Do tác động từ Quyết định số 861/QĐ-TTg, huyện Ia Grai có số người bị cắt giảm hỗ trợ đóng BHYT nhiều nhất tỉnh với 41.014 người, trong đó có 39.571 người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và 1.443 người sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Sau khi bị cắt giảm hỗ trợ đóng BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện Ia Grai giảm từ 89,5% xuống chỉ còn 57% (so với ngày 30-6-2021).
Nói về công tác triển khai nhiệm vụ này ở địa phương, ông Lê Quang Đạo-Chủ tịch UBND xã Ia Grăng-chia sẻ: Xã có 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 75% dân số. Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, tỷ lệ tham gia BHYT tại xã giảm từ 96% xuống còn 41%. Chính sách đã có hiệu lực nhưng một số người dân vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vin lý do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa tham gia BHYT.
Với mục tiêu chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/ĐUK ngày 15-4-2022 về vận động hỗ trợ mua thẻ BHYT năm 2022 cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số thôi hưởng hỗ trợ đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 61-CTr/TU ngày 7-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới.
Theo ông Dương Dã-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: Kế hoạch vận động hỗ trợ mua thẻ BHYT được Đảng ủy Khối triển khai hết sức kịp thời, là hoạt động nhân văn, có ý nghĩa thiết thực, qua đó góp phần hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với việc vận động chung tay đóng góp, hỗ trợ mua thẻ BHYT, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng. Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-cho hay: Tháng 12-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng năm 2022 từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT cũng luôn được các cấp, ngành quan tâm. Trong đó, không thể không kể đến vai trò của những tuyên truyền viên tích cực như già làng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Ông Puih Peng-Trưởng thôn Khớp (xã Ia Grăng) cho hay: “Trước đây, bà con được cấp thẻ BHYT, nay thực hiện theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì không còn được cấp nữa. Mình tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHYT đó là khi đau ốm, bệnh tật đi khám-chữa bệnh được Nhà nước hỗ trợ chi phí. Trực tiếp nói cái lợi, cái tốt một cách thường xuyên, liên tục thì bà con sẽ hiểu ra và làm theo. Qua tuyên truyền, gần 70% người dân trong làng mua BHYT”.
Theo ông Phan Tuấn Ngọc-Phó Giám đốc BHXH huyện Chư Păh: Nhiều năm qua, một số người đã quen với việc được cấp thẻ BHYT nên vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, việc huy động, đóng góp, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp bền vững nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích thiết thân của chính sách BHYT, từ đó chủ động tham gia để được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Ngoài tuyên truyền, vận động, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến trong việc phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Ông Nguyễn Văn Mau-Giám đốc BHXH huyện Chư Pưh-cho hay: Mới đây, BHXH huyện đã triển khai mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình”. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tích cực áp dụng, hiện đã ra mắt 4 mô hình. Mô hình góp phần thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ về thực hành tiết kiệm mua BHYT, giảm nhẹ gánh nặng tài chính khi ốm đau, bệnh tật.