"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 2: "Đũa phép" của trò nghèo

E-magazine "Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 2: "Đũa phép" của trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

“Chỉ có ánh sáng tri thức mới có thể giúp tạo dựng, thay đổi số phận một con người”-từ quan niệm ấy, nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm đã ghé vai gánh vác một phần trách nhiệm với thầy-cô giáo và các nhà trường. Chọn cách đồng hành lâu dài, họ nỗ lực giúp những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt ăn học đến nơi đến chốn.

 

Chiếc thuyền máy chòng chành rời bến đò xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) rồi vun vút rẽ sóng trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Trời nước mở ra một khung cảnh mênh mang vô tận. Đó là chiếc thuyền chở đoàn công tác gồm lãnh đạo xã, Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia O và các nhà hảo tâm đến vận động các em học sinh trên đảo Ba Chơn ra lớp trước thềm năm học mới 2022-2023.

Thuyền vừa cập bờ, thầy Ngô Văn Hòa-một người lính trở về từ chiến trường Campuchia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ guitar Thầy và Trò (TP. Pleiku) nhanh nhẹn nhảy xuống phụ cả đoàn vác mì tôm, gạo, mắm, bánh kẹo… tặng các gia đình đang sinh sống tại đây. Lũ trẻ ùa ra vui mừng chào đón đoàn khách hiếm hoi ghé đảo. 

 

Khỏi phải nói cư dân trên đảo xúc động cỡ nào khi biết đoàn công tác đến vận động con em họ tới lớp. Về chi phí sinh hoạt, học tập lâu dài, thầy Hòa cam kết trước mắt sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng/em/tháng, miễn là các gia đình đồng thuận. Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cũng khẳng định, địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa về hộ khẩu, hộ tịch để các em có thể đến trường trong năm học này. Nghe vậy, vài phụ nữ đưa bàn tay lam lũ vì theo nghề chài lưới lâu năm lau vội những giọt nước mắt.

 

Ngày 20-8, đoàn công tác lại sắp xếp một chuyến nữa ra đảo. Lần này là để cùng các gia đình đưa 8 em học sinh ra xã để chuẩn bị bước vào năm học mới. Trong số này, 6 em nhập học tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, 2 cháu vào Trường Mầm non 2-9. Được đưa đến thăm trường, các em ríu rít ngó nghiêng từng góc sân, lớp học với vẻ háo hức lạ kỳ.

 

Chỉ cần thấy một cánh tay đưa ra, cư dân đảo Ba Chơn đã biết mình phải làm gì tiếp theo để “khai thông” đường đến trường cho lũ trẻ. Có con trai được vận động ra học lớp 2, chị Nguyễn Hạnh Thi cho hay: Các gia đình đã bàn bạc và thống nhất thuê căn phòng trọ với giá 1 triệu đồng/tháng ở trung tâm xã Ia O làm nơi trọ học cho các cháu; người ở cùng để chăm lo là mẹ chị, bà Nguyễn Thị Hạnh Thu. Hành trình vào bờ tìm chữ của lũ trẻ trên đảo đã chấm dứt nỗi lo về một thế hệ lênh đênh sông nước, không biết đến con chữ và mang trong lòng những hình dung mơ hồ về tương lai.

 

Thêm một mô hình hỗ trợ học sinh học tập lâu dài đang hoạt động rất hiệu quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai là Quỹ thiện nguyện “Kết nối yêu thương”. Quỹ do 2 cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) niên khóa 1997-1999 là chị Đỗ Trần Như Thảo và Huỳnh Thị Thúy thành lập năm 2018. Kinh phí hoạt động chủ yếu do họ tự đóng góp và vận động thêm. 

 

Chưa kể, từ tháng 10-2021 đến nay, Quỹ tiếp tục hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng để giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (đứng chân ở xã vùng khó Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) nấu ăn mỗi tuần 2 bữa cho 75 học sinh dân tộc Bahnar nhằm động viên các em đến lớp; đồng thời “cõng” thêm khoản chi phí không nhỏ khi giúp 20 em khó khăn nhất trường (250 ngàn đồng/em/tháng). 

Và không thể quay lưng trước hoàn cảnh đặc biệt của 10 em nhỏ mồ côi cha, mẹ do Covid-19, họ lại “gồng mình” nhận hỗ trợ các em ăn học đến hết lớp 12. Có 3 đứa con được Quỹ  thiện nguyện “Kết nối yêu thương” nâng đỡ, lòng chị Nguyễn Thị Ánh (thị trấn Kbang) vơi bớt nỗi đau đớn, hoang mang sau khi chồng đột ngột qua đời. Chị Ánh nghẹn lời: “Tôi rất mừng vì có thêm khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng cho các con. Nếu chỉ mình tôi gánh vác thì biết làm sao lo nổi chuyện ăn học của con trong khi lương công nhân ở huyện nghèo chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng?”.

 

Nói về lý do “ôm đồm” chi phí hỗ trợ hơn 250 triệu đồng mỗi năm, chị Thảo tâm sự: “Chỉ tri thức mới giúp các em nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để vươn tới ước mơ. Và khi có tri thức, trước tiên các em sẽ giúp được bản thân và gia đình mình, sau đó mới có thể đóng góp cho cộng đồng”.

Chúng tôi cũng không khỏi vui lây trước ánh mắt hân hoan của cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Ngọc Trúc khi hay tin em và chị gái Nguyễn Thị Ngọc Trâm (học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) có thể sẽ được Mạnh Thường Quân tài trợ học tập đến hết bậc đại học. Cùng với những hỗ trợ trước mắt suốt thời gian qua của các tấm lòng hảo tâm, sự giúp đỡ thiết thực này sẽ góp phần thay đổi số phận 6 đứa trẻ mồ côi mẹ. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Viết Lâm-Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, nơi em Trúc đang theo học-vui mừng cho hay: Biết được hoàn cảnh ngặt nghèo của 6 em nhỏ nói trên thông qua báo chí và sự vận động của nhà trường, một nhóm thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh đã hẹn làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường vào ngày 7-9 tới đây để xem xét, bàn bạc về việc nhận hỗ trợ cho em Trúc và chị gái thực hiện ước mơ theo đuổi con chữ.

 

Vượt bao trắc trở trên hành trình đến trường, chàng sinh viên Kpă Khó ngày nào giờ trở thành một giáo viên của Trường Quốc tế Tây Úc (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Nhớ lại thời điểm ngặt nghèo nhất của năm cuối đại học, Khó xúc động cho hay: Nếu không gặp anh Nguyễn Hoàng Nam-một MC có tiếng ở Phố núi Pleiku thì có lẽ sự học của em phải tạm dừng. Khi biết hoàn cảnh của Khó, MC Hoàng Nam đã nhanh chóng lên ý tưởng tổ chức đêm nhạc từ thiện “Lan tỏa yêu thương” kể về ước mơ với con chữ của em và nhận được sự đồng cảm của trên 1.000 khán giả Phố núi. Sau đêm nhạc vào tháng 4-2012, số tiền hơn 70 triệu đồng mà các nhà hảo tâm đóng góp đã được anh Nam trao cho em và người bạn thân cùng cảnh ngộ là Kpă H’Triu, mỗi người 35 triệu đồng. “Không có số tiền đó thì chắc chắn em và H’Triu chưa thể tốt nghiệp đại học để có cơ hội việc làm tốt như ngày hôm nay”-đôi mắt nghị lực của Khó ánh lên niềm cảm kích. 

 

Nói về nghĩa cử trên, MC Hoàng Nam chia sẻ: “Đêm nhạc thành công nhờ sự chung tay của rất nhiều tấm lòng từ thiện hôm đó. Đây chính là giấc mơ rất đẹp và nhân văn của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, trồng người”. 

 

Ai cũng có thể đóng góp cho giáo dục theo những cách khác nhau. Đó có thể là nguồn lực vật chất, tri thức hay tình thương. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của những mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” hay “Mẹ đỡ đầu” để tiếp sức trò nghèo trên hành trình đến với tri thức.

Qua công tác “bám dân, bám làng”, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) nắm rõ hoàn cảnh của 4 chị em mồ côi làng Klăl. Họ quyết đinh nhận em Ksor Nương làm con nuôi của Đồn. Năm 2019, Nương được đón về cùng ăn ở, sinh hoạt tại Đội Công tác địa bàn. Mọi thứ với một cô bé 7 tuổi đều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Nhưng rồi trái tim non nớt và đầy mất mát của cô bé Jrai dần được lấp đầy bởi tình thương yêu ấm áp của những người lính mang quân hàm xanh nơi biên cương. Mới đó mà Nương sắp bước vào năm học cuối của bậc Tiểu học.

 

Càng vui hơn khi chị gái của Nương cũng được Đồn Biên phòng Ia Mơr nhận đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. 

Với tinh thần, trách nhiệm của người lính trong việc “chia lửa” với những khó khăn của giáo dục vùng biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai hiện đang đỡ đầu tổng cộng 64 học sinh, trong đó có 12 em được nhận làm con nuôi của các đồn và 52 em được giúp đỡ từ chương trình “Nâng bước em đến trường” (hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng). Nguồn kinh phí thực hiện các chương trình này phần lớn từ sự tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và một phần quỹ của các đơn vị. Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-nêu kỳ vọng: “Cùng với sự quan tâm, đồng hành của những người lính, mong rằng các em sẽ trở thành đội ngũ cán bộ kế cận ở địa phương, hay ít ra cũng là một công dân tốt”. 

Năm học mới 2022-2023, cậu bé Kpuih Côi (thôn Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) cũng không còn côi cút nữa mà sẽ được “mẹ dắt tay tới trường”. Là bởi, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Chư Don đã nhận làm mẹ đỡ đầu cho em. Chị Huỳnh Thị Hiền-Chủ tịch Hội LHPN xã-kể: “Tôi cũng có con nhỏ bằng tuổi bé Kpuih Côi. Vậy nên, khi nhìn thấy cậu bé mồ côi với ánh mắt lạc lõng, sợ sệt, tôi cứ thấy nhói lòng. Với chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chúng tôi đã nhận giúp đỡ bé Côi đến năm 18 tuổi”. 

 

Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết, năm học mới 2022-2023 sẽ là dấu mốc đặc biệt với 214 trẻ mồ côi được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh nhận hỗ trợ từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Các em giờ đã có mẹ, được chuẩn bị quần áo, sách giáo khoa thơm mùi giấy mới cùng những chiếc xe đạp làm phương tiện tới trường; có trường hợp còn được làm sổ tiết kiệm. 

Đó là bé Liêng (1 tuổi, thôn Tao Ôr, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Bé Liêng mồ côi mẹ khi còn đỏ hỏn, bé được các Mạnh Thường Quân ủng hộ 14,6 triệu đồng. Tiếp nhận số tiền này, Hội LHPN xã giúp làm sổ tiết kiệm cho bé 12 triệu đồng, số còn lại dành mua sữa. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin: “Phía sau trẻ mồ côi là những người mẹ đỡ đầu, nhưng phía sau những người mẹ còn là sự chung sức của cả cộng đồng. Cũng bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, các cơ sở Hội đã nhận được nguồn lực hỗ trợ lớn của các nhà hảo tâm để có thể cùng đồng hành đường dài trên con đường học tập cho tới khi các em trưởng thành”.

 

 

Có thể bạn quan tâm