Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền cảm hứng lý tưởng cao đẹp, lớn lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6). Những hoạt động như giới thiệu sách viết về Bác, triển lãm, thi tìm hiểu và sáng tác văn học-nghệ thuật… làm cho dịp kỷ niệm quan trọng càng thêm ý nghĩa, thiết thực. Những hoạt động chính trị sâu rộng, sôi nổi đó trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm ôn lại quá trình tìm đường cứu nước gian khổ nhưng vô cùng vinh quang của Bác. Đồng thời, thêm một lần khẳng định vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với lịch sử và cách mạng Việt Nam hào hùng, vẻ vang.


Hiển nhiên, hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc là bước ngoặt quan trọng của lịch sử cũng như cách mạng Việt Nam. Căm thù thực dân, phát xít và với truyền thống yêu nước thương nòi, trước Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước lãnh đạo Nhân dân nổi lên chống lại các thế lực xâm lược nhưng tất cả đều thất bại vì không tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Chỉ khi Nguyễn Ái Quốc tìm ra chủ nghĩa Mác-Lênin thì cuộc khủng hoảng mới kết thúc. Việc kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào yêu nước và phong trào công nhân đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã đưa dân tộc ra khỏi lầm than đau khổ. Việc hợp nhất 3 tổ chức cộng sản: An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành một đảng cộng sản cách mạng chân chính duy nhất-Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) là bước phát triển tất yếu của quá trình hình thành và phát triển, lớn mạnh của Đảng mà người sáng lập không ai khác chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Để rồi từ đó, Người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Ý nghĩa vô cùng to lớn, cực kỳ quan trọng của hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác đối với dân tộc, đất nước, với thế giới yêu chuộng hòa bình, tự do là không phải bàn luận gì thêm. Công lao to lớn đó của Người là muôn đời, mãi mãi. Ở đây, người viết muốn nhấn mạnh tinh thần truyền cảm hứng, lý tưởng lớn lao, cao rộng mà lãnh tụ là hiện thân sinh động và thuyết phục.

Vốn sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước, tận thấy chính sách đàn áp, bóc lột của thực dân, đế quốc đối với đồng bào, thường xuyên chứng kiến cha mình trao đổi, bàn luận việc nước với những chí sĩ đáng kính… dĩ nhiên cậu bé Nguyễn Sinh Cung không thể không quan tâm đến những vấn đề thời cuộc lớn lao so với độ tuổi của mình. Dần dần cùng với những biến động của gia đình và thời cuộc, cậu đã sớm trưởng thành cả trong nhận thức, tình cảm và hành động, đặc biệt là ý chí nung nấu tìm một con đường giải thoát Nhân dân khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Con đường đó theo anh là phải ra nước ngoài để xem ở đó như thế nào để sau đó về nước giúp giải phóng dân tộc mình. Hiểu biết và nhãn quan nhạy bén đã khiến Nguyễn Ái Quốc không chọn một nơi nào khác, nước nào khác mà là “nước đại Pháp”. Như vậy, trước khi bước chân lên con tàu Amiral Latouche Tréville với tên gọi anh Ba trong vai trò phụ bếp, chàng trai ấy đã sớm có tư tưởng cao rộng, ý chí lớn lao, suy nghĩ chín chắn và một nghị lực có thừa trước khi quyết định thực hiện ước mơ và mục đích của mình.

Khi đã có một lý tưởng nồng thơm, cao rộng, lớn lao soi đường dẫn dắt, tất nhiên mọi suy nghĩ, tình cảm, hành động của con người sẽ theo đó mà hướng tới, quyết tâm phấn đấu thực hiện đến cùng. Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác không có mục đích nào khác ngoài hy sinh, cống hiến cho dân tộc, đất nước, cho những phận đời lầm than đau khổ không phân biệt màu da, dân tộc. Chính lý tưởng cao đẹp đó của Người, thành công của cách mạng Việt Nam đã lan tỏa, thôi thúc nhiều phong trào đấu tranh vì hòa bình, giải phóng dân tộc khắp nơi trên thế giới, nhất là các nước châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Nhiều nước đặt tên đường, cho dựng tượng và có nhiều sáng tác văn học nghệ thuật tôn vinh, ca ngợi Bác với tư cách là người anh hùng, chiến sĩ cộng sản quốc tế, danh nhân văn hóa thế giới.

Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, lôi cả nhân loại vào cuộc chiến chống dịch. Các nhà khoa học khắp thế giới đã sớm dấn thân nghiên cứu, chế tạo thành công vắc xin phòng bệnh Covid-19. Cũng với chủ đề đó, gần gũi hơn, đơn giản và thiết thực hơn nhưng ý nghĩa chưa bao giờ đơn giản, đất nước ta đang chứng kiến biết bao người đang ra sức nỗ lực dập dịch. Họ tạm quên gia đình, bạn bè, người thân để dấn thân vào tâm dịch, vào nơi nguy hiểm với mong muốn nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên, an toàn cho mỗi người, mỗi nhà. Những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch chưa bao giờ ngừng nghỉ, chưa bao giờ thôi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “thương người như thể thương thân”. Nghĩa cử và tấm lòng tự nguyện, hào sảng, đẹp đẽ ấy làm lu mờ thói trọc phú, thời thượng, dị hợm khoe thân khoe của khoe giàu, lối sống thực dụng, những anh hùng bàn phím, những trò lố lăng, kệch cỡm… vốn phổ biến trên không gian mạng. Lý tưởng sống đẹp, cái hay, cái tốt khi được nhân rộng, lan tỏa và phát huy có tác dụng cải tạo và xây dựng xã hội chuẩn mực, tốt đẹp hơn, là thế.

Cuộc sống luôn vận động biến đổi, thời đại cũng vậy, nhưng lý tưởng sống đẹp thì mãi mãi cùng với muôn vàn biểu hiện. Người trẻ có đầy đủ yếu tố, điều kiện như trái tim ấm nóng nhiệt huyết, có sức khỏe, ý chí nghị lực, trình độ năng lực, được giáo dục, rèn luyện… cộng với trung trinh một lý tưởng, một mục đích tốt đẹp thì hoàn toàn có thể làm được những điều lớn lao, kỳ vĩ, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Ngoài bản thân người trẻ, tổ chức tập hợp đoàn kết họ cũng phải không ngừng tạo ra “sân chơi”, môi trường, hoạt động sáng tạo thiết thực để họ thử thách bản thân, học hỏi kinh nghiệm, hình thành kỹ năng, bồi bổ vốn sống.

Quan trọng nhất là kích thích người trẻ tinh thần dũng cảm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; từ bỏ lối sống thực dụng hoặc trốn chạy hiện thực, co vòi trong vỏ bọc dễ dãi bằng phẳng, để đứng ra đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, cộng đồng. Lối sống ấy, nhân cách ấy, không viện dẫn nào thuyết phục bằng chính cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm