(GLO)- Theo Giáo sư-Viện sĩ Đào Trọng Thi-nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, mô hình trường chuyên, lớp chọn ở nước ta xuất phát từ lớp Toán đặc biệt của Đại học Tổng hợp Hà Nội, phát triển theo mô hình của Đại học Lomonosov (Nga). Sau đó, thấy việc đào tạo học sinh chuyên Toán có hiệu quả với nhiều thành tích học sinh giỏi quốc tế nên nước ta mới mở rộng sang các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học và cả các môn khoa học xã hội…
Tiếp đó, các địa phương cũng mở các trường chuyên, lớp chọn. Đến khi có Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) quy định hạn chế trường chuyên thì mỗi tỉnh thành chỉ còn 1 trường chuyên THPT, trừ một số thành phố lớn có thể xem xét cho mở thêm trường chuyên khi có nhu cầu.
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là có nên duy trì các lớp chọn ở bậc THCS và Tiểu học? (ảnh nguồn internet) |
Cần khẳng định rằng, trường chuyên, lớp chọn ban đầu ra đời là nhằm mục đích phát hiện và đào tạo nhân tài cho đất nước. Việc dạy và học ở các trường chuyên, lớp chọn nhiều năm qua đã đóng góp cho ngành Giáo dục và Đào tạo những dấu son đáng kể trên trường quốc tế cũng như trong nước với nhiều học sinh giỏi, trong đó đa số các em thành công trên con đường học tập và trên trường đời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục với nhiều biến động qua các lần cải cách cùng với bệnh thành tích lây lan chưa có điểm dừng, một số trường chuyên, lớp chọn cũng có biểu hiện chạy theo thành tích, làm biến dạng mục tiêu đề ra ban đầu.
Chính vì trường chuyên được đầu tư thỏa đáng hơn, như cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học, chọn lọc thầy-cô giáo giỏi và tất nhiên là môi trường giáo dục cũng tốt hơn các trường đại trà nên thu hút một lượng đáng kể học sinh vào học. Từ chỗ cung không đáp ứng được cầu nên hàng năm việc thi cử vào các trường chuyên gây ra những áp lực và căng thẳng cho cả phía nhà trường và phụ huynh. Vì vậy, một số trường chuyên ở địa phương phải mở thêm lớp đại trà thuộc đơn vị mình để giải quyết tình trạng khủng hoảng thừa.
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là có nên duy trì các lớp chọn ở bậc THCS và Tiểu học? Căn cứ vào nghị quyết của Đảng và văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bậc học Tiểu học và THCS không được mở trường chuyên, lớp chọn. Tuy nhiên, trong thực tế, một số thành phố lớn đã “lách” quy định để tổ chức các lớp chọn từ lớp 6 trở lên trong trường chuyên THPT nhằm bổ sung nguồn cho học sinh chuyên các khối. Ví dụ, đợt tuyển sinh vào lớp 6 của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) năm học 2018-2019 khá căng thẳng và tỷ lệ chọi khá cao (1/7). Đồng thời, nhiều trường THCS ở các địa phương đều có lớp chọn ở các khối và các môn như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ… thu hút hầu hết học sinh có học lực khá-giỏi.
Việc chọn lựa những học sinh học giỏi, có năng khiếu vượt trội để tách thành lớp riêng vừa dạy học theo chương trình chung vừa bồi dưỡng nâng cao, tạo điều kiện cho các em phát huy đến đỉnh cao năng lực của mình là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, về phương pháp giáo dục đại trà thì chưa hoàn hảo vì một lớp học thường có 3 đối tượng học sinh: khá-giỏi, trung bình, yếu-kém và các em tự học hỏi lẫn nhau, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhau để cùng tiến bộ. “Học thầy không tày học bạn” là vậy! Các nước có nền giáo dục tiên tiến thường chỉ có trường phổ thông đại trà bình đẳng cho các đối tượng học sinh. Tuy nhiên, họ rất chú trọng đến việc phát triển tối đa năng lực của học sinh, kể cả các môn khoa học cơ bản cũng như các môn năng khiếu. Với thực tế ở nước ta hiện tại cũng chỉ nên duy trì các trường chuyên bậc THPT, không cần thiết tổ chức các lớp chọn ở bậc Tiểu học đến THCS nhằm tạo sự ổn định trong hoạt động dạy và học.
Hoàng Linh Việt