E-magazine "Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ cuối: Lan tỏa "vòng tròn nhân ái"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 
 

Đó là chương trình thiện nguyện mà anh Nay Djrueng-một nạn nhân của nỗi đau da cam-thực hiện suốt 8 năm qua. Từ chỗ đã nhận được quá nhiều sự dìu dắt, yêu thương từ những người xung quanh, anh những mong được làm gì đó để trả ơn cho đời. 

 

Năm 1994, Djrueng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em ở xã Krông Năng (huyện Krông Pa). Đã vậy, cậu bé ấy lại không có bàn tay, bàn chân. Vì vậy, hành trình đến trường của Djrueng là câu chuyện của một nghị lực phi thường, có thể nói là không tưởng. Người dân buôn Ji cũng không ai nghĩ là anh có thể hoàn thành chương trình phổ thông để rồi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng). Hiện Djrueng đang là lập trình viên của một trang web tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là biên tập viên cho một kênh giải trí dành cho người Việt Nam khuyết tật ở hải ngoại. Anh đã đi qua bao mùa rẫy khốn khó mà đầy nghị lực như thế. Ấy là cả một hành trình lay động lòng người.

 

Năm học mới 2022-2023 này là năm thứ 8 chương trình “Đi qua mùa rẫy” của anh mang quà về cho học sinh dân tộc Jrai nghèo ở vùng đất xa xôi nhất tỉnh Gia Lai. Món quà quý ấy chính là những bao tải sách giáo khoa, những quyển vở mới cùng nhiều phần quà, học bổng cho trẻ em nghèo. Năm nay, ngoài dụng cụ học tập trao cho học sinh 2 trường: Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (30 suất), THPT Đinh Tiên Hoàng (20 suất), chương trình còn tặng thêm 2 suất học bổng cho các em học sinh hiếu học (500 ngàn đồng/suất).

 

Thầy Ninh Văn Dậu-giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, người hết lòng giúp đỡ cậu học trò khuyết tật suốt những năm học tập tại đây-tâm sự: “Djrueng năm nào cũng trở về tri ân trường cũ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, thấy được vai trò to lớn của giáo dục. Tuy giá trị thiện nguyện không lớn nhưng ý nghĩa mang lại thì không kể xiết. Sự trưởng thành của Djrueng đã truyền đi cảm hứng sống và khuyến học cho nhiều thế hệ học trò nghèo ở vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa”, giúp các em có niềm tin rằng: Nếu có ước mơ, khát vọng thì cả vũ trụ sẽ hợp sức lại giúp bạn. Trong lòng tôi cũng như học sinh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Nay Djueng chính là Nick Vujicic của Việt Nam”.

Cũng vì biết ơn một “người thầy áo lam” nên khi sang Mỹ du học cùng lúc 2 chương trình điều dưỡng và xét nghiệm (hệ Cao đẳng) rồi ở lại đây làm việc, chị Châu Thị Hải Mi (SN 1997, cựu học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương) đã luôn mong muốn được cho đi. Chị chọn cách tham gia dạy tiếng Anh miễn phí trong câu lạc bộ dành cho những người Việt mới sang Mỹ, ngoài ra còn dạy online suốt 2 năm dịch bệnh cho các em nhỏ mồ côi ở Gia Lai. Và người thầy đặc biệt mà chị Hải Mi nhắc đến chính là sư cô Thích Nữ Minh Túc (chùa Bảo Sơn, TP. Pleiku).

 

Trò chuyện với chúng tôi khi vừa từ Mỹ trở về Gia Lai thăm nhà (403 Nguyễn Thiếp, TP. Pleiku) sau nhiều năm sống ở đất nước cờ hoa, chị Hải Mi xúc động chia sẻ: “Dạy học miễn phí là cách tôi trả ơn những gì mình đã nhận được từ lớp học tình thương của sư cô. Chúng tôi không chỉ được dạy ngoại ngữ để ngẩng cao đầu đi ra thế giới mà còn được hướng thiện để trở thành những con người giàu tình thương và biết cho đi. Để cho dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, chúng tôi đều có thể chung tay đóng góp cho quê hương”. 

 

Hơn 10 năm qua, tại cơ sở mầm non Từ Tâm Oanh Vũ (477 Lê Đại Hành, TP. Pleiku), sư cô Minh Túc đã tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho hàng trăm học sinh khó khăn như Mi. Trước khi xuất gia, sư cô là giáo viên Tiểu học, sau đó bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Phật học (Trường Đại học Banaras Hindu-Ấn Độ) và Phó Tiến sĩ ngành Giáo dục học (Trường Đại học Delhi, Ấn Độ). Trải qua nhiều năm tu học ở nước ngoài và có thời gian dạy học ở một trường đại học tại Thái Lan, sư cô có tâm nguyện đi dạy, tích cóp kinh phí để quay về giúp trẻ em nghèo Việt Nam.

Từ sự truyền dạy của “người thầy áo lam”, nhiều thế hệ học trò đã vững vàng hội nhập ngay với môi trường giáo dục quốc tế khi đi du học hay áp dụng vào thực tế công việc. Sư cô tâm niệm: “Đạo phải giúp được đời, đó cũng là lý do tôi chọn đề tài luận án tiến sĩ “Đạo đức Phật giáo đối với sự phát triển xã hội”. Mà xã hội phát triển cần phải có một nền móng tri thức vững chắc, phải bắt đầu từ trẻ em. Nếu có nguồn lực tôi sẽ không xây chùa mà xây trường học. Mình có gì thì hãy trao đi thứ ấy, có vật chất trao đi vật chất, có tình thương thì cho đi tình thương, có kiến thức hãy truyền đạt kiến thức. Miễn sao sự trao đi của mình giúp ích cho giáo dục con người”.

 

Trao đổi với P.V báo Gia Lai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định đánh giá cao vai trò của cộng đồng, xã hội trong việc chung sức gánh vác trách nhiệm với ngành Giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó như Gia Lai.

 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thông báo một tin vui: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã rà soát và gửi đến Công ty cổ phần FPT-Tập đoàn FPT danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn do cha mẹ mất vì dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, dựa trên nguyện vọng của gia đình, có 5 em đã được tỉnh lựa chọn giới thiệu đến Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (Hope School, TP. Đà Nẵng) để được nuôi dạy cho đến khi trưởng thành.

Phải nói rằng, đây là sự hỗ trợ không thể thiết thực hơn. Trước đó, tháng 9-2021, ông Trương Gia Bình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT-đã khởi xướng ý tưởng xây ngôi trường để chăm sóc, nuôi dưỡng 1.000 trong số hơn 4.000 trẻ em cả nước mất cha, mẹ do Covid-19. Năm học 2022-2023 đánh dấu bước khởi đầu của ngôi trường đặc biệt này với khoảng 300 học sinh nhập học từ tâm niệm hết sức nhân văn: Trường Hy Vọng không phải là nơi tập trung trẻ mồ côi mà là nơi những trẻ em thiệt thòi được sống, được học tập, vui chơi, được làm tất cả những gì có thể để phát triển bản thân; đặc biệt là được sự yêu thương, bảo bọc của tất cả mọi người.

 
 

Vừa đưa con trai là Phạm Văn Nam (SN 2012) đến trường nhập học khối lớp 5, chị Nguyễn Thị Chuyên (trú làng Nú 2, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) kể: Nam là con út trong gia đình có 3 chị em. Sau khi bố đột ngột qua đời do Covid-19, cháu Nam được đề xuất đưa ra Đà Nẵng học ở Trường Hy Vọng. “Ban đầu tôi cũng suy nghĩ lung lắm. Cháu từ nhỏ đã ốm yếu, hay đau vặt, giờ phải xa nhà học tập khi còn quá nhỏ thì sẽ như thế nào?”. Nhưng rồi, tin rằng con sẽ được chăm sóc và có điều kiện học tập tốt hơn, chị đồng thuận. Cả 2 mẹ con đỏ hoe mắt lúc chia tay.

Nhiều năm qua, nói về nỗ lực chung tay chăm lo cho trẻ em khó khăn thì không thể không kể đến hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Riêng năm 2021, Quỹ đã nhận được sự quan tâm, đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp và Mạnh Thường Quân với tổng số hơn 3,5 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực này, Quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ không ít trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

 

Theo thống kê mới nhất, ngoài 5.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, toàn tỉnh Gia Lai còn có hơn 53.000 trẻ em thuộc hộ nghèo cần sự quan tâm, giúp đỡ. Sự học của các em sẽ về đâu nếu không có người ghé vai gánh vác trách nhiệm cùng các thầy cô, nhà trường? Câu hỏi ấy đang được trả lời bằng những hành động thiết thực nhất, chan chứa tình yêu thương của cả cộng đồng. Để mọi trẻ em yếu thế đều được đón nhận cơ hội học tập, phát triển bản thân, từ đó trở thành người có ích và đóng góp trở lại cho xã hội.

 
 

Có thể bạn quan tâm