Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 3: Dấu chân những người giữ rừng

E-magazine Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 3: Dấu chân những người giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, tháo gỡ tạm thời về cơ chế, chính sách đối với những người giữ rừng và người dân sống gần rừng.

 

Thôn 4 (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) nằm liền kề những cánh rừng bạt ngàn gỗ quý như: hương, pơ mu, dổi... Vì vậy, nhiều sơn tràng nơi đây trở thành lâm tặc bởi không cưỡng lại được sức hút mạnh mẽ của nghề “không vốn nhưng… 4 lời”. Trước khi trở thành Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, ông Dương Xuân Kiếm từng là “đầu sỏ” phá rừng ở địa phương. Ông Kiếm kể: Lúc đó, chỉ cần lên rừng 1 ngày là có thể nuôi sống gia đình trong 1 tháng. Thế là, ông vác búa vào rừng lựa chọn gỗ quý, có giá trị để khai thác. Thấy kiếm tiền dễ, nhiều người dân ở đây bỏ ruộng nương, theo nhau vào rừng chặt gỗ bán. Không “nổi tiếng” bằng ông Kiếm nhưng các ông: Nông Xuân Trường, Hoàng Văn Hành (quê Lạng Sơn), Hoàng Văn Bằng (quê Cao Bằng) cũng lần lượt trở thành những lâm tặc “có số má” ở khu vực này.

 

Năm 2013, được cán bộ cắm chốt thuyết phục, ông Kiếm tham gia cùng lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra. Đến năm 2018, ông Kiếm đứng ra nhận khoán và vận động 3 lâm tặc trên cùng bỏ nghề và chung tay tham gia giữ rừng. Cái tên “Kiếm lâm tặc” giờ chỉ còn là chuyện quá khứ, từng nhóm lâm tặc khét tiếng nơi này cũng tự giải tán.

 
 

Việc “Kiếm lâm tặc” trở thành người giữ rừng được xem là chuyện khó tin nhưng có thật. Ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra-trải lòng: “Thú thật, lúc đầu tôi cũng thấy lo với quyết định của mình. Thậm chí, có người còn nói tôi bắt tay với lâm tặc. Nhưng từ khi ông Kiếm trở thành cầu nối để vận động người khác tham gia bảo vệ rừng, mọi nghi ngại đã bị đánh tan”. 

Thực ra, câu chuyện giao cho lâm tặc giữ rừng không mới. Cách đây hơn 20 năm, vị “thủ lĩnh” rừng Hà Ra này cũng từng có quyết định táo bạo như thế. Khu vực đèo Mang Yang (còn gọi là xóm đèo) ngày đó có khoảng 20 hộ dân di cư tự do đến sinh sống. Không có việc làm ổn định, họ lại tìm vào rừng khai thác gỗ. Nắm được mấu chốt của vấn đề, ông Chín đã “liều lĩnh” lựa chọn những lâm tặc cốt cán, dân “anh chị” đưa vào lực lượng giữ rừng. Hiện tất cả 20 hộ nói trên tham gia quản lý, bảo vệ 500 ha rừng trồng, rừng tự nhiên toàn bộ khu vực này.

 

Ngậm ngùi nhớ về ngày tháng cơ cực vào rừng lấy gỗ bán cho các xe qua đường để đổi gạo, ông Bùi Thanh Trung (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) cho hay: Thời đó, khó khăn túng quẫn không biết làm gì sinh sống nên cả xóm trở thành lâm tặc. Theo ông Trung, thực ra không ai ở đây muốn phá rừng. Nhưng vì đau ốm cùng quẫn, bất đắc dĩ lắm, người dân đành vác búa vào rừng.

 

Ngoài các nhóm hộ, cộng đồng dân cư được giao khoán, một lực lượng đặc biệt khác cũng được “trưng dụng” tham gia bảo vệ rừng. Họ nguyên là những người lính tinh nhuệ ở nhiều đơn vị quân đội khác nhau, sau khi giải ngũ trở về tiếp tục đem phần sức lực để cống hiến. Từ năm 2014 đến nay, Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh (xã Hà Ra) nhận khoán quản lý, bảo vệ trên 280 ha rừng tự nhiên và không để mất dù chỉ 1 cây gỗ. Cựu chiến binh Thái Văn Cường-Chi hội trưởng-cho hay: “Diện tích rừng nhận khoán rộng, địa hình lại nhiều đồi dốc nhưng với bản lĩnh của người lính, quyết tâm giữ màu xanh của rừng đã giúp anh em hội viên vượt lên mọi khó khăn. Không ít lần, chúng tôi gặp những đối tượng phá rừng trái phép. Mặc dù bị các đối tượng này phản ứng nhưng anh em vẫn ôn hòa và kiên nhẫn giải thích, động viên họ không được phá rừng”. 

 

Trong khi đó, ở xã Kon Pne (huyện Kbang), đội ngũ già làng phát huy rất tốt vai trò thủ lĩnh trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng. Từ chi bộ làng cho đến chính quyền, Mặt trận và đoàn thể của xã đều kết nối với già làng để tuyên truyền các chính sách quản lý, bảo vệ rừng đến người dân. Nhờ tiếng nói của các “thủ lĩnh tinh thần” này mà hơn 2.767 ha rừng giao khoán cho cộng đồng các làng: Kon Kring, Kon Ktonh và Kon Hleng luôn được bảo vệ an toàn trước sự nhòm ngó của lâm tặc.

 
 

Triển khai lệnh đóng cửa rừng tự nhiên theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, các công ty lâm nghiệp dừng khai thác, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng (mức hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm). Theo ông Đàm Văn Tích-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập (huyện Kbang): Đơn vị hiện quản lý, bảo vệ hơn 10.300 ha rừng. Nếu chiếu theo quy định, đơn vị sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí hơn 2 tỷ đồng/năm để triển khai nhiệm vụ bảo vệ phần diện tích rừng tự nhiên này. Thế nhưng, từ khi đóng cửa rừng, Công ty chỉ hoạt động cầm chừng, đời sống cán bộ, công nhân viên cũng “thoi thóp” dựa vào nguồn kinh phí tạm ứng của tỉnh.

 
 

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Hde (huyện Kông Chro) cũng tồn tại dựa vào nguồn kinh phí tạm ứng hạn hẹp của tỉnh. Để bảo vệ diện tích rừng được giao, trả lương, bảo hiểm cho cán bộ, công nhân viên, Công ty sử dụng luôn cả vốn điều lệ. Với hơn 13.748 ha rừng được giao quản lý, chiếu theo quy định, đơn vị sẽ nhận được hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, số tiền tạm ứng nhận được luôn thấp hơn so với thực tế. Do phải chắt bóp chi tiêu từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR nên việc mở rộng diện tích giao khoán cho người dân; hỗ trợ kinh phí cho lực lượng ở các chốt trạm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của đơn vị còn nhiều hạn chế.

 

Khó khăn của các công ty lâm nghiệp chỉ được tháo gỡ một phần khi Chính phủ thông qua chính sách chi trả DVMTR. Ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-nhấn mạnh: Từ năm 2012 đến nay, số thu DVMTR được hơn 922,4 tỷ đồng đã giúp các chủ rừng có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, cải tạo chất lượng rừng, đặc biệt là người dân sinh sống gần rừng có điều kiện cải thiện sinh kế, từng bước thoát nghèo. Số tiền chi trả hàng năm đã góp phần bảo vệ 465.035 ha rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR (chiếm khoảng 89,52% tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh).

 

 

Có thể bạn quan tâm