Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo kiên cường, tràn đầy năng lượng, có tư duy đổi mới, sâu sát thực tiễn và luôn hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân
Trong suốt cuộc hành trình từ khi tham gia phong trào Thanh niên phản đế, rồi vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, lãnh đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm năm 1940, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Thành ủy TP HCM... cho đến khi làm Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ nào ông Võ Văn Kiệt cũng có những minh chứng sáng tạo, cống hiến to lớn, hợp lòng dân.
Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời kỳ xây dựng đất nước rất nhiều, gắn với những biệt danh "Chủ tịch gạo", "Tướng xé rào", "Thủ tướng điện", "Tổng công trình sư" của các công trình, dự án lớn. Từ lo gạo cho dân, lo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động để sản xuất "bung ra", lo cứu ngành y tế và phát triển văn hóa, giáo dục. Đồng thời, xây dựng các công trình có điện năng lớn như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây 500 KV Bắc - Nam; các công trình giao thông như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận; khai thác, phát triển Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất...
Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt đi thực tế nông trường năm 1979. |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xếp là một nhà cải cách, đổi mới mang tầm chiến lược, có những quyết sách mang tính mở đường trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao... Các nhà ngoại giao của đất nước cho rằng ông là người góp phần đưa Việt Nam ra thế giới, thể hiện tư tưởng vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước thoát nghèo, đuổi kịp các nước đi trước. Việc phá thế bị bao vây, cô lập, xúc tiến bình thường hóa với Mỹ, gia nhập ASEAN... có công lớn của ông. Nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Kimoon từng nhận xét: "Như một động lực chính của những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng".
Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự Lễ động thổ Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương) sáng 14-5-1996. Ảnh: TTXVN |
Không những vậy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được mệnh danh là "Một tổng công trình sư" của thời kỳ đổi mới cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những nhà lãnh đạo cùng thời, lớp học trò kế cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa một thế hệ những nhà lãnh đạo một lòng, một dạ vì dân, luôn có niềm tin vững chắc vào những quyết sách của mình, bởi những quyết sách ấy đặt lợi ích của dân lên trên hết.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người biết lắng nghe và dám quyết - bởi những quyết định có hàm lượng tri thức khoa học, thực tiễn cuộc sống và còn có cả những ân tình, khát vọng của nhân dân. Ông là một nhà lãnh đạo có khả năng và cả sức chịu đựng trong lắng nghe, nghe được nhiều chiều, nhiều tiếng nói phản biện, xây dựng.
Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt đến thăm một số cơ sở sản xuất đồ chơi và học cụ cho trẻ em của TP HCM, ngày 25-5-1979 |
Ông được xem là một con người phi thường mà rất gần gũi, bình dị, thân thương, luôn quý trọng đối với mọi người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, ở các dân tộc, tôn giáo khác nhau, ở mọi thành phần, người Việt Nam trong nước và ngoài nước. Một nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc. Điều mà ông luôn tâm đắc là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước.
Ông Võ Văn Kiệt với thanh niên TP HCM. Ảnh: Tư liệu |
Đặc biệt, ông đánh giá cao vai trò của công nhân và người lao động. Trong thời kỳ chưa giành chính quyền, ông luôn dựa vào dân và cho rằng ở thành phố này một khi đã bám được vào công nhân và nhân dân lao động thì phong trào ngày càng phát triển, khi nào có được hạt nhân cách mạng trong các tổ chức nghiệp đoàn thì khi đó Đảng phát huy được sức mạnh của công nhân hướng vào những mục tiêu cách mạng. Những năm đầu giải phóng, lúc phải cứu đói cho dân, lo nguyên vật liệu cho sản xuất và có vốn để làm ăn, ông đã cùng các lãnh đạo chia nhau về cơ sở, về các nhà máy, xí nghiệp nhằm lắng nghe công nhân, để học dân. Nhờ sâu sát và những chỉ đạo được nhân lên từ thực tiễn, từ đó sản xuất phục hồi và phát triển, tăng thu nhập cho công nhân, kết hợp hài hòa được 3 lợi ích.
Ông luôn quan tâm chăm lo người nghèo, theo ông, đây không đơn giản chỉ là thực hiện cam kết có tính lịch sử mà còn là bảo vệ tôn chỉ mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân. Ông đặc biệt thương yêu, trân trọng và tìm cách phát huy người trẻ, cán bộ trẻ và luôn muốn tạo cho họ cảm giác công bằng, không để mặc cảm bởi "lý lịch" hay quá khứ lỗi lầm. Ông cho rằng "không ai chọn cửa sinh ra" và luôn muốn đánh thức mọi tiềm năng, khát vọng trẻ.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm gia đình đội viên TNXP tại Đắk Nông. |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đẹp mãi với hình ảnh một nhà lãnh đạo có đầu óc canh tân, nụ cười hồn hậu, tấm lòng vì con người, vì đất nước. Ông đã đi xa nhưng trong tâm tưởng mọi người vẫn thấy như luôn có nguồn động viên, khích lệ. Làm gì cũng sợ trách nhiệm, thiếu lửa nhiệt huyết, thiếu cảm hứng sáng tạo... thì khó có hiệu quả và thành công.
Nhiều bài học quý được người đời chiêm nghiệm từ ông Võ Văn Kiệt. Và có lẽ bài học lớn nhất, từ khóa rõ nhất, đẹp nhất đó chính là từ DÂN - cũng chính là cái tên "ông Sáu Dân" - một con người, một cuộc đời, một sự nghiệp trọn vẹn và nồng ấm nghĩa tình với dân, với nước. |
Thực hiện: PHẠM PHƯƠNG THẢO - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM
Trình bày: NGỌC TRINH
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đóng góp lớn phát triển văn hóa
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Quyết đoán, dám làm dám chịu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Kiến trúc sư" đổi mới: "Hiện tượng Võ Văn Kiệt"
Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Kiến trúc sư" đổi mới
(Dẫn nguồn NLĐO)