Gia Lai tăng tốc "phủ sóng" bảo hiểm y tế toàn dân-Kỳ cuối: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

E-magazine Gia Lai tăng tốc "phủ sóng" bảo hiểm y tế toàn dân-Kỳ cuối: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 
 
 

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Gia Lai phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 90%, còn theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ bao phủ BHYT phấn đấu đạt là 92%. Muốn đạt được chỉ tiêu này, ngoài sự nỗ lực của ngành BHXH thì rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành.

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai Trần Văn Lực, trước tiên, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch và hoạt động hiệu quả, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH với UBND các xã, phường, thị trấn và các hội, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Ngành BHXH tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg về thực hiện BHYT giai đoạn 2022-2025 đối với UBND cấp huyện để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ và giao chỉ tiêu thực hiện tới các xã, phường, thị trấn.

 

Đồng thời, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính sách BHYT, đổi mới cả về nội dung và hình thức, phương pháp… giúp người dân tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia để tự giác, tự nguyện tham gia BHYT.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều đã đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

 

Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã huy động các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp xuống thôn, làng tuyên truyền, vận động để bà con thấy được vai trò của chính sách BHYT, tự nguyện tham gia. Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ sinh kế như cấp giống, vật nuôi, cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từ đó có điều kiện tham gia BHYT”-ông Hiệu nhấn mạnh.

 

Nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được triển khai tại các địa phương trong tỉnh. Tại TP. Pleiku, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện BHYT học sinh. 2 năm qua, 100% học sinh trong trường tham gia BHYT.

 

Theo cô Đồng Thị Thanh Hải-Hiệu trưởng nhà trường: Ngay từ đầu năm học, nhà trường lập kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng lớp. Giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về lợi ích của BHYT và vận động phụ huynh mua BHYT cho con em mình. Đối với những trường hợp chưa vận động được thì lập danh sách gửi về Ban Giám hiệu để nhà trường tiếp tục đề ra giải pháp nhằm triển khai thực hiện. Nếu sau khi Ban Giám hiệu vận động nhưng cũng không thuyết phục được thì nhà trường sẽ nhờ cán bộ tổ dân phố nơi học sinh cư trú trực tiếp đến nhà vận động nhằm đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh một cách đầy đủ nhất.

 

Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh đã triển khai mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình”. Bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện-cho hay: Đến nay, toàn huyện đã triển khai được 4 mô hình tại các xã: Ia Hla, Ia Dreng, Ia Hrú và Ia Le. Theo đó, hàng tháng, tùy tình hình thực tế, các thành viên sẽ đóng góp tiền gây quỹ (khoảng từ vài chục ngàn đến 100 ngàn đồng/người) và sử dụng vào việc tham gia BHYT.

 

Bên cạnh các sáng kiến, việc nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám-chữa bệnh BHYT, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh BHYT cũng được ngành Y tế tỉnh quan tâm triển khai. Theo Sở Y tế, hiện nay, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,2; giường bệnh/vạn dân đạt 27,5; tỷ lệ xã/phường có bác sĩ làm việc là 93%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 92,27%...

 

Ông Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Păh-thông tin: Trung tâm Y tế huyện đã được đầu tư xây mới, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang-thiết bị y tế, thuốc men, đảm bảo nhân lực nên đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khám-chữa bệnh từ 120 đến 150 bệnh nhân. Đội ngũ y-bác sĩ thường xuyên được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nên chất lượng khám-chữa bệnh tại Trung tâm cũng ngày càng nâng cao góp phần chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất.

 

Với mục tiêu chăm sóc người bệnh ngày càng tốt hơn, nhiều bệnh viện trong tỉnh chủ động ký kết hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để đào tạo, hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật mới.

 

 

Có thể bạn quan tâm