Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

E-magazine Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
 
 

uyến đường Hồ Chí Minh đã tạo nên trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai ở khu vực phía Tây Tổ quốc, cùng với Quốc lộ 1 ở phía Đông tạo sự liên hệ chặt chẽ Bắc - Trung - Nam, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm chi phí vận tải thông qua việc rút ngắn thời gian lưu thông.
 

 


Nhớ lại thời điểm hơn 20 năm trước, ông Hà Đình Cẩn - nguyên Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, tổng giám đốc đầu tiên của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - cho hay không biết ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc xây dựng một trục đường dọc thứ hai của đất nước xuất hiện từ bao giờ.

 Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi với tư vấn giám sát Cu Ba khi thị sát đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi với tư vấn giám sát Cu Ba khi thị sát đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu


"Vào một ngày đầu xuân 1996, người đứng đầu Chính phủ đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và yêu cầu phải sớm khảo sát, lập dự án xây dựng xa lộ Bắc - Nam. Những tiền đề về một đại dự án đã bắt đầu như vậy. Đây là ý tưởng lớn và táo bạo" - ông Hà Đình Cẩn thán phục.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), Chủ nhiệm Đồ án tổng thể xa lộ Bắc - Nam, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ GTVT liền giao cho TEDI nhiệm vụ tư vấn lập quy hoạch và dự án khả thi. Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình, TEDI đã quyết định thành lập ngay tổ tổng thể của dự án gồm các chuyên gia hàng đầu từng bộ môn, chuyên ngành.
 

 Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng quà, chụp hình kỷ niệm cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng quà, chụp hình kỷ niệm cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu



Bám sát tiến độ đề ra, các phương án triển khai xa lộ Bắc - Nam nhanh chóng được TEDI đệ trình. Phương án đầu tiên được đề xuất là tuyến đường chạy dọc phía Đông, song song với Quốc lộ 1 - có nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít nhược điểm. Phương án thứ hai là xây dựng tuyến đường chủ yếu chạy dọc phía Tây - có nhiều ưu điểm vượt trội và khắc phục được hầu hết các nhược điểm của phương án phía Đông. Hơn nữa, tuyến phía Tây gần như đã có sẵn bởi hơn 90% chiều dài là các đường hiện hữu, trong đó hơn 70% là đường Trường Sơn huyền thoại lúc ấy không đi được do bị bỏ hoang.

 

 

Ngay sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam với 14 thành viên, gồm đại diện các bộ, ngành liên quan. Trong đó, Hội đồng Thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định dự án này. Ngày 24-9-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam. Đó là một trong những quyết định cuối cùng được ông ký trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Nhớ lại năm 1997 khi quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt, ông Hà Đình Cẩn đến giờ vẫn tâm đắc. Theo ông, đó là con đường nối 2 thế kỷ, con đường của thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

 

 



Ông Hà Đình Cẩn kể thêm: Thời điểm đó, dường như những ấp ủ, ước vọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tuyến xa lộ Bắc - Nam đã được truyền đến nhiều người. Dù ban đầu còn một số ý kiến trái chiều nhưng sau đó chủ trương xây dựng công trình đã được Bộ Chính trị thông qua và chính thức đặt tên là đường Hồ Chí Minh.

 

 Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp hình kỷ niệm cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp hình kỷ niệm cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu


Ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho rằng dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với tuyến đường Hồ Chí Minh là hết sức đậm nét, từ ý tưởng cho đến khi bắt tay thực hiện. "Lúc không còn ở cương vị Thủ tướng, ông vẫn đau đáu, quan tâm đến từng chi tiết, quá trình thực hiện dự án này. Thời điểm trước khi Quốc hội phê chuẩn, tôi đã đến báo cáo, xin ý kiến và ông nói "rất ưng bụng" về dự án" - ông Sơn nhớ lại.
 

 Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát đường Hồ Chí Minh tại Cổng Trời - Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát đường Hồ Chí Minh tại Cổng Trời - Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu



Theo ông Phạm Hồng Sơn, ngay từ đầu, dự án đã xác định hướng tuyến nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Tây; kết nối với các huyện lỵ, lâm trường, khu công nghiệp, tuyến đường trong khu vực… Vì vậy, khi xây dựng đến đâu, đoạn nào hoàn thành đều góp phần rất hữu hiệu trong việc phát triển kinh tế và đi lại của người dân. Tuyến đường đi qua vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền núi ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum… và được người dân ủng hộ hết lòng. Đó là một trong những lý do khiến việc đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai rất thuận lợi.
 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát đường Trường Sơn cùng nhóm thứ sáu. Ảnh: Tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát đường Trường Sơn cùng nhóm thứ sáu. Ảnh: Tư liệu

Tuyến đường này gắn với đường mòn Hồ Chí Minh trước đây. Dọc theo tuyến đường là những di tích về một thời lịch sử. Vì vậy, việc xây dựng đường Hồ Chí Minh cũng là dịp để khôi phục các di tích lịch sử đó, nhằm mang ý nghĩa tri ân, đền ơn đáp nghĩa người dân địa phương đã một lòng một dạ theo Đảng.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nhận định tuyến đường này đã góp phần quan trọng hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm khai thác và phát triển vùng đất giàu tiềm năng ở phía Tây. Đường Hồ Chí Minh kết nối các khu vực du lịch và di tích lịch sử; liên kết các vùng trọng điểm kinh tế, cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc và nhiều nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước.
 

Đầu tư nhiều đoạn tuyến cao tốc

Quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tổng chiều dài các đoạn tuyến được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc trong quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh được tích hợp vào mạng lưới đường cao tốc là 1.768 km.

Để đáp ứng nhu cầu nối thông tuyến đường này, trước mắt, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép triển khai đầu tư dự án Cổ Tiết - Chợ Bến. Sau đó, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, ban quản lý sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.

--------------------
Kỳ tới: Dòng "kênh Ông Kiệt"



Bài viết: Bạch Huy Thanh
Trình bày: Lê Duy


>> Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Quyết đoán, dám làm dám chịu


>> Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Kiến trúc sư" đổi mới: "Hiện tượng Võ Văn Kiệt"


>> Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Kiến trúc sư" đổi mới
 

Dẫn nguồn NLĐO

Có thể bạn quan tâm