(GLO)- Từng được bình xét là hộ nghèo song cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối-Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã chối từ chẳng chút do dự. Đổi lại, ông không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Sau gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, đến nay, ông đã có trong tay một trang trại rộng 20 ha với đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng.
Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ
Ông Khởi sinh năm 1956 trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng quê Lý Nhân-Hà Nam. Tháng 2-1974, ông xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia đánh giặc ở chiến trường miền Nam. Hơn 1 năm sau ngày giải phóng, ông Khởi rời quân ngũ trở lại quê nhà, lập gia đình và gắn bó với ruộng vườn. Vì thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của vợ chồng ông gặp không ít khó khăn. Trong một lần vào xã Yang Bắc thăm người em vợ, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế nơi vùng đất này, ông Khởi đã quyết định đưa cả gia đình cùng vào đây sinh sống, lập nghiệp. “Lúc đầu cũng vất vả lắm. Cả gia đình 6 người cùng sống trong một căn nhà chật hẹp chỉ vỏn vẹn 25 m2, hàng ngày làm thuê làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống. Chính quyền địa phương thấy khổ quá nên bình xét vào diện hộ nghèo nhưng tôi từ chối không nhận. Tôi luôn tự nhủ mình phải quyết tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất này”-ông Khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Khởi chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: M.T |
Vốn có kinh nghiệm trồng cây ăn quả, vợ chồng ông Khởi mua lại 7 sào đất của một người dân địa phương với giá 15 triệu đồng, trên đó có 100 cây nhãn lồng mới vừa trồng vài tháng. Tiếp đó, ông xuống giống thêm một số loại cây khác như: vải thiều, đu đủ, chuối xen vào vườn nhãn để lấy ngắn nuôi dài. Khi vườn nhãn cho quả cũng là lúc vợ chồng ông bắt đầu đỡ chật vật hơn. Cứ thu hoạch xong, tích góp được phần nào là ông lại mua thêm đất, đào ao và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Đến nay, gia đình đã có gần 20 ha đất sản xuất được đầu tư theo mô hình trang trại: vườn-ao-chuồng-rừng. Ông Khởi cho hay: Khu vực này đất lởm chởm đá nên muốn trồng cây được, vợ chồng ông phải cật lực cải tạo đất, gom nhặt đá bỏ đi và đổ xuống gần 1.000 tấn phân bùn. Trước kia, ông cũng trồng mía, mì nhưng không hiệu quả nên quyết định chuyển hẳn sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Đến nay, ông có khoảng 400 cây nhãn; 2.000 cây na dai, na Thái và ổi; 300 cây bơ booth; 50 cây dừa xiêm lùn; 4 ha chuối tiêu hồng và 13 ha bạch đàn. Bên cạnh đó, ông còn đào 3 cái ao với tổng diện tích 7 sào để lấy nước tưới cho cây và thả cá; nuôi hơn 200 con vịt siêu trứng, 1.000 con gà Đông Tảo, 40 con vịt xiêm, 4 con bò… “Hiện vườn nhãn có 200 cây đang cho thu hoạch với sản lượng trên 10 tấn/năm, giá bán dao động 35-40 ngàn đồng/kg. Còn chuối tiêu hồng, trứng vịt, gà Đông Tảo thì xuất bán hàng ngày. Ngoài ra, mỗi năm tôi còn tự chiết giống và cung cấp hơn 5.000 cây nhãn cho những người có nhu cầu với giá 50 ngàn đồng/cây. Tất cả đem lại cho gia đình nguồn thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cũng lãi được hơn 1 tỷ đồng”-ông Khởi cho hay.
Ông Khởi (phải) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây nhãn lồng với các hội viên để giúp họ phát triển kinh tế. Ảnh: M.T |
Hỗ trợ hội viên cùng phát triển kinh tế
Sau 20 năm lập nghiệp nơi xứ người, ông Khởi chẳng những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ vậy, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, ông còn góp phần giải quyết việc làm cho bà con địa phương tại chỗ với trung bình 10 công lao động/ngày. Ông Võ Ngọ (thôn Hiệp Phú, xã Cư An, huyện Đak Pơ) phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng rau màu nhưng hiệu quả kinh tế thấp, giá cả rất bấp bênh. Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của anh Khởi, năm 2016, tôi chuyển đổi sang trồng 70 cây nhãn lồng trên diện tích hơn 3 sào. Hiện vườn nhãn của tôi có 30 cây đang cho trái năm đầu tiên nhưng khá sai. Khoảng giữa tháng 4 này tôi sẽ thu hoạch, dự kiến đạt khoảng 1,5 tấn. Với giá 35 ngàn đồng/kg, phần lãi sẽ cao hơn nhiều so với trồng rau. Tôi rất vui và biết ơn anh Khởi”.
Vợ và con gái ông Khởi kiểm đếm trứng vịt trước khi bán. Ảnh: M.T |
Với lợi ích kinh tế mà vườn cây mang lại, cộng với nắm bắt nhu cầu phát triển mô hình cây ăn quả ở khu vực phía Đông tỉnh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi đang xúc tiến xây dựng vườn ươm các giống cây ăn quả trên diện tích 3.000 m2, vừa phục vụ gia đình, vừa cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, ông cũng vừa trồng thêm 100 cây nhãn và 700 cây chuối tiêu hồng để mở rộng trang trại; đồng thời dự định sẽ nuôi thử nghiệm hươu lấy nhung và heo rừng trong thời gian tới.
Trò chuyện với P.V, ông Lưu Văn Thọ-Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh làng Kruối-Chai nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Khởi là tấm gương sáng trong phong trào “Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi”, được các cấp Hội biểu dương nhiều năm liền. Lúc nào ông cũng gương mẫu đi đầu, nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ hội viên, nông dân. Nhờ đó, nhiều người đã học hỏi, làm theo và từng bước thoát nghèo. Đến nay, với sự hỗ trợ của ông, 9/47 hội viên trong chi hội đã phát triển thành công vườn nhãn, sắp tới sẽ có thêm 2 hội viên nữa thử nghiệm loại cây trồng này”.
MỘC TRÀ