Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chư Prông: Thiết thực phong trào "Hũ gạo tình thương"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Prông đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Một trong số đó là mô hình “Hũ gạo tình thương” đã giúp hội viên phụ nữ trong lúc khó khăn, hoạn nạn để từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Đã thành thông lệ, đều đặn hàng tháng, mỗi hội viên phụ nữ làng Siu (xã Ia Vê) đều tự nguyện trích ra 2 lon gạo của gia đình để bỏ vào “Hũ gạo tình thương” của chi hội. Bà Kpuih Đoan-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Siu-cho hay: “Chi hội có 68 hội viên nhưng chỉ có 45 hội viên tham gia mô hình, số còn lại vì già yếu, neo đơn, bệnh tật nên không thể tham gia”. Nói về việc lựa chọn mô hình “Hũ gạo tình thương”, bà Kpuih Đoan lý giải, so với các làng trong xã, làng Siu có diện tích lúa nước nhiều hơn nên vận động bằng hình thức đóng góp gạo sẽ phù hợp, thiết thực hơn. Tuy nhiên, việc vận động hội viên tham gia mô hình cũng không hề dễ dàng do một số hội viên băn khoăn, liệu số gạo có thực sự đến tay người nghèo, hộ neo đơn... Để giải quyết vấn đề này, Chi hội đã vận động những hội viên có điều kiện tham gia đóng góp trước, rồi đem số gạo ấy trao cho những hội viên khó khăn ngay trong buổi sinh hoạt chi hội, trước sự chứng kiến của tất cả hội viên. Qua đó, hội viên trong chi hội đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa của “Hũ gạo tình thương” và tích cực tham gia.
 Hội viên Siu Chuyên xúc gạo mang đến nộp cho chi hội. Ảnh: P.D
Hội viên Siu Chuyên xúc gạo mang đến nộp cho chi hội. Ảnh: P.D
Xúc từng lon gạo từ bao gạo của gia đình đổ vào thùng để mang đến nhà sinh hoạt cộng đồng góp cho chi hội, chị Siu Chuyên chia sẻ: “Ai cũng ủng hộ, mình không ủng hộ thì ngại lắm. Với lại góp gạo để giúp đỡ những chị em gặp khó khăn, hoạn nạn nên ai cũng sẵn sàng”. Thay vì mỗi tháng tiết kiệm 2 lon gạo, đến gần thời điểm chi hội thu gom gạo, chị Chuyên mới xúc đủ số lượng đem góp. Bởi chị sợ gạo nếu để lâu sẽ không còn ngon. Mỗi năm, chi hội Phụ nữ làng Siu sẽ chia làm 3 đợt để mở “Hũ gạo tình thương”, đợt 1 là 6 tháng đầu năm, 2 đợt còn lại cứ 3 tháng/lần. Số gạo thu được từ “Hũ gạo tình thương” sẽ dành để hỗ trợ những hội viên khó khăn và người già neo đơn trong làng.  
Cũng như chi hội Phụ nữ làng Siu, nhiều năm qua, chi hội phụ nữ thôn Yên Me (xã Ia Me) cũng duy trì “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ hội viên khó khăn. Theo bà Lê Thị Lý-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Yên Me, hội viên của chi hội sống rải rác trong rẫy, có khi nhà cách nhà 9-10 km nên việc thu gom gạo chỉ thực hiện 1 năm/lần vào dịp gần Tết Nguyên đán. Sau khi thu gom gạo xong, chi hội sẽ họp chọn ra 2 hội viên thật sự khó khăn để hỗ trợ gạo ăn Tết. Riêng với chi hội Phụ nữ làng Nớt (xã Ia Me), thay vì quy định số lượng gạo và thời gian đóng góp, chi hội vận động trên tinh thần tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Số gạo từ hũ gạo sẽ được trích ra mỗi khi trong làng có người gặp hoạn nạn hoặc có ma chay...
Bà Trần Thị Lương-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông-cho biết: Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác, nhiều cơ sở Hội trên địa bàn đã lựa chọn xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, như: tiết kiệm 5.000 đồng/người/tháng, góp vốn xoay vòng, tiết kiệm 5-10 triệu đồng, “Nuôi heo đất”, xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”... Riêng mô hình “Hũ gạo tình thương” đang được Hội LHPN các xã: Ia Kly, Ia Me, Ia Vê duy trì và thực hiện hiệu quả. “Mô hình “Hũ gạo tình thương” đã phần nào giúp hội viên rèn luyện thói quen tiết kiệm trong cuộc sống và khơi dậy tinh thần tương trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Hơn nữa, việc quan tâm đúng lúc đã góp phần giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống để chị em không bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen”-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện nhấn mạnh.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm