Thời sự - Bình luận

Chia sẻ và đặt hàng ngành điện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cứ mỗi lần tăng giá bán lẻ điện bình quân là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu "tiếng bấc tiếng chì". Tâm lý chung là hiếm có khách hàng nào muốn bên bán tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Nhưng với lần tăng giá từ ngày 4-5 vừa rồi, ngành điện có phần được cảm thông hơn trước, bởi giá điện đã được kìm giữ suốt 4 năm qua.

Với mức tăng 3%, doanh thu 8 tháng còn lại của năm 2023 thêm khoảng 8.000 tỉ đồng, góp phần giúp EVN cân đối tài chính khi đang bị "treo" khoản lỗ hơn 26.200 tỉ đồng.

Cũng còn rất nhiều ý kiến thắc mắc: Tại sao EVN độc quyền về điện mà vẫn lỗ?

Câu hỏi này chỉ chính xác trong thời gian trước đây. Giai đoạn phát điện cạnh tranh 2012-2018, các nhà máy điện chào giá hằng ngày để bán cho đơn vị mua buôn điện duy nhất là EVN; còn bây giờ, ngoài EVN đã có ít nhất 5 tổng công ty điện lực tham gia thị trường. Từ chỗ nắm 100% nguồn điện, EVN hiện chỉ còn chiếm 58%.

Để có nguồn phát điện, EVN phải trả tiền cho các nhà máy nhiệt điện than, điện khí, năng lượng tái tạo…; nhiều nhất là nhiệt điện than và điện khí, mà giá nhiên liệu hóa thạch đã tăng không ngừng. Cụ thể, EVN phải mua từ nguồn nhiệt điện than với giá 2.400 đồng/KWh, lúc đỉnh điểm là 4.000 đồng/KWh, trong khi giá bán lẻ bình quân tới tay người dân chỉ là 1.864,4 đồng/KWh (mức mới từ ngày 4-5 là 1.920,3 đồng/KWh), thì rõ ràng tập đoàn đang "gồng lỗ" rất nặng. Nói rõ hơn, EVN chịu đựng để người dân có giá điện thấp, đồng thời không gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng, tránh nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế.

Diễn giải sâu như vậy để hiểu đúng về thị phần phát điện hiện nay và có cái nhìn chia sẻ với ngành điện - một ngành xương sống của kinh tế nước nhà, mà trong đó EVN đóng vai trò chủ lực, thực thi nhiệm vụ bảo đảm đủ điện cho sinh hoạt của người dân và sản xuất của doanh nghiệp, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.

Nhưng sau đợt tăng giá này, các bộ - ngành hữu quan cần thực thi cho được 2 nhiệm vụ.

Thứ nhất, phải ngăn chặn triệt để tình trạng "té nước theo mưa", lấy lý do giá điện tăng để đẩy giá bán hàng hóa, dịch vụ. Giải pháp khả thi chính là yêu cầu kê khai chi phí giá thành, đăng ký giá tất cả các mặt hàng/ dịch vụ thuộc diện kiểm soát giá, do nhà nước định giá, đồng thời có phương án theo dõi, chế tài nghiêm minh. Song song đó, nhà nước cũng cần áp dụng chính sách bình ổn giá vào những lúc cần kíp để ổn định thị trường.

Thứ hai, EVN và cơ quan cấp trên trực tiếp là Bộ Công Thương cần giải quyết rốt ráo vấn đề của hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời - đang đối diện nguy cơ phá sản, để lại 58.000 tỉ đồng nợ xấu, do đầu tư theo sự kêu gọi, khuyến khích của nhà nước nhưng vấp phải sự điều hành giật cục, dẫn tới thừa điện mà bán không được, lúc lâm nguy đã kêu cứu rất nhiều mà không được hỗ trợ kịp thời.

Chúng ta đang hướng tới thị trường phát điện cạnh tranh hoàn toàn thì không nên chỉ đòi hỏi người tiêu dùng chấp nhận sự tăng giá hàng hóa khi chi phí đầu vào tăng mà đơn vị quốc doanh dẫu có "nắm phần cán" cũng phải biết nhìn lại mình, sửa sai và hoàn thiện chính sách quản lý, điều hành nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Có thể bạn quan tâm