Gia Lai là một trong những vùng đất hội tụ nhiều dân tộc sinh sống nhất cả nước. Một cuộc hội tụ tinh hoa văn hóa, di sản của các dân tộc bản địa Tây Nguyên và vùng Tây Bắc sẽ có tại Ngày hội di sản (diễn ra ngày 5 và 6-11) và Tuần lễ văn hóa-ẩm thực (từ ngày 2 đến 6-11) trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Tuần lễ văn hóa-ẩm thực với 30 gian hàng ẩm thực truyền thống kết hợp cùng món ăn đường phố mang đến cho du khách một bữa tiệc nhiều màu sắc, hương vị, thỏa sức trải nghiệm. Trong khi đó, Ngày hội di sản là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, đưa du khách trở về tuổi thơ với những trò chơi dân gian như: đánh quay, ném còn, nặn tò he, chơi ô ăn quan, cõng nước về làng… Xem các nghệ nhân của cố đô Huế biểu diễn múa rối nước, rối cạn, rối điện hay thưởng thức nghệ thuật trình diễn trà đạo, viết thư pháp, bút lửa từ những nghệ nhân, du khách càng thêm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.
Cùng thời điểm, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng diễn ra từ ngày 4 đến 6-11 là sự kiện văn hóa-du lịch đặc trưng của vùng đất biên giới Ia O, huyện Ia Grai. Đến với lễ hội, du khách có cơ hội tận mắt chứng kiến những chàng trai Jrai mạnh mẽ, khéo léo điều khiển những con thuyền độc mộc lao vun vút trên dòng Pô Cô huyền thoại. Du khách còn được tận thấy các nghệ nhân dân gian Tây Nguyên tạc tượng gỗ, trình diễn cồng chiêng trong khuôn khổ ngày hội. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, mang đậm hương vị bản địa là những món quà thú vị để du khách lưu nhớ phong vị lễ hội và con người dải đất biên cương. Trên cung đường du hành này, du khách có thể tham quan thêm một số điểm du lịch hấp dẫn khác như: lòng hồ thủy điện Sê San-thác Mơ (xã Ia O và Ia Khai), thác Ia Blố (xã Ia Khai), thác Ba Tầng và rừng lùn (xã Ia Tô), thác Chín Tầng (xã Ia Bă), tịnh xá Ngọc Lai, vườn dâu (thị trấn Ia Kha), đồi thông Ia Dêr…
Ngay sau các sự kiện kể trên, không khí hội hè tiếp diễn với Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra từ ngày 11 đến 17-11 tại làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Lễ hội năm nay diễn ra đúng thời điểm hoa dã quỳ bừng nở. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn tô màu cho bức tranh thiên nhiên bằng những vườn hoa cánh bướm rực rỡ dưới chân núi. Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực truyền thống để trải nghiệm, du khách có thể thử thách bản thân với các trò chơi, cuộc thi diễn ra trong khuôn khổ lễ hội như chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya, bay dù lượn ngắm bức tranh thiên nhiên được thắp sáng bởi “ngàn mặt trời rực rỡ” từ trên cao.
Chuỗi lễ hội được tổ chức nối tiếp nhau sẽ mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn khi đến Gia Lai dịp cuối năm. Anh Nguyễn Thanh Trung-Hướng dẫn viên của VNTrek-cho biết: “Điểm chung ở những du khách mua tour trekking là họ không chỉ yêu thiên nhiên Gia Lai mà còn yêu văn hóa bản địa. Gia Lai mùa này không chỉ có cảnh đẹp ở khắp mọi nơi mà các lễ hội cũng giúp du khách có thêm trải nghiệm, đặc biệt là có những bức ảnh thực sự ấn tượng không mùa nào có được”.
Theo đại diện một số đơn vị lữ hành, sau một thời gian dài, các lễ hội mới được tổ chức đã tạo nên sự sôi động cho các tour, tuyến cuối năm. Chị Trần Thị Vân-Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc Tourist-cho biết: “Các sự kiện được quảng bá từ sớm đã tạo điều kiện để đơn vị lữ hành chủ động trong kế hoạch mở bán tour. Chúng tôi đã đưa thêm hoạt động này vào để làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch. Nhiều đoàn khách ở các tỉnh, thành phố đã chọn đến Gia Lai vào dịp lễ hội để có thêm sự trải nghiệm”.
Theo dự kiến, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III-2022 sẽ đón khoảng 13.000 lượt khách du lịch, tăng 3.000 lượt so với năm đầu tiên tổ chức. Trong khi đó, Ban tổ chức kỳ vọng Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đón trên 100.000 lượt khách. Các đơn vị lữ hành dự báo, khách ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mua tour thông qua các công ty không nhiều. Nhưng lượng khách từ các tỉnh lân cận như Đak Lak, Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum, Quảng Ngãi đi tự do sẽ chiếm số đông.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: Lễ hội là cơ hội để quảng bá văn hóa, con người và thế mạnh riêng có của mỗi vùng đất như sản vật địa phương, những thắng cảnh nổi bật. Ngành du lịch tỉnh đã định hướng cho các đơn vị, địa phương từ sớm để lễ hội được tổ chức chu đáo với nội dung phong phú, có nhiều hoạt động cho người dân và du khách cùng tham gia. Qua nhiều lần tổ chức, các đơn vị, địa phương đã đúc rút một số kinh nghiệm để lễ hội ngày càng hấp dẫn, thu hút đông du khách hơn. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm nay đều có những nội dung mới mẻ so với các lần tổ chức trước.