Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Cô giáo dành tuổi thanh xuân gieo chữ ở vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hơn 5 năm qua, dù trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả nhưng cô giáo trẻ Trà Thị Thu vẫn từng ngày miệt mài gieo con chữ, chăm sóc tận tình cho các em nhỏ đồng bào Ca-dong tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và bằng cả một tình yêu vô tận.

 

Cô giáo Trà Thị Thu và các em nhỏ vùng cao. Ảnh: NVCC
Cô giáo Trà Thị Thu và các em nhỏ vùng cao. Ảnh: NVCC



“Không có việc gì khó...”

Vào đầu năm học 2019-2020, hình ảnh về một buổi lễ khai giảng đơn sơ, mộc mạc nhưng ngập tràn tình yêu thương giữa cô và trò trên vùng cao từng khiến không ít người xúc động. Người giáo viên trong bức ảnh đó là cô gái trẻ Trà Thị Thu tại điểm trường Tăk Pổ (thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và trường Mẫu giáo Phong Lan, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Cô giáo Trà Thị Thu từng theo học lớp Sư phạm Tiểu học, trường Đại học Quảng Nam. Năm 2014, sau khi ra trường, cô giáo Thu tình nguyện nộp hồ sơ lên miền núi huyện Nam Trà My, cách nhà khoảng 120km để dạy học cho các em nhỏ đồng bào dân tộc Ca-dong. Đối với cô giáo trẻ lúc bấy giờ, nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề không thôi thúc giục cô mang con chữ đến với những em nhỏ vùng cao. Thế nhưng, khi chưa đến trường học, cô Thu không nghĩ được rằng bà con trên này lại khó khăn đến như vậy, và cái khó hơn là con đường đến trường. Với nhiều trò, đường đi bộ tới điểm trường học khoảng 3-4 giờ...

Chia sẻ với Lao Động, cô giáo Trà Thị Thu cho biết, điểm trường đầu tiên mà cô đến dạy là điểm trường Tâk Pổ thuộc trường Mẫu giáo Phong Lan. Đường dốc, cô phải vượt suối đi bộ 3 giờ đồng hồ. Lúc đó mệt muốn rã người, nhưng miệng cô vẫn nói câu “không có việc gì khó...” và tiếp tục đi. Khi lên tới trường, các em nhỏ đứng quanh nhà nhìn cô giáo với ánh mắt lạ lẫm nhưng đầy trìu mến khiến cô Thu không khỏi xúc động.

Càng xúc động hơn khi cô giáo Trà Thị Thu đến thăm nhà của các em. Đó chỉ là những ngôi nhà tranh vách nứa xập xệ, thể hiện rõ cuộc sống khó khăn nơi đây. Đặc biệt, trường học ở đây quá sức tưởng tượng với cô giáo trẻ, khi chứng kiến lớp học làm bằng tre, nứa, nền đất, nắng thì chiếu vào, mưa thì ướt đẫm khiến cô giáo Trà Thị Thu không kìm được nước mắt.

Mỗi ngày đều là ngày 20.11

Thế rồi, bằng lòng thương vô tận và trách nhiệm của một người giáo viên, cô giáo Thu quyết tâm bám bản để gieo chữ tới các em nhỏ nơi đây. Hơn 5 năm qua, dù biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ đường nhưng cô giáo Thu vẫn tận tình ngày đêm dạy học, chăm sóc cho các em.

Đối với các em nhỏ đồng bảo Ca-dong, việc học chữ là một điều khá mới mẻ. Hơn nữa, các em nhỏ không thông thạo tiếng phổ thông nên việc tiếp cận với các em để truyền tải kiến thức là một điều không dễ dàng gì. Thế nhưng, bằng sự tận tình, cô giáo Thu đã giúp các em dần làm quen với những con chữ và có thêm động lực để cố gắng học tập.

Ngoài thời gian lên lớp dạy học, cô giáo Thu còn vào nhà dân trong làng để hỏi han, giúp đỡ mọi người những công việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Cô giáo Thu tâm sự: “Mọi người thường hỏi tôi có buồn không? Buồn chứ! Khi bắt đầu lên Tâk Pổ dạy học, tôi chỉ 20-21 tuổi, còn rất trẻ. Tối đến, tôi vẫn khóc, rồi vẫn ước mơ gì đó... Nhưng dần dần, sự yêu thương của bà con, của học sinh dành cho tôi càng nhiều. Mỗi bữa, họ đem cho tôi nắm rau, bắt ốc về cho, hay những bó củi. Họ xem tôi như người nhà. Chính sự yêu thương, gần gũi ấy và sự vất vả, khó khăn của họ, những tiếng đọc ê.. a.. của học sinh đã dấy lên trong lòng tôi rằng không được bỏ cuộc và phải làm gì đó để giúp đỡ những con người ở miền núi Nam Trà My này”.

Cô giáo Trà Thị Thu cũng cho biết thêm, học trò nơi đây chẳng có gì ngoài tình cảm dành cho cô. Mỗi ngày, học trò đem rau, mía, sắn, khoai... tới cho cô giáo. Những hành động đầy ắp tình cảm của các em nhỏ khiến cô giáo Thu cảm thấy như ngày nào cũng là ngày 20.11.

“Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc về những điều đó. Những giá trị tinh thần không có gì sánh bằng” - cô giáo Thu nói.

Câu chuyện đẹp về cô trò Tăk Pổ đã làm xúc động nhiều người. Tháng 9.2019, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch huyện Nam Trà My - đã lội bộ hàng giờ đồng hồ để đến điểm trường này thăm cô trò và tặng Bằng khen đột xuất cho cô giáo Trà Thị Thu.

 

https://laodong.vn/nguoi-viet-tu-te/co-giao-danh-tuoi-thanh-xuan-gieo-chu-o-vung-cao-813824.ldo

Theo Mai Hương (LĐO)

Có thể bạn quan tâm