(GLO)- Qua 5 năm (2016-2021) thực hiện phong trào “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, toàn tỉnh có 12.322 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong số đó, nhiều hội viên đã giúp đỡ đồng chí, đồng đội vươn lên thoát nghèo.
Khát vọng vươn lên làm giàu
Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh-cho biết: Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và tinh thần năng động, sáng tạo của hội viên. Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã có 12.322 lượt hội viên CCB được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó, cấp xã có 6.118 lượt, cấp huyện có 4.360 lượt, cấp tỉnh có 1.656 lượt và cấp trung ương có 188 lượt. Đặc biệt, nhiều hội viên đi đầu khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Toàn tỉnh hiện có 5.394 trang trại, gia trại do CCB làm chủ.
Năm 2017, CCB Đặng Thanh Vân (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) chuyển đổi gần 3 ha đất sản xuất sang mô hình VAC. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng 1.000 cây ăn quả. Dựa vào điều kiện tự nhiên, ông đắp đập, đào 6.000 m2 ao để nuôi cá; làm chuồng nuôi gà với quy mô hơn 8.000 con. Sau 4 năm, trang trại của gia đình ông đã mang lại nguồn thu ổn định gần 1 tỷ đồng/năm và trở thành điểm đến của nhiều khách tham quan, học tập. Ông cho hay: “Quy trình trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả của gia đình tôi an toàn, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích. Vì vậy, khách tham quan rất thích. Họ có thể hái trái chín trên cây và thưởng thức ngay tại vườn trước khi mua về làm quà”.
Bà Ayun H'Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Phương Dung |
Tương tự, sau khi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều nơi, CCB Đinh Chôi (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang) đã chuyển 2 ha đất trồng mì, bắp sang cây mía thâm canh. “Từ cách làm đất, chọn giống mía, chăm sóc, bón phân, thu hoạch… mình đều áp dụng đúng quy trình. Nhờ đó, cây mía cho năng suất hơn 90 tấn/ha”-ông Chôi phấn khởi. Ông còn mua 2 xe tải để vận chuyển mía cho người dân trong vùng. Năm 2018, ông Chôi đứng ra vận động 23 hộ dân, trong đó có 13 hộ CCB tham gia mô hình cánh đồng lớn chuyên canh cây mía với diện tích hơn 60 ha. “Từ khi tham gia mô hình, người dân không còn bị thương lái ép giá vận chuyển, góp phần nâng cao thu nhập. Nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố, mua sắm được ô tô và nhiều vật dụng đắt tiền khác”-ông Chôi nói.
Phát huy tinh thần đoàn kết
Theo ông Nay Hứ, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” lan tỏa sâu rộng, góp phần tăng tỷ lệ hộ khá và giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, trong 5 năm (2016-2021), tỷ lệ hộ hội viên nghèo toàn tỉnh giảm 6,78%; tỷ lệ hộ khá và giàu tăng từ 32,56% (năm 2016) lên 36,38% (năm 2021). Nghĩa tình đồng chí, đồng đội ngày càng được phát huy, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các cấp Hội luôn được củng cố.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Đức Chiến-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Vê (huyện Chư Prông) thông tin: Hội duy trì và phát huy có hiệu quả mô hình kết nghĩa giữa chi hội người Kinh với chi hội người dân tộc thiểu số; hộ người Kinh với hộ dân tộc thiểu số để giúp nhau thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Mỗi năm, Câu lạc bộ “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” của xã tổ chức 4-5 đợt xuống từng làng, đến từng nhà hội viên để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, số hộ hội viên nghèo giảm từ 21,79% năm 2016 xuống còn 6,46% năm 2021.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Đô (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã vận động 12 hội viên thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi. Ảnh: Phương Dung |
Một số hội viên đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên doanh liên kết. Điển hình như CCB Nguyễn Duy Đô (làng Kóp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã đứng ra vận động 12 hội viên thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi với diện tích 9 ha. Năm 2019, ông tiếp tục xây dựng Tổ liên kết chuỗi giá trị nông sản với Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang với 20 thành viên tham gia. Đến nay, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã được chứng nhận VietGAP và được tiêu thụ trong chuỗi Siêu thị Co.op Mart.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Rơ Chăm La Ni nhìn nhận: Những con số ấn tượng về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm trong thời gian qua phản ánh tinh thần vượt khó vươn lên của hội viên CCB. Phong trào đã trở thành động lực quan trọng, góp phần xây dựng Hội vững mạnh và tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
PHƯƠNG DUNG