(GLO)- Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah-cho biết: Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề nêu ra đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu như: vay vốn, đầu tư hạ tầng, tài nguyên-môi trường, đất đai, hỗ trợ cây giống, vật nuôi cho hộ nghèo, chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số... “Với hình thức đối thoại trực tiếp, nhiều vấn đề đại biểu quan tâm mà lâu nay còn e ngại, chưa mạnh dạn phản ánh đều được lãnh đạo huyện tiếp nhận và trả lời đầy đủ”-bà Dương chia sẻ.
Tham gia đối thoại, ông Siu A'Much-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Chư Đăng Ya-băn khoăn: Nhà nước có chính sách cấp không giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn xã. Tuy nhiên, chính sách này khi đến với nông dân thì chưa thật hiệu quả. Cụ thể, cây giống cấp chưa kịp thời vụ, không đúng thời điểm khiến cây chậm phát triển hoặc chết rất nhiều. Ông Rơ Châm Kríp-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nhin nêu thực trạng người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất, muốn vay vốn ngân hàng nhưng thủ tục còn nhiêu khê nên ngại vay. Chưa kể ngân hàng có dịch vụ bảo hiểm khoản vay trên tinh thần tự nguyện, nhưng khi làm hồ sơ thì cán bộ ngân hàng thường “ép” người vay phải mua bảo hiểm...
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Đinh Yến |
Góp thêm ý kiến, ông A Lăi-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Tơ Ve đề cập vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Nguyên nhân là cơ quan chuyên môn xác định một số diện tích đất người dân đang canh tác là đất lâm nghiệp, nhưng người dân lại cho rằng đây là đất canh tác lâu năm. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 7-12-2017 về việc “Thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai” thì Đak Tơ Ve đã bóc tách một số diện tích đất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. “Vì vậy, người dân đề nghị huyện áp dụng nghị quyết trên để bà con nông dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định”-ông A Lăi trình bày.
Nhiều băn khoăn khác cũng được nêu ra như: Năm 2003, Nhà nước quy hoạch mốc lộ giới đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Hòa Phú dài 132 m nhưng đến nay không thực hiện, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân 2 bên đường; một số hợp tác xã nông nghiệp thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả; xuất hiện một vài vườn ươm cây giống không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân nhưng không được cấp thẩm quyền xử lý nghiêm; nhiều hộ chưa thực hiện việc bố trí khu chăn nuôi xa nơi ở để giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Trực tiếp giải đáp những băn khoăn của người dân, ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của đại biểu đã được lãnh đạo các ban, ngành và chính quyền huyện trả lời cụ thể, rõ ràng. Đây là thành công rất lớn của buổi đối thoại. Điều này giúp triển khai tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, thông qua đó, hệ thống chính trị của huyện có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện tới cơ sở.
Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu. Bí thư Huyện ủy giao UBND huyện, các ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Mặt trận để có hành động cụ thể, thiết thực nhằm nhanh chóng giải quyết những vướng mắc được nêu ra tại buổi đối thoại. “29 vấn đề được cán bộ Mặt trận và cán bộ, hội viên Hội Nông dân phản ánh lần này, lãnh đạo Huyện ủy nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận. Ngoài trả lời trực tiếp, chúng tôi sẽ phân loại từng nhóm lĩnh vực để chỉ đạo các cơ quan liên quan giải đáp và có kiến nghị với cấp trên xem xét, trả lời cho người dân trong thời gian tới”-ông Đoàn Bảy nhấn mạnh.
ĐINH YẾN