Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chuyện kể của nữ cựu tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bà Phạm Thị Năm-cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-tiếp tôi trong căn nhà nhỏ ở 84 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku. Trời nóng, bà mời tôi ngồi xuống sàn “cho mát và tiện nói chuyện”. Hơi ngạc nhiên nhưng liền đó tôi đã hiểu: Những vết thương trên cơ thể bà vẫn còn âm ỉ và cách ngồi này giúp dễ chịu hơn phần nào.
Bà Năm kể: Bà sinh năm 1940 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Mẹ mất khi bà chưa tròn 10 tuổi. Từ đó, bà thay mẹ chăm bẵm các em để cha đi hoạt động cách mạng. Năm 1955, cha tập kết miền Bắc, mấy chị em trở thành người sống trong vùng địch. 17 tuổi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, bà quyết định bí mật đi theo cách mạng. Năm 1960, bà kết hôn cùng ông Trần Ân. Năm sau, ông bà có con gái đầu lòng. Cũng thời gian đó, cha bà vào Nam, công tác tại quê hương Bình Định. Đến năm 1962, gia đình bà cùng nhiều gia đình khác bị đưa lên Gia Lai lập Dinh điền Nhơn Thọ (nay thuộc huyện Mang Yang). Từ đây, ông bà đã bắt được liên lạc với cách mạng qua Đội công tác khu 9 (Pleiku).
Năm 1964, khi đứa con trai vừa tròn 1 tuổi, theo yêu cầu của trên, ông Ân vào công tác tại Huyện ủy huyện 6, bà tiếp tục ở lại dinh điền làm cơ sở. Một ngày cuối tháng 1-1966, theo hẹn, bà gửi con rồi đi gặp anh em trong căn cứ ra. Hôm ấy, vì có một cuộc đụng độ giữa trinh sát ta và thám báo địch, chúng nghi dân dinh điền móc nối với bên ngoài nên đã đàn áp bà con. Đó cũng là ngày bà Năm bị thất lạc đứa con trai của mình. Biết hoàn cảnh, lãnh đạo Huyện ủy cho phép bà ở lại cơ quan huyện 6 hoạt động. Tháng 7-1967, bà cùng đồng đội theo chân ông Ân đi cơ sở. Nhóm bị phục kích, ông Ân hy sinh.
Bà Phạm Thị Năm và tác giả bài viết. Ảnh: Q.C
Bà Phạm Thị Năm và tác giả bài viết. Ảnh: Q.C
Mất con, mất chồng, đau thương chồng chất nhưng nhờ có sự động viên của đồng chí, đồng đội, bà Năm dần nguôi ngoai. Bà Năm hồi nhớ: Những ngày cuối năm 1967 Âm lịch, không khí ở căn cứ huyện 6 rất khẩn trương. Theo kế hoạch, ngày mùng 1 Tết Mậu Thân, lực lượng của huyện chia thành nhiều cánh cùng tiến về Pleiku. Do chênh lệch lớn về nhiều mặt nên quân ta dù đã gây cho địch nhiều tổn thất, đành rút về căn cứ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với đoàn biểu tình trên 1.000 người của ngày hôm đó, sáng mùng 4 Tết (ngày 3-2-1968), Bí thư Huyện ủy Võ Tiệu tiếp tục tập hợp 2 trung đội địa phương, một số cán bộ dân chính và dân quân, du kích xã đột nhập ấp Brêl Dôr. Tham gia đội hình này, bà Năm tận mắt chứng kiến cảnh quân địch bỏ chạy, cảnh ta làm chủ ấp, thu chiến lợi phẩm rồi tập hợp quần chúng tuyên truyền chính sách. Sau đó, địch ở quận Lệ Trung phản kích, ta phục tiêu diệt một số tên, rồi chủ động rút lui. Bên ta, gần 10 người hy sinh, Bí thư Võ Tiệu và một số đồng đội bị địch bắt, trong đó có bà.
Từ đây, cuộc đời bà Năm bước sang một giai đoạn cam go, ác liệt hơn. Bà đã trải qua các trại giam: Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa tại Pleiku, Phú Tài (Quy Nhơn) và Cần Thơ. Là người được kết nạp Đảng trong tù năm 1969, bà vẫn nhớ như in từng dòng lý lịch đã học thuộc lòng và những lời tuyên thệ. Bà nhớ lại: “Chị Ửng (Phù Mỹ), chị Hoa (Bình Khê) đều là những tấm gương sáng trong tù. Chị Liên (Đồng Nai) đã vượt ngục thành công trở về hoạt động. Cũng có người không may như chị Ngọc, vượt đến hàng rào thứ 9 thì bị lính canh bắn... Còn chuyện sinh hoạt trong tù thì ở đâu cũng khắc nghiệt”. 
Nghe tôi nhắc đến ông Võ Tiệu, người lãnh đạo cao nhất ở huyện 6 năm 1968, người bị bắt cùng ngày, được trả tự do cùng năm 1973 và trở thành chồng bà từ năm 1977, bà Năm lặng đi hồi lâu. Nước mắt bỗng chảy trên gương mặt bà... Sau một hồi im lặng, bà Năm nói trong nỗi xúc động: “Cuộc đấu tranh này là vậy. Không có hy sinh mất mát của những người đi trước, sẽ không có ngày hôm nay. Và, vợ chồng tôi may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội, khi đều bình yên trở về sau cuộc chiến, có những tháng ngày sinh sống trong độc lập, hòa bình”.
NGUYỄN QUANG TUỆ 

Có thể bạn quan tâm