(GLO)- Một cuộc họp mặt đong đầy cảm xúc giữa các nữ cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai vừa diễn ra tại TP. Pleiku. Sự có mặt của thế hệ phụ nữ thời kỳ “vừa giã gạo, vừa nuôi bộ đội” là minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong các thời kỳ kháng chiến, tiếp tục truyền cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, cống hiến dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thường trực lòng yêu nước
Ở tuổi 84, mỗi bước đi càng trở nên chậm chạp bởi bệnh đau khớp nhưng niềm vui cùng sự xúc động luôn ánh lên trong đôi mắt nữ cựu tù Phạm Thị Năm (hiện sinh sống tại TP. Pleiku). Bà nghẹn lời khi nhắc về những năm tháng đau thương mà cũng đầy tự hào của biết bao phụ nữ trong chiến tranh: “Những ngày lao tù gian khổ nói không bao giờ hết, nhưng chúng tôi ngồi đây đều tự hào vì trong nghịch cảnh vẫn luôn giữ được sự trung kiên với Đảng, cách mạng, làm tròn trách nhiệm của một người cộng sản. Gặp lại các chị em, tôi vô cùng xúc động. Càng xúc động hơn khi Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm cho lực lượng bị địch bắt tù đày, trong đó có chị em phụ nữ”.
Bà Năm sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Bà là một trong những nữ tù chính trị vinh dự được kết nạp vào Đảng trong thời gian lao tù, minh chứng cho tinh thần bất khuất của người cộng sản, dù trong mọi hoàn cảnh vẫn ngẩng cao đầu chiến đấu, tin tưởng tuyệt đối vào ngày toàn thắng. “Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, niềm vui nhân lên khi tôi chứng kiến đất nước ngày càng giàu đẹp, kinh tế-xã hội không ngừng phát triển. Tôi mong muốn lớp trẻ hãy sống có khát vọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đó cũng là cách bảo vệ đất nước trong hòa bình”-bà Năm nói.
81 nữ cựu tù chính trị tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các sở, ngành trong ngày họp mặt. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Là nữ “Dũng sĩ diệt Mỹ”, bà Puih Ích (huyện Chư Prông) không ít lần thoát khỏi vòng vây kẻ thù nhờ sự mưu trí, dũng cảm. Bà kể, có lần trên đường làm nhiệm vụ, bà bị toán lĩnh Mỹ chặn lại. Rất nhanh trí, bà nói mình là một người hát rong, mang niềm vui tới cho mọi người ở các buôn làng. “Khi lính Mỹ yêu cầu hát cho chúng nghe, mình hát liền chứ đâu có sợ. Mình hát tiếng Jrai chúng không hiểu nhưng rồi thoát được lần đó”-bà Ích hồi nhớ.
Nhưng người nữ chiến sĩ cách mạng ấy cũng không tránh khỏi xiềng xích của kẻ thù. Năm tháng trong chốn lao tù càng khiến những người như bà khao khát tự do và đoàn kết nhau lại, quyết tâm đấu tranh với một niềm tin tưởng mãnh liệt vào ngày toàn thắng. Nữ cựu tù người Jrai cho rằng, tình yêu nước luôn thường trực trong tim mỗi người. Đó chính là thứ tình cảm thôi thúc để dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người đều tìm thấy cho mình con đường đấu tranh. Bà chia sẻ: “Trong chiến tranh, có giặc đến là phải đánh. Khi đất nước hòa bình, mình cần làm những việc phù hợp để xây dựng quê hương. Bản thân mình là nữ cựu tù thì phải nêu gương sáng cho con cháu. Mình luôn vận động con cháu, người thân phải giữ đất để làm nông nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, làm sao địa phương không còn hộ nghèo”.
Tri ân những người tù cách mạng
Bà Rơ Chăm H'Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cũng là chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Bà cho rằng các nữ cựu tù không chỉ có nhiều đóng góp trong thời kỳ chiến tranh, nhiều người còn tham gia công tác phụ nữ và nhiều lĩnh vực khác khi hòa bình lập lại. “Đây là lần đầu tiên các nữ cựu tù hội ngộ sau gần 50 năm đất nước thống nhất. Các chị đều tuổi cao, sức yếu, người nhiều tuổi nhất đã 86 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 65. Toàn tỉnh hiện có 864 nữ cựu tù. Mới hôm qua, chúng tôi vừa tiễn đưa một người đồng chí, đồng đội của mình đi xa. Nói như vậy để thấy, nếu chậm trễ, các chị, các dì sẽ không còn ở lâu bên chúng ta. Tôi mong Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi cùng các hội, đoàn thể tổ chức gặp mặt hàng năm, động viên tinh thần đội ngũ này. Nếu tập hợp được từng con người, số phận thành những câu chuyện, bài viết thì đây sẽ là nguồn tư liệu quý giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ phát huy tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ nói riêng và của những người tù chính trị yêu nước nói chung”-bà H'Yéo cho biết.
Nữ "Dũng sĩ diệt Mỹ" Puih Ích hồi tưởng những năm tháng đấu tranh trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Lắng nghe những chia sẻ của thế hệ đi trước, bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai bày tỏ sự tri ân sâu sắc các nữ cựu tù: “Chiến tranh đã lùi xa, trở về với cuộc sống bình yên thường ngày, nhiều cô, nhiều dì mang trên mình những vết thương không thể chữa lành, những nỗi đau, mất mát không có vật chất nào có thể bù đắp. Nhưng các cô, các dì vẫn tiếp tục là những công dân gương mẫu, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước. Sự hy sinh to lớn ấy không chỉ tô thắm truyền thống anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam mà còn truyền lửa cho thế hệ trẻ, nhất là các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Kế thừa mạnh mẽ truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của các thế hệ đi trước, phong trào phụ nữ tỉnh không ngừng lớn mạnh, vị thế, vai trò của tổ chức Hội càng được khẳng định trong đời sống chính trị-xã hội của tỉnh”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết, cuộc họp mặt các nữ cựu tù diễn ra trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1932-20/10/2022) và 77 năm Ngày thành lập Hội LHPN tỉnh (27/10/1945-27/10/2022) nên càng có ý nghĩa đặc biệt. “Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Gia Lai phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, hội nhập trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ có nhiều phong trào, hành động đột phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh.
HOÀNG NGỌC