Được tổ chức định kỳ 4 năm/lần, đại hội TDTT toàn tỉnh là dịp để nhìn nhận, đánh giá sự phát triển phong trào tập luyện, thi đấu thể thao trong thời gian qua. Kỳ đại hội lần này ghi nhận những sự đột phá ở nhiều phương diện. Trong khâu tổ chức, một số môn thi đấu lần đầu tiên được áp dụng công nghệ tiên tiến do Tổng cục TDTT hỗ trợ để đảm bảo sự chính xác, khách quan. Ở một số môn như: Taekwondo, Karate hay Vovinam, các trận thi đấu đối kháng đều sử dụng hệ thống chấm điểm điện tử. Các trọng tài trên sân cho điểm thông qua thiết bị điện tử để tổng hợp về bàn trọng tài chính và lập tức hiển thị lên bảng điểm. Không chỉ giúp cho trận đấu diễn ra một cách nhanh chóng, chính xác, việc hiện điểm số từng thời điểm giúp các võ sĩ và huấn luyện viên đưa ra chiến thuật hợp lý nhất. Các môn thi này cũng áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài để xem lại các diễn biến nhanh của trận đấu khi có khiếu nại.
Kỳ đại hội lần này có tổng cộng 196 nội dung thi đấu ở 19 môn, tăng 38 nội dung so với Đại hội lần thứ VIII. Điều này thể hiện sự phát triển phong trào TDTT và giúp các vận động viên (VĐV) có thêm cơ hội so tài ở các nội dung. Đặc biệt, môn bơi lội lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội đã phản ánh đúng sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao Olympic này tại Gia Lai. Ngay ở lần đầu tiên tổ chức, môn bơi lội đã thu hút 74 VĐV của 7 đoàn gồm: ngành Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê, huyện Chư Sê, Đak Đoa tham gia tranh 12 bộ huy chương.
Từ những cuộc tranh tài ở “đường đua xanh” đã xuất hiện những nhân tố mới đầy hứa hẹn. Ở môn thi này, huyện Chư Sê đã xuất sắc giành 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Đáng chú ý, các VĐV giành huy chương cho huyện Chư Sê đều trong lứa tuổi 12-16.
Tại đại hội lần này, các môn thể thao truyền thống như: bắn nỏ, chạy cà kheo, đẩy gậy, kéo co đều có những bước tiến vượt bậc. Hầu hết các môn đều có số lượng VĐV tham gia tăng cao so với kỳ đại hội trước. Đơn cử như môn bắn nỏ có 73 VĐV của 13 đoàn tham gia, nhiều hơn 30 VĐV so với kỳ đại hội năm 2018. Không những vậy, các VĐV giành thứ hạng cao ở đại hội lần này đều ở lứa tuổi 16-18, chứng tỏ sự quan tâm đầu tư của các địa phương đối với công tác đào tạo lực lượng kế cận. Tiêu biểu như huyện Ia Grai với lứa VĐV đang theo học THPT đã giành đến 5/8 huy chương vàng môn bắn nỏ nhờ có sự đào tạo bài bản của huấn luyện viên được thuê từ ngoài tỉnh.
Ở môn cà kheo, đoàn Đức Cơ với dàn VĐV trẻ đã vượt qua các đơn vị mạnh như: Chư Păh, Đak Pơ, Kông Chro… để giành được thành tích tốt nhất với 3 tấm huy chương vàng trong tổng số 6 nội dung. Trong khi đó, môn đẩy gậy thu hút số VĐV kỷ lục tại Đại hội với gần 130 VĐV tham gia tranh tài. Do môn này có đến 18 bộ huy chương nên các đoàn đều tập trung vào nhằm cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp khiến sự cạnh tranh được đẩy lên rất cao.
Trong bối cảnh có nhiều lo lắng về sự mai một của các môn thể thao dân tộc thiểu số thì kỳ đại hội lần này đã mang đến những tín hiệu đáng mừng. Ông Ngô Gia Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh-nhận định: “Phong trào tập luyện các môn thể thao dân tộc thiểu số ở các địa phương rất khởi sắc, được kế thừa qua các đợt tổ chức thường xuyên hội thao dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh và toàn quốc. Đặc biệt, năm nay, môn đẩy gậy và kéo co được Tổng cục TDTT đưa vào tranh tài ở Đại hội Thể thao toàn quốc nên các đơn vị cũng đẩy mạnh đầu tư để giành suất tham gia. Chúng tôi sẽ tuyển chọn những VĐV tốt nhất để bồi dưỡng nhằm cố gắng đạt thành tích cao tại sân chơi quốc gia này”.
Mỗi kỳ đại hội TDTT đều chứng kiến sự quyết tâm của các đoàn VĐV để khẳng định vị thế của mình trong làng thể thao tỉnh nhà. Tại Đại hội lần thứ IX, TP. Pleiku vẫn tiếp tục khẳng định sự vượt trội so với các đoàn còn lại, đặc biệt là ở các môn võ. Cụ thể, TP. Pleiku đã giành đến 11 huy chương vàng môn Taekwondo, 7 huy chương vàng môn Vovinam và 11 huy chương vàng môn võ cổ truyền. Hay như ở môn quần vợt và bóng bàn, họ giành trọn vẹn 12/12 huy chương vàng.
Nếu như vị trí dẫn đầu toàn đoàn không có sự thay đổi so với kỳ đại hội trước thì ở vị trí thứ 2 đã xuất hiện một cái tên mới, đó là huyện Ia Grai.
Ông Nguyễn Văn Ý-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban tổ chức Đại hội-cho hay: “Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài nhưng kỳ đại hội lần này, chất lượng chuyên môn vẫn được nâng lên rõ rệt so với đại hội trước. Số lượng VĐV tham gia, số nội dung thi đấu cũng nhiều hơn. Trình độ chuyên môn của các VĐV đồng đều, không có sự chênh lệch lớn nên các trận đấu diễn ra quyết liệt, cống hiến cho người xem những màn tranh tài hấp dẫn. Tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và của từng VĐV đã được nâng lên một tầm cao mới, phản ánh chính xác sự phát triển của phong trào TDTT ở các đơn vị”.