Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chuyện chưa kể về Anh hùng Trần Văn Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông tin triển lãm ảnh về Căn cứ cách mạng Khu 10 (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình không chỉ thu hút sự quan tâm của những người từng gắn bó, sinh tử nơi vùng đất cách mạng mà còn cả với thế hệ trẻ. Những câu chuyện từ quá khứ càng khiến chúng ta thêm biết ơn, trân trọng mỗi ngày đang sống.
Những hình ảnh quý giá
Khoảng năm 1996-1998, trong quá trình tìm nguồn tư liệu cho cuốn “Địa chí Gia Lai”, ThS. Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) có cơ hội tiếp cận với lý lịch của một số lãnh đạo Tỉnh ủy.
Anh cho hay: “Trong số lý lịch của các lãnh đạo Tỉnh ủy, tôi đặc biệt chú ý đến 2 nhân vật là Anh hùng Núp và Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (tên thường gọi là Đẳng). Lý lịch của ông Đẳng chữ viết rất rắn rỏi, thể hiện một người có học thức. Đặc biệt, ngoài những thông tin rất thú vị, trong hồ sơ còn có một tấm hình chụp đám tang cùng một báo cáo về lễ tang của ông năm 1974”.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ kể, anh đã rất cảm động khi đọc thông tin hơn 20 năm ròng, ông không được gặp vợ con. Anh cho biết: “Từ lúc đó, tôi thường tìm kiếm hình ảnh, tư liệu về ông. Đi đâu, gặp ai liên quan đến căn cứ cách mạng tôi cũng hỏi. Tôi cũng tìm đến các Bảo tàng quân khu, nhưng ở đây chỉ lưu giữ thông tin ở dạng văn bản, giấy tờ chứ không có hình ảnh. Rất may, nhờ thói quen trước đây mọi người thường tặng nhau tấm ảnh làm kỷ niệm nên những người từng hoạt động trong căn cứ còn giữ lại một số hình ảnh. Có những tấm ảnh khổ nhỏ chỉ 1 x 2, 2 x 3 để dễ cất vào ví. Tất cả đều là những hình ảnh tư liệu quý giá. Quá trình sưu tầm tôi nhận ra mọi người đều rất nặng lòng, có tình cảm đặc biệt với Krong nên hết lòng hết sức giúp tôi có được những hình ảnh, tư liệu quý như vậy”.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết thêm, đến nay, anh đã sưu tầm được hơn 300 tấm hình về Krong và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình. Có những hình ảnh ghép nối lại trở thành những câu chuyện, một phần của lịch sử cuộc kháng chiến.
Một người trí thức gần gũi
Triển lãm ảnh Căn cứ cách mạng Khu 10 và Anh hùng Trần Văn Bình được tổ chức tại đường Anh Hùng Núp (TP. Pleiku) từ ngày 20 đến 22-11. Triển lãm trưng bày 160 hình tư liệu khổ lớn giới thiệu quá trình xây dựng và lớn mạnh của Căn cứ cách mạng Khu 10 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hình ảnh lần đầu công bố về nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình, được chụp từ sau năm 1955 đến 1974 và 1 đoạn băng ghi âm được thu năm 1972, là lá thư nói rất đặc biệt ông gửi cho vợ con ở miền Bắc.

Có mặt tại Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chiều 16-11 xem lại hình ảnh trước ngày triển lãm, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-vô cùng xúc động trước những hình ảnh một thời kháng chiến. Đặc biệt, ông có những ấn tượng và kỷ niệm rất riêng tư, sâu sắc với Anh hùng Trần Văn Bình.

Ông kể: “Chính ông ấy đã giúp cho tôi có một gia đình êm ấm, từ đi tìm đối tượng, tổ chức gặp mặt cho đến khi làm đám cưới và đến cả quá trình hoạt động sau này của hai vợ chồng. Khi đó, tôi đã gần 40 tuổi mà vẫn “chưa có gì”. Biết chuyện, ông rất ngạc nhiên rồi nói: “Thôi được, để tôi tìm cho”. Một ngày năm 1963, tôi nhận được điện của ông nói về “họp” nhưng thực ra là về gặp mặt người ông giới thiệu. Đó cũng là ngày đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm nên tôi chỉ kịp gặp “nhà tôi”, đồng ý và trở về đơn vị ngay sáng hôm sau. Sau đó, mọi việc đều do ông sắp xếp. Đó là kỷ niệm cá nhân của tôi với người Bí thư Tỉnh ủy mà tôi luôn ghi nhớ trong lòng. Ngoài lo cho chuyện chung, ông luôn quan tâm đến hạnh phúc cá nhân của bạn bè, cấp dưới như vậy, dù bản thân phải sống xa cách vợ con đang tập kết ở miền Bắc”.

Ông Ngô Thành (bìa trái)-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và ThS. Nguyễn Quang Tuệ sắp xếp nội dung hình ảnh trước ngày triển lãm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Ngô Thành (bìa trái)-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và ThS. Nguyễn Quang Tuệ sắp xếp nội dung hình ảnh trước ngày triển lãm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Qua hồi ức của ông Ngô Thành, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình không chỉ cao ráo, đẹp trai mà luôn toát lên vẻ đẹp của người trí thức. “Nhưng điều mọi người cảm nhận ở ông chính là sự ấm áp, gần gũi. Ông luôn tạo ra không khí vui vẻ, thân mật khiến những người đối diện dễ tiếp xúc, trò chuyện. Thật ra, tính cách của ông là vậy, gần gũi, rộng lượng, hay giúp đỡ mọi người. Ông không chỉ giúp đỡ mình tôi mà rất nhiều người, lo cho mọi người bằng sự chân thành hiếm có của cấp trên”-ông Ngô Thành kể.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình mất ngày 19-4-1974. Theo một số hình ảnh tư liệu, nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công đã lên Gia Lai (ngày 24-4-1974) viếng Anh hùng Trần Văn Bình cho thấy, sự đánh giá, ghi nhận xứng đáng của Đảng, Chính phủ đối với công lao đóng góp của ông cho cách mạng. Điều đáng tiếc nhất là khi ông mất vẫn chưa kịp gặp lại vợ con sau hơn 20 năm xa cách.
Ông Ngô Thành hồi nhớ: “Tôi nhớ là sau Hiệp định Paris 1973, Thường vụ Tỉnh ủy có họp bàn, bố trí để ông ra Bắc gặp gia đình. Nhưng ông nói cuộc chiến đấu của ta đã gần kết thúc rồi, không lâu nữa sẽ thắng lợi, khi đó ra thăm cũng chưa muộn. Còn bây giờ hoàn cảnh đất nước đang cần cán bộ, tôi phải ở lại, khi nào có điều kiện sẽ ra sau”.
Ngày đó nhất định sẽ đến
Dù dành tình yêu lớn cho Tổ quốc, nhưng trong trái tim ấm áp của ông, tình yêu cho gia đình vẫn luôn nồng ấm. Trong lá thư đặc biệt ông ghi âm (năm 1972) gửi cho gia đình nhỏ của mình, có những đoạn rất cảm động: “Mình thương yêu! Cuộc chiến đấu của chúng ta đã gần đến ngày thắng lợi. Chúng ta hãy đem hết sức mình góp phần vào trong thắng lợi chung đó, để nhanh chóng đem lại những ngày hội họp 2 miền và cũng là ngày gặp lại của gia đình chúng ta. Tình cảm vợ chồng, nghĩa cha con trong mười mấy năm qua không giấy nào viết hết được. Cũng như trong bản ghi âm này, cũng không thể nào tôi nói hết được. Tất cả những nỗi thương niềm nhớ ấy, bao nhiêu tâm tư, tình cảm ấy, chúng ta hẹn lại một ngày gặp nhau huy hoàng nhất, vui mừng nhất của cả dân tộc và của cả gia đình chúng ta. Ngày đó nhất định sẽ đến…”.
Không gặp được vợ con, cũng chưa được hưởng phút giây hòa bình, hạnh phúc của ngày thống nhất mà cả cuộc đời làm cách mạng ông hằng mong mỏi, nhưng “ngày đó nhất định sẽ đến” chính là ngày mà các con, người thân của ông từ các tỉnh, thành hội tụ về Phố núi Pleiku “gặp” lại cha mình trong ngày chiến thắng, sự kiện quan trọng, hay như lần này là triển lãm ảnh về ông. Công chúng có dịp nghe lại toàn bộ nội dung lá “thư nói” chan chứa yêu thương ông ghi âm gửi vợ con mình cách đây gần nửa thế kỷ tại triển lãm.
Để có được triển lãm về cuộc đời và những câu chuyện kỳ lạ, khó tin về Anh hùng Trần Văn Bình, ThS. Nguyễn Quang Tuệ đã cất công tìm đến nhà các con của ông ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), liên lạc với những người thân ở TP. Hồ Chí Minh cùng với những hình ảnh quý giá sưu tầm trong suốt 20 năm qua. Triển lãm sẽ mang đến những thông tin thú vị cho người xem, đồng thời khẳng định giá trị sự hy sinh của những cá nhân cho đất nước, cho dân tộc luôn mang một ý nghĩa lớn lao.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm