Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Cựu chiến binh Đinh Sêk tận tụy với cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã 75 tuổi nhưng cựu chiến binh Đinh Sêk (làng Đak Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) vẫn nhiệt tình đóng góp công sức cho sự phát triển của cộng đồng.

Dũng cảm trong chiến đấu

Tôi gặp ông Đinh Sêk tại buổi tặng quà tri ân nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) do Chi Đoàn Báo Gia Lai phối hợp với một số Đoàn cơ sở trong tỉnh tổ chức tại xã Đak Trôi. Dù tuổi đã cao nhưng ông rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Trò chuyện với ông, tôi càng khâm phục ý chí của một đảng viên Đảng Cộng sản đã không ngần ngại vất vả, hiểm nguy xông pha chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc cũng như đóng góp cho sự phát triển của địa phương.


Sinh ra và lớn lên trong cảnh quê hương bị tàn phá dưới gót giày của bọn xâm lược, từ nhỏ, ông Sêk đã nung nấu ý chí tham gia cách mạng. Năm 20 tuổi, vì căm tức giặc Mỹ liên tục càn quét, đốt nhà cửa, vườn tược, bắt bớ, giết hại dân làng, ông đã xin tham gia lực lượng dân quân du kích. Với vai trò là Đội trưởng Đội dân quân du kích, hàng ngày, ông bí mật cùng với thanh niên trong làng vót chông cắm dọc đường đi để ngăn cản quân địch vào làng. Cuối năm 1967, với sự mưu trí, dũng cảm của mình, ông được điều về tham gia lực lượng của Huyện đội Khu 6. Trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông đã không ngần ngại xông pha cùng với lực lượng vũ trang để đánh phá các ấp chiến lược đóng tại các xã bên kia sông Ayun.

 Ông Đinh Sêk (bìa trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tham gia kháng chiến. Ảnh: Nhật Hào
Ông Đinh Sêk (bìa trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tham gia kháng chiến. Ảnh: Nhật Hào


Cho đến giờ, ông Sêk không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh nhưng trận phá các ấp chiến lược tại xã Bờ Ngoong, huyện Mang Yang cũ (nay là xã Bar Maih, huyện Chư Sê) vào tháng 7-1973 khiến ông nhớ nhất. “Sau 2 ngày giao tranh, bộ đội của ta đã giải phóng được dân làng thoát khỏi các ấp chiến lược một cách an toàn. Dù vậy, quân ta bị thương nhiều, một số đồng đội không qua khỏi”-ông Sêk ngậm ngùi kể.

Sau trận đánh này, ông Sêk tiếp tục tham gia phá ấp chiến lược tại các xã thuộc huyện Chư Sê hiện nay. Đồng thời, ông vận động gia đình và người dân tăng gia sản xuất để đóng góp lương thực phục vụ kháng chiến. Đến cuối năm 1974, ông xuất ngũ và tiếp tục tham gia dân quân du kích cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. “Điều tôi tự hào nhất là được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Kể từ đó, cái chết với tôi không còn quan trọng nữa. Tôi luôn động viên mình và đồng đội phải chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình yên của dân làng”-ông Sêk bộc bạch.

Hết mình vì cộng đồng

Chiến tranh kết thúc, ông Sêk được bầu giữ nhiều chức vụ tại địa phương như: Xã đội trưởng, Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch UBND xã. Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, ông là người uy tín ở làng. Từ năm 2011, ông tiếp tục được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh cho đến tháng 3-2022 mới quyết định xin nghỉ.

 

Ông Jơi-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đak Trôi: Tuy tuổi cao nhưng ông Đinh Sêk vẫn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã nói chung, làng Đak Bớt nói riêng chăm lo phát triển kinh tế. Vì thế, ngoài được nhận huân chương, huy chương kháng chiến các loại, ông còn được các cấp, các ngành khen thưởng vì những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước cũng như sự phát triển của quê hương.

Theo người dân nơi đây, dù ở cương vị nào, ông Sêk cũng đều để lại dấu ấn riêng của mình. Đặc biệt, từ năm 1992 đến năm 2000 khi đang giữ chức Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã, ông Sêk đã vận động hàng trăm hộ dân của 6 làng tại các thung lũng di dời về vùng đất mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Từ chỗ chỉ trồng lúa rẫy, quanh năm cái đói đeo bám thì người dân được hỗ trợ 5 sào đất ở, trồng thêm mì, cà phê, cao su để phát triển kinh tế gia đình. Cái nghèo dần được đẩy lùi, cuộc sống cũng thuận lợi hơn; điện-đường-trường-trạm dần được nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của bà con thay đổi rõ rệt.

Đặc biệt, khi giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Đak Bớt, ông Sêk đã vận động hội viên trồng mì gây quỹ để có tiền mua bò hỗ trợ hội viên luân phiên nuôi. Tới nay, đàn bò đã phát triển lên 12 con. Bên cạnh đó, ông còn vận động hội viên triển khai mô hình “Kho thóc tình thương”. “Mới đây, do tuổi cao, ông Sêk đã xin nghỉ làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Dù vậy, các mô hình do ông triển khai đều được duy trì hiệu quả. Ông cũng thường xuyên lui tới để chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ thôn, tham gia hòa giải các mâu thuẫn, góp phần củng cố tình đoàn kết trong Nhân dân”-ông Byơng-Bí thư Chi bộ làng Đak Bớt-nhận xét.

 

NHẬT HÀO
 

 

Có thể bạn quan tâm