với niềm tự hào của người dân Kon Pne về những ngày tháng chở che, đùm bọc bao lớp cán bộ, chiến sĩ suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Tiếp sức cho Kon Pne vươn lên

 

Khu vực trung tâm xã Kon Pne hôm nay. Ảnh: Vĩnh Phúc
Khu vực trung tâm xã Kon Pne hôm nay. Ảnh: Vĩnh Phúc

Gần 30 năm sau ngày giải phóng, Kon Pne cuối cùng cũng đã thoát khỏi thân phận của một “ốc đảo”. Đấy là một ngày cuối năm 2004, một năm sau ngày Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khi đó-ông Nguyễn Tuấn Khanh đến thăm và làm việc tại Kon Pne. Ông Liếu bảo, ông Nguyễn Tuấn Khanh là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên đặt chân đến xã Kon Pne kể từ ngày giải phóng. Sau khi cuốc bộ theo con đường mòn xuyên rừng từ Đak Rong vào Kon Pne và ở lại một đêm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân Kon Pne bên ché rượu cần, ông Nguyễn Tuấn Khanh đã quyết định, bằng mọi giá phải mở đường vào Kon Pne. “Nghe Bí thư Tỉnh ủy nói sẽ mở đường, sẽ kéo điện vào cho xã, bà con mừng lắm”-ông Liếu nhớ lại.

Có đường, có điện, cộng thêm những chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư vào Kon Pne suốt hàng chục năm qua, bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân Kon Pne nhanh chóng khởi sắc. Từ một nền sản xuất thuần tự cung tự cấp, kỹ thuật lạc hậu, đến nay, hầu hết người dân Kon Pne đã biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với trên 530 ha lúa nước, bắp lai, mì cao sản, bời lời đỏ cùng đàn trâu, bò, dê, heo trên 2.700 con. Từ chỗ đa phần đói nghèo, giờ thu nhập bình quân đầu người ở xã Kon Pne đã vượt quá 10 triệu đồng/người/năm và xã chỉ còn hơn 33% hộ nghèo. Từ chỗ cơ sở vật chất hầu như không có gì, đến nay, Kon Pne đã có một trụ sở xã khang trang, có nhà văn hóa và một ngôi trường bán trú bề thế cho 350 học sinh là con em người dân trong xã học tập… Chứng kiến những đổi thay này ở Kon Pne, ngay Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng phải ngỡ ngàng. Ông bảo, Kon Pne bây giờ so với của 10 năm trước đã khác nhau “một trời một vực”.

 

Một góc làng Kon Ktonh, xã Kon Pne hôm nay. Ảnh: Vĩnh Phúc
Một góc làng Kon Ktonh, xã Kon Pne hôm nay. Ảnh: Vĩnh Phúc

Dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận song thực tế, Kon Pne vẫn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kbang. Theo kiến nghị của ông Trương Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã với Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trong buổi làm việc chiều 21-10-2015, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Kon Pne hiện nay vẫn là vấn đề giao thông. Tuy con đường vào xã đã được mở nhưng vào mùa mưa, nhiều đoạn đường đèo vẫn lầy lội khiến xe cộ không thể lưu thông được. Điều này dẫn đến việc, nhiều khi sản phẩm nông nghiệp người dân làm ra không thể tiêu thụ được. Với những người bán được thì giá thành sản phẩm cũng chỉ bằng khoảng 70% so với ở địa bàn xã  Đak Rong. Ngoài ra, xã cũng đang rất cần được đầu tư một hệ thống thủy lợi và máy móc sản xuất để phục vụ việc mở rộng diện tích cây trồng…

Thấu hiểu nỗi trăn trở của cán bộ và nhân dân xã Kon Pne, ngay buổi làm việc trên, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Võ Ngọc Thành đã giao lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để có hướng đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ Đak Rong vào Kon Pne, trước mắt là những đoạn xung yếu. Đồng thời, đồng chí Võ Ngọc Thành cũng yêu cầu Đảng ủy, chính quyền xã cần có quyết tâm chính trị thật cao, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2019, đồng thời phấn đấu xây dựng xã Kon Pne thành một điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của huyện Kbang.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm