Thời sự - Bình luận

Cơ hội cho xuất khẩu trái cây đặc sản Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lễ hội Trái cây Việt Nam lần thứ nhất ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã khép lại sau 2 ngày (29 và 30-9) diễn ra sôi nổi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Với chủ đề “Trái cây Việt Nam-Bốn mùa thơm ngon”, sự kiện đã góp phần quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam, mở ra cơ hội để trái cây đặc sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Lễ hội khép lại cũng là lúc cơ hội và tiềm năng của thị trường 1,4 tỷ dân được mở ra cho trái cây Việt Nam. Những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp 2 nước bên lề kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc bước đầu đã định hình những nhận thức chung về tương lai cho ngành hàng tiềm năng này.

Tổng giám đốc một công ty được xem là “Vua chuối” ở chợ đầu mối Tân Phát Địa cho biết: Hiện nay, chuối của Việt Nam chiếm khoảng 30% lượng hàng nhập của công ty, Campuchia tầm 40%, còn lại là hàng nội địa. Qua hội nghị giao thương tổ chức bên lề lễ hội, doanh nghiệp của ông dự định nâng lượng nhập khẩu chuối của Việt Nam lên 50-60%.

Còn theo lãnh đạo một công ty chuyên kinh doanh sầu riêng ở Bắc Kinh thì nhu cầu sản phẩm này của thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Người dân nhiều thành phố cấp 3, cấp 4 vẫn chưa có cơ hội được ăn sầu riêng. Do vậy, lượng nhập khẩu loại trái cây này có thể tăng tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trong tương lai. Đặc biệt là sầu riêng đông lạnh.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 493.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, với trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%.

Cùng với nỗ lực xúc tiến, quảng bá lâu nay, lễ hội trái cây Việt Nam lần này kỳ vọng sẽ mang lại cho trái cây Việt Nam cơ hội gia tăng thị phần tại Trung Quốc, khi họ chi khoảng 20 tỷ USD để nhập khẩu mỗi năm. Trong khi đó, mặt hàng trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào nước này hiện chỉ chiếm hơn 10% thị phần.

Người Trung Quốc, đặc biệt là người Bắc Kinh không ngại chi tiền mua hàng đắt, mà chỉ sợ hàng không tốt. Do đó, không chỉ tìm mọi cách để đưa hàng sang Trung Quốc, mà doanh nghiệp Việt phải biết chinh phục thị trường bằng sản phẩm chất lượng và an toàn. Khi Trung Quốc đã là thị trường khó tính thì cách duy nhất để chinh phục thị trường, làm ăn bền vững với họ là phải nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu.

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa và là thiên đường của các loại trái cây nhiệt đới. Nhiều vùng cây ăn quả trù phú, trải dọc đất nước từ miền Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Với sản lượng 12-14 triệu tấn/năm, trái cây Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 3,5 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh các mặt hàng trái cây tươi, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây chế biến như: trái cây sấy khô, mứt hoa quả, rau củ quả nghiền, nước ép hoa quả…

Xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch khoảng 4,5-5 tỷ USD trong năm nay. Riêng mặt hàng sầu riêng, tính đến hết tháng 9 đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, dự kiến có thể hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024. Cùng với đó là chuối, măng cụt và dừa tươi-những mặt hàng tiềm năng sẽ nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho đất nước.

Đặc biệt là sau khi các thỏa thuận được ký kết giữa 2 nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8 vừa rồi. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này, tích cực tìm hiểu thị trường, tổ chức sản xuất bài bản để trái cây và sản phẩm từ trái cây của Việt Nam chinh phục thành công, thâm nhập sâu và tiến tới chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này.

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm