Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 1: Rừng vẫn "chảy máu"

E-magazine Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 1: Rừng vẫn "chảy máu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Do quản lý lỏng lẻo nên không ít công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng đã để người dân lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Thậm chí, rừng tự nhiên giao cho các đơn vị này bị mất với diện tích lớn.

 

Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng nhưng tình trạng người dân phá rừng lấy đất làm rẫy vẫn chưa hết “nóng”. Đơn cử, tháng 7-2022, ngành chức năng phát hiện hơn 4,1 ha rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã Hbông (huyện Chư Sê) quản lý bị san ủi phẳng toàn bộ. Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê ra quyết định khởi tố vụ án. Trước đó, hơn 34 ha ở khu vực rừng phòng hộ này cũng bị san ủi. Trong đó, trên 23 ha đã có người tự ý trồng hơn 36.800 cây bạch đàn, 11,5 ha còn lại đã cày ủi nhưng chưa trồng cây.

 

Tương tự, đầu tháng 8-2022, khoảng 6 ha rừng tự nhiên do UBND xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) quản lý cũng bị người dân tàn phá lấy đất làm nương rẫy. Vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra, xác minh đối tượng. Cũng tại địa bàn Kông Chro, hơn 156 ha rừng do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa quản lý bị bà L.T.H.V. (SN 1979, trú tại thị trấn Kông Chro) lấn chiếm làm trang trại nuôi bò. Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt hành chính 45 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép, đồng thời, buộc bà V. khôi phục hiện trạng ban đầu, tháo dỡ toàn bộ hàng rào, cổng sắt, chuồng trại chăn nuôi. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thanh tra toàn diện công ty này.

 
 

Tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn ra âm ỉ từ nhiều năm nay. Cụ thể, năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur đã lập biên bản 18 trường hợp vi phạm, trong đó có 16 trường hợp cơi nới, lấn chiếm đất rừng làm rẫy với diện tích hơn 4,2 ha. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã lập biên bản vi phạm 26 trường hợp phá rừng làm rẫy với diện tích gần 3,9 ha. Trước đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur vì đã để các cá nhân, tổ chức chặt phá, cơi nới lấy đất sản xuất nông nghiệp với diện tích 545 ha trong giai đoạn 2011-2019.

 
 

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm (2017-2021), lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 2.940 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 2.741 vụ so với giai đoạn 2012-2016. Riêng 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 290 vụ vi phạm, giảm 111 vụ so với cùng kỳ năm 2021; đã xử lý hình sự 29 vụ, xử lý vi phạm hành chính 158 vụ và đang điều tra, xử lý số vụ còn lại. Còn trong 6 tháng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ phá rừng với diện tích hơn 23,5 ha, tăng 12 vụ, tăng hơn 13,6 ha so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2019, trong quá trình triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, người dân tự nguyện kê khai diện tích đã lấn chiếm trên 31.568 ha.

 

Thực hiện lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng; khởi tố đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đơn cử, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ. Trước đó, Thanh tra tỉnh đã có Kết luận số 05/KL-TTr ngày 30-5-2019 và chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ dấu hiệu hình sự.

 

Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ được giao quản lý gần 15.000 ha, trong đó, đất có rừng là 13.012,2 ha, còn lại là đất lâm nghiệp không có rừng. Trong giai đoạn 2011-2019, đơn vị này đã để mất hơn 9.100 ha rừng. Thanh tra tỉnh xác định: Từ năm 2011 đến năm 2014, đơn vị đã để mất gần 6.000 ha rừng; năm 2017, tiếp tục mất 180,4 ha và đến thời điểm thanh tra, diện tích rừng do đơn vị này quản lý lại giảm thêm 2.981 ha.

 

Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra tỉnh đã thanh tra và kết luận tại 25 đơn vị chủ rừng (21 ban quản lý rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp và 1 khu bảo tồn), phát hiện mất hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên; đã chuyển 9 vụ việc sang Cơ quan Điều tra, trong đó, 2 vụ có quyết định khởi tố vụ án. Các ban quản lý rừng phòng hộ như: Chư Mố (huyện Ia Pa) để mất 1.470 ha; Bắc An Khê để mất hơn 1.266 ha; Ya Hội (huyện Đak Pơ) để mất hơn 800 ha; Ia Meur (huyện Chư Prông) để mất hơn 500 ha rừng… Ngoài việc phát hiện hàng ngàn ha rừng bị mất, Thanh tra tỉnh còn tham mưu UBND tỉnh xử lý kỷ luật cảnh cáo 10 cá nhân, khiển trách 14 cá nhân, kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tập thể và 135 cá nhân.

 
 

Không chỉ người dân mà ngay chính cán bộ giữ rừng cũng lấn chiếm, thậm chí họ còn “hô biến” đất rừng thành đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (TP. Pleiku). Đơn vị này không những để mất hơn 2.400 ha rừng mà lãnh đạo còn chiếm dụng đất rừng để biến thành đất cá nhân. Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ án, trong đó, Trưởng ban Quản lý rừng Bắc Biển Hồ Nguyễn Đức đã được nhiều cán bộ của UBND TP. Pleiku hợp thức hóa 16.726 m2 đất rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang đất nông nghiệp.

 

Trước đó chưa lâu, Trần Văn Quy-nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) cũng bị tuyên phạt 8 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, dù được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng ở khu vực này nhưng Quy đã để cho các đối tượng khai thác gỗ trái phép, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.


 

Có thể bạn quan tâm