Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà thiết kế và kiến tạo Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 1. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng: “Cách mạng trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy...”. 
Và Người cũng nhận ra rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong những năm 1925-1930, Nguyễn Ái Quốc đã dày công chuẩn bị cả về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với tiền thân là tổ chức những người yêu nước trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nhờ vận dụng sáng tạo lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại có sự thức tỉnh của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc áp bức, nô dịch, Nguyễn Ái Quốc là người đã sáng lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam-sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam. Chính tính đặc thù về sự hình thành đã giúp Đảng ta vừa có sự vững vàng về lập trường của một chính Đảng cách mạng, khoa học, vừa mềm dẻo, linh hoạt trong việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế. Đúc kết thực tiễn xây dựng Đảng ta, trong “Di chúc” để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
 Đại biểu cán bộ và nhân dân TP. Pleiku chụp hình lưu niệm bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường đại đoàn kết. Ảnh: Thanh Nhật
Đại biểu cán bộ và nhân dân TP. Pleiku chụp hình lưu niệm bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường đại đoàn kết. Ảnh: Thanh Nhật
Lịch sử đã xác nhận, tầm cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng và lập trường nhân văn, tiến bộ của Đảng là niềm cảm hứng giúp cả dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4-1975. Với những gì dân tộc ta, nhân dân ta, Đảng ta làm được trong thế kỷ XX, “chúng ta tự hào về dân tộc ta-một dân tộc anh hùng, thông minh, sáng tạo; tự hào về Đảng ta-Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện-một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).
2. Vào những thập niên sau của thế kỷ XX đến nay, dường như nhân loại lại đang chứng kiến những đổi thay sâu sắc, nhanh chóng, khó lường. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ đã mang đến sự đổi thay trong tầng sâu của quá trình sản xuất của cải vật chất, kéo theo hàng loạt chuyển động căn bản trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Một thời đại mới đã xuất hiện, trong đó các cấp độ chủ thể hành động đang phải tư duy lại về nhiều vấn đề của thế giới; đồng thời, phải cấu trúc lại các thành tố của bản thân thế giới. Trước hiện thực này, một mặt, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn; mặt khác, tập trung nghiên cứu, đánh giá các vấn đề trọng yếu của thời đại (cục diện và trật tự, xu thế biến động của thế giới), từ đó định vị và thiết kế mô hình phát triển đất nước ngày càng “hợp lý, hợp lẽ và hợp thời”. Trong đó, nổi bật quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn của Đảng ta từ sau Đại hội XII đến nay là: hoàn thiện về thể chế, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với phương châm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng được xác định là “then chốt”. Theo tinh thần đó, trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, các cấp độ chủ thể lãnh đạo từ Trung ương đến các địa phương cần:
Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực để từng bước hoàn thành mục tiêu nhân văn cao cả: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với tư cách là lực lượng lãnh đạo, là Đảng cầm quyền, Đảng cần huy động các nguồn lực của đất nước và của thời đại để hiện thực hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đáp ứng yêu cầu đó, Đảng cần có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực trí tuệ, tầm nhìn của đội ngũ cán bộ, đảng viên và của từng tổ chức Đảng. Tầm vóc của nhân tố lãnh đạo lúc này phải được thể hiện qua việc từng bước “hoàn thiện thể chế kinh tế” góp phần phát triển bền vững, hài hòa về xã hội và môi trường; là tìm kiếm và xây dựng các thể chế có thể khuyến khích, dung nạp sự tham gia đông đảo của người dân trong các hoạt động kinh tế, phát huy tối đa năng lực của con người. Thể chế kinh tế này được đặc trưng bởi sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, thượng tôn pháp luật và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công... Nói cách khác, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là xây dựng một thể chế có khả năng huy động tối đa mọi nguồn lực (dân tộc và thời đại) mà còn giải quyết hài hòa tương quan mối quan hệ nhu cầu và nguồn lực để xác định mục tiêu, nhịp điệu, bước đi hợp lý, hài hòa; tìm kiếm phương thức quản lý, vận hành quá trình phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, cơ chế để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự trọng dân, gần dân, lắng nghe, thấu hiểu dân và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Với tư cách là lãnh tụ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bởi như Người từng viết: “nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Để làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Người dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân-ý kiến của “những người không quan trọng”; không được lên mặt “quan cách mạng”, cậy quyền cậy thế, đè đầu cưỡi cổ dân. Người cũng đã nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân. Chính ham muốn mãnh liệt phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước đã tạo cho Người một ý chí, một nghị lực phi thường để giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người vẫn chỉ là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Vì thế, đối với đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên ở nước ta hiện nay, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tạo lập, hình thành phương pháp, phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân; là nêu tấm gương về sự đóng góp công sức mình vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ ba, mọi cán bộ, đảng viên cần thống nhất giữa nói và làm, hài hòa giữa công và tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều về tấm gương đạo đức của Lênin, của những người tiền bối. Rèn luyện theo những tấm gương đó, Người đã để lại cho dân tộc và nhân loại một tấm gương trọn vẹn, “mười phân vẹn mười” của một CON NGƯỜI. Ở con người ấy, nhân cách ấy, đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường.  
Giờ đây, “giữa lúc vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân định”; “tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bước đầu được ngăn chặn song chưa được đẩy lùi…” thì tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa nói và làm trở thành tiêu chí quan trọng nhất để thẩm định thật-giả, cũ-mới, bảo thủ-cấp tiến... trong từng tổ chức hay mỗi cá nhân. Chính vì thế, trong công tác cán bộ, việc xem xét, đánh giá hay tuyển chọn cán bộ, công chức, đảng viên nếu chỉ dựa vào sự tự kiểm điểm, tự khai báo, cho dù có xác nhận của cơ quan chủ quản là chưa đủ. Thiết thực hơn, toàn diện hơn, để xem xét, đánh giá trình độ, bản lĩnh, kỹ năng và kết quả hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên thể hiện trong thực tiễn tranh đấu, hiến dâng cho mục tiêu phụng sự lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, đất nước thì người dân, các tầng lớp nhân dân không chỉ có quyền thẩm định (giám sát, đánh giá) mà quan trọng hơn, nâng lên, bổ sung thêm quyền phán định, lựa chọn để tiếp tục trao trọng trách, ủy quyền hay khước từ. Đương nhiên, khi quyền trên đã được thể chế hóa, nó là kênh khách quan từ phía người dân-lực lượng thụ hưởng để họ có thể kiểm chứng sự “nói và làm” của các “công bộc”.
 PGS-TS. Hồ Tấn Sáng

Có thể bạn quan tâm