Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 4: Rừng đã thêm xanh

E-magazine Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 4: Rừng đã thêm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
 
 

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%, trồng mới 40.000 ha rừng; đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 49,2%, tiếp tục trồng mới và trồng rừng luân canh 40.000 ha. Trên cơ sở nghị quyết này, các địa phương trong tỉnh đã ban hành chương trình hành động, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

 

Trước đây, xã Sơ Pai (huyện Kbang) từng được xem là “điểm nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Chính vì thế, trong số hơn 8.200 ha rừng quản lý, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai ưu tiên giao khoán bảo vệ 1.439 ha cho 239 hộ nghèo, cận nghèo của các làng: Kung, Tà Kơr và Buôn Lưới để vừa giữ rừng, vừa cải thiện thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty-cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Công ty đã tích cực tuyên truyền, vận động thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng theo kế hoạch của huyện.

 

Cùng với việc chăm sóc gần 10 ha rừng keo sắp đến kỳ thu hoạch, ông Đinh Văn Bóp (làng Blà, xã Đak Song, huyện Kông Chro) đăng ký trồng thêm 1 ha. Đến thời điểm này, ngoài ông Bóp, 54 hộ dân khác ở xã Đak Song đã đăng ký trồng mới hơn 80 ha rừng. Theo ông Huỳnh Văn Cư-Chủ tịch UBND xã Đak Song: “Năm 2022, xã được giao trồng mới 155 ha rừng. Thực hiện kế hoạch, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các thôn, làng vận động người dân kê khai diện tích đang canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp để trồng rừng. Đồng thời, hướng dẫn bà con chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi vào mùa mưa sẽ đồng loạt xuống giống, đảm bảo kịp tiến độ đề ra”.

Năm 2022, huyện Kông Chro dự kiến trồng hơn 1.000 ha rừng tập trung và 80 ha cây phân tán. Để hoàn thành chỉ tiêu này, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã tập trung hướng dẫn người dân xử lý thực bì, chuẩn bị đất, cây giống, đảm bảo trồng rừng đúng khung thời vụ.

 
 

Còn ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thì cho hay: Từ năm 2017 đến 2021, qua tuyên truyền, vận động, người dân các xã đã tự nguyện kê khai, chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp được hơn 788 ha, các đơn vị chủ rừng và địa phương trồng được 460 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất từ ngân sách nhà nước và vốn hỗ trợ người dân trồng rừng. Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp đăng ký trồng gần 1.200 ha rừng trên địa bàn. 

Theo kết quả rà soát của HĐND tỉnh hồi tháng 5-2022, toàn tỉnh có hơn 646.992 ha rừng (478.791 ha rừng tự nhiên, 153.937 ha rừng trồng, 14.264 ha rừng trồng chưa thành rừng), chiếm 85,5% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp. Giai đoạn 2017-2021, doanh nghiệp cùng người dân trong tỉnh đã trồng được hơn 30.923 ha rừng, đạt 77,3% kế hoạch.

 

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Sở sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị tập trung vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đạt kế hoạch 8.000 ha/năm.

 
 

Từ khi bài toán kinh phí chi cho hoạt động giữ rừng tạm thời được giải quyết bằng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng đã cải thiện rõ nét. Minh chứng điều này, ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) khẳng định: Năm 2013, diện tích rừng của đơn vị là 12.312 ha thì đến năm 2021 tăng lên 13.758 ha; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2013 là 84 vụ nhưng kể từ năm 2015 đến nay chỉ 2-3 vụ/năm. “Chính sách chi trả DVMTR không những đã hỗ trợ nguồn lực giải quyết nhu cầu mua sắm trang-thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn giúp đơn vị thực hiện nhiều công trình, hạng mục lâm sinh khác như: nuôi dưỡng rừng trồng hơn 218 ha; trồng mới trên 182,6 ha rừng phòng hộ; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, qua đó nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư nhận khoán, góp phần bảo vệ và phát triển vốn rừng”-ông Hải thông tin.

 
 

Trước đây, vì thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, ông Đinh Văn (làng Hà Lâm, xã Sơn Lang, huyện Kbang) đã lấn chiếm đất của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng để làm rẫy. Sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã tự nguyện trả lại diện tích đất lâm nghiệp này bằng hình thức chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp. Đặc biệt, khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với mức thu nhập ổn định hơn 6 triệu đồng/năm, vợ chồng ông không còn ý định phát nương làm rẫy như trước nữa.

Giống như gia đình ông Văn, gần 300 hộ đồng bào Bahnar của 5 thôn, làng vùng đệm ở xã Sơn Lang đều được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài việc chung tay bảo vệ, không để rừng bị xâm hại, họ còn tham gia trồng rừng trên đất lâm nghiệp đã lấn chiếm. Cũng nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đạt 98,5% (tăng 1,1%); diện tích rừng giàu tăng 2,9 lần; rừng nghèo, rừng non giảm 29,5 lần; đất trống giảm 2,4 lần; đất nông nghiệp giảm từ 62 ha xuống còn 6,7 ha so với thời điểm thành lập Khu Bảo tồn năm 2004.

 

Theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2021, diện tích rừng tự nhiên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) luôn được giữ ổn định hơn 10.415 ha; rừng trồng tăng thêm 241 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng của đơn vị lên 3.135 ha. Như vậy, đến nay, diện tích rừng đã đạt đến 98% trên tổng diện tích đất lâm nghiệp của đơn vị là 13.800 ha. Trưởng ban Quản lý Nguyễn Văn Chín cho hay: “Nhờ làm tốt công tác phối hợp với người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là việc cảm hóa nhiều người từng là lâm tặc cộm cán trở thành những người tích cực tham gia bảo vệ rừng; giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thông qua công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nên đã hạn chế thấp nhất nạn phá rừng, xâm lấn đất rừng”.

 

Đáng chú ý, từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế do các chủ đầu tư nộp kịp thời khi triển khai các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các đơn vị trên địa bàn tỉnh được giao nhiệm vụ đã trồng mới được hơn 900 ha, góp phần làm tăng diện tích che phủ rừng. Ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (TP. Pleiku) thông tin: Năm 2015 và 2021, đơn vị tiến hành trồng hơn 130,5 ha rừng thay thế tại xã Hòa Phú và thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh). Ngoài ra, đơn vị còn nhận bàn giao gần 300 ha rừng trồng thay thế của các công ty đã nghiệm thu thành rừng để tiếp tục quản lý, chăm sóc và bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Từ năm 2013 đến nay, 54 dự án (10 dự án kinh doanh thủy điện, 31 dự án chuyển sang mục đích kinh doanh khác, 13 dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng) đã nộp 55,33 tỷ đồng để trồng rừng thay thế. Nguồn thu này dùng để chi trả cho các chủ rừng để trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng.

 

 

Có thể bạn quan tâm