Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chuyện chưa biết về Anh hùng A Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Thẻ đảng viên số 0154712, cấp ngày 3-2-1980, họ và tên của ông là Puih San, tên khai sinh là Puih Hong, sinh ngày 1-5-1937. Trong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cấp ngày 22-8-1998, tên ông là Puih San. Vậy cái tên A Sanh do đâu mà có và có từ khi nào?
Về tên người anh hùng
Có ý kiến cho rằng, cái tên A Sanh bắt nguồn từ bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” nổi tiếng của nhạc sĩ Cầm Phong phổ thơ Mai Trang. Thậm chí, có người còn mặc định: A Sanh là một cái tên mang tính biểu tượng, chỉ dành cho những người lái đò bên bờ sông Pô Cô thời chiến tranh chống Mỹ.
Sự thật không hẳn vậy! Trong quá trình tìm hiểu về người anh hùng này, chúng tôi phát hiện ra rằng Puih San đã mang tên A Sanh từ khá sớm, trước khi bài hát đã nêu được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo lý lịch, Puih San nhập ngũ ngày 13-5-1961. Sau đó, ông chủ yếu hoạt động tại chiến trường thuộc các huyện Ia Grai, Chư Prông và Đức Cơ ngày nay. Có một giai đoạn, ông là người chèo thuyền độc mộc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực... Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai (1945-2014), bản in năm 2014 của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật cho rằng, khi đó Puih San làm việc “trên tuyến hành lang T2C07, nhất là đoạn qua phà 8, phà 10 (xã B12), thuộc đường mòn Hồ Chí Minh trên sông Pô Cô”. Do sách không dẫn nguồn nên chưa thể kiểm chứng thông tin, nhưng căn cứ vào 2 hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì ít nhất từ đầu năm 1967 đến hết năm 1968, anh bộ đội Puih San có cấp bậc trung sĩ thuộc biên chế đơn vị T12C05 (B3-Mặt trận Tây Nguyên) đã mang tên... A Xanh.
Bà Siu Pil-vợ ông Puih San-và các cháu bên di ảnh người anh hùng. Ảnh: N.Q.T
Bà Siu Pil-vợ ông Puih San-và các cháu bên di ảnh người anh hùng. Ảnh: N.Q.T
Theo chúng tôi, A Sanh hay A Xanh chắc chắn chỉ là vấn đề chính tả, vì bằng khen và giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua này được sưu tầm từ chính gia đình Anh hùng Puih San. Chủ nhân đã mang những tài liệu quý ấy từ chiến trường về và giữ gìn cẩn thận suốt nhiều chục năm. 7 năm sau ngày Puih San mất (ông mất ngày 11-2-2000-N.V), gia đình ông mới trao chúng cho đơn vị lưu trữ, trưng bày. Vì sao từ Puih San lại được chuyển thành A Xanh/A Sanh là vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, để bảo đảm an toàn cho tổ chức, gia đình, dòng họ và bản thân, việc một số người sử dụng bí danh là khá phổ biến trong chiến tranh. Trên bia mộ ông tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai hiện khắc cả 2 tên: Puih San và A Sanh.
Quanh chuyện tác giả ca khúc
Nhạc sĩ Cầm Phong (1929-2005) tên thật là Đỗ Lạc, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội. Làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1948, ông chưa từng đến Tây Nguyên, càng chưa từng gặp A Sanh ngoài đời thực. Ngay cả khi Puih San được phong Anh hùng và ra Hà Nội nhận danh hiệu này năm 1998 thì nhạc sĩ và nhân vật của mình vẫn chưa gặp nhau.
Mai Trang là ai? Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được thì đây là bút danh của nhà báo Nguyễn Thị Oanh. Năm 1969, từ Báo Nam Định, vượt Trường Sơn, nhà báo Mai Trang đi B-vào chiến trường miền Nam. Bà từng làm việc ở Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam). Sau đó, từ chiến khu Tây Ninh, bà được đưa về hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn. Tại đây, nhà báo Mai Trang mang vỏ bọc của một Việt kiều với tên mới Nguyễn Thị Cúc. Mai Trang-Nguyễn Thị Cúc làm nhiều việc khác nhau, trong đó có viết bài cho một số tờ báo đối lập với chính quyền đương thời như: Đại dân tộc, Điện Tín, Tin Sáng... Sau 30-4-1975, Mai Trang tiếp tục làm báo ở Sài Gòn cho đến năm 1980 thì trở thành phóng viên của Báo Đại đoàn kết tại Hà Nội. Sống lặng lẽ, nhà báo Mai Trang mất ngày 8-6-2017 khi bước sang tuổi 81.
Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm được tài liệu liên quan đến quá trình sáng tác bài thơ “Người lái đò trên sông Pô Cô” của tác giả Mai Trang. Do đó, câu hỏi nhà báo Mai Trang có gặp Puih San/A Xanh/A Sanh không, nếu có thì gặp trong hoàn cảnh, thời gian cụ thể ra sao hoặc bằng cách nào tác giả có được các thông tin về người lái đò can trường này... đều không dễ trả lời. Tuy nhiên, căn cứ những gì hiện đã tìm thấy, có một điều chắc chắn là: Nhà báo Mai Trang vào Nam sau khi cái tên A Xanh/A Sanh đã xuất hiện trên chiến trường Tây Nguyên.
Cụ thể, nếu những gì chúng tôi có được là chính xác thì năm 1969, tác giả Mai Trang mới rời miền Bắc vào Nam. Trong khi đó, từ đầu năm 1967, A Xanh/Puih San đã phục vụ với tư cách là người lính kiên cường của Mặt trận Tây Nguyên. Do vậy, không có cơ sở để cho rằng nhà báo Mai Trang và sau đó là nhạc sĩ Cầm Phong đã khai sinh ra nhân vật này dưới tên gọi A Sanh, qua ca khúc lừng danh “Người lái đò trên sông Pô Cô”.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm