(GLO)- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng quan tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác dân vận gắn với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Qua đó, nhận thức của hệ thống chính trị, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về công tác dân vận đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt qua 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã gắn công tác dân vận với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Kết quả tích cực từ cơ sở
Theo ông Đỗ Văn Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó (huyện Ia Pa): Kết quả thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW được phản ánh rõ nét qua công tác dân vận xây dựng làng nông thôn mới (NTM) tại địa phương. Năm 2018, thực hiện chủ trương xây dựng làng NTM Bi Giông, nơi có hơn 70% dân số là người Bahnar, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 66%, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vận động 44 hộ dân di dời nhà ở, bố trí lại dân cư. Nhờ đó, bộ mặt làng Bi Giông thay đổi rõ nét, nhà ở, hàng rào, cổng ngõ khang trang; trường học, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng, chỉnh trang; tất cả các hộ dân được sử dụng nước sạch. Phát huy kết quả này, năm 2019, xã tiếp tục vận động di dời, sắp xếp lại 54 hộ dân làng Bi Gia. “Thực tế cho thấy, triển khai công tác dân vận xây dựng làng NTM là việc hết sức quan trọng, nhân tố tiên quyết cho sự thành công, tạo được sự đồng thuận cao, đoàn kết trong nhân dân, góp phần xây dựng xã ngày càng phát triển”-ông Hùng khẳng định.
Lực lượng vũ trang giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà. Ảnh: M.N |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thùy Trang-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul (huyện Ia Pa) khẳng định: Trước đây, xã có đến hơn 60% hộ nghèo. Nhưng đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 5,31%. Đặc biệt, Ia Tul là xã đầu tiên của huyện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Điều này cho thấy, Quyết định số 290-QĐ/TW đã tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, thành công của công tác dân vận là việc vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất; cải tạo vườn tạp trồng chanh không hạt, cây đinh lăng, điều cao sản, tham gia cánh đồng lớn trồng mì; nuôi heo đen, dê Bách Thảo... góp phần nâng cao thu nhập, kéo giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.
Với xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa), do có sự phối hợp tốt giữa chính quyền với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nên các chỉ tiêu, nhiệm vụ luôn đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Bà Phạm Thị Vân-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã-cho hay: Đảng ủy chỉ đạo thành lập tổ dân vận tại các thôn, làng, duy trì thường xuyên việc giao ban hàng tháng của khối dân vận. Nhờ đó, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của người dân ở cơ sở được nắm bắt kịp thời, giải quyết thỏa đáng. “Việc dựa vào sức dân, lấy dân làm gốc đã huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Theo Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Ia Rbol phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, nhờ kết quả từ các mô hình “Dân vận khéo”, địa phương đã về đích NTM trước thời hạn 2 năm”-bà Vân phấn khởi cho hay.
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận
Công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể mà mỗi cán bộ đảng viên phải làm công tác dân vận. Ảnh: M.N |
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, Bí thư Thị ủy Ayun Pa Thái Thanh Bình khẳng định: Hầu hết cán bộ, đảng viên đều ý thức được công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quan tâm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Định kỳ hàng quý, Thường trực Thị ủy tổ chức giao ban với lãnh đạo Ban Dân vận Thị ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội để lắng nghe thông tin phản ánh, tâm tư nguyện vọng cũng như những kiến nghị, đề xuất của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên nhằm định hướng, chỉ đạo kịp thời. Cấp ủy các cấp từ thị xã đến cơ sở đã đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; vị trí, vai trò công tác dân vận trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh, chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Nhờ đó, nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, từ 19,71% (năm 2015) giảm còn 7,04% (cuối năm 2019); bước đầu thực hiện có hiệu quả mô hình xây dựng làng NTM, mô hình nông hội.
Kết quả công tác dân vận được phản ánh rõ nét qua việc vận động người dân tham gia xây dựng làng nông thôn mới của địa phương. Ảnh: M.N |
|
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Người đứng đầu một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác này nên hiệu quả mang lại chưa cao. Công tác dân vận chính quyền tuy được tăng cường song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong triển khai công tác dân vận chưa thực sự đồng bộ. Ngoài ra, theo Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó, một số cán bộ, công chức chưa thường xuyên bám sát địa bàn, hiểu hết hạn chế về văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số và không biết nói tiếng địa phương nên rất khó làm công tác dân vận; năng lực chuyên môn, kỹ năng làm công tác dân vận còn nhiều hạn chế.
Bàn về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian đến, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng cho rằng, để việc thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế dân vận của hệ thống chính trị; coi công tác dân vận là việc làm thường xuyên, liên tục gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt chủ trương “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, mô hình nông hội…
MINH NGUYỄN