Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Cựu chiến binh Plei Me: Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chào mừng kỷ niệm 55 năm chiến thắng Plei Me (19/11/1965-19/11/2020), những cựu chiến binh (CCB) trực tiếp tham gia trận đánh thung lũng Ia Drăng lịch sử (thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) dự định tổ chức cuộc họp mặt để ôn lại truyền thống.
Cựu chiến binh Trung đoàn 66. Ảnh: Hoàng Cư
Cựu chiến binh Trung đoàn 66. Ảnh: Hoàng Cư
Một thời xông pha lửa đạn
Mỗi lần nghe nhắc tới Chiến dịch Plei Me, bác sĩ Hoàng Viết Hữu-nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tỉnh Gia Lai-Kon Tum lại lặng người trong giây lát như để tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng đội đã hy sinh.
Ông kể: Sau 3 tháng học tập, huấn luyện quân trường (ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) nhận lệnh tức tốc hành quân vào Tây Nguyên. Chiều tối 13-11-1965, Tiểu đoàn 9 đến đóng quân dưới chân núi Chư Prông, giáp ranh với biên giới Campuchia.
Sáng sớm 14-11-1965, đơn vị của ông bất ngờ bị pháo cối hạng nặng của địch tấn công tới tấp. Tiếp đó là lực lượng không kỵ (Lữ đoàn 3 Air Cavalry) của Mỹ dùng máy B-52 ném bom trên diện rộng. Sau đó, chúng đổ bộ xuống càn quét, bắn phá rất ác liệt.
Kế hoạch nhanh chóng được vạch ra, đơn vị áp dụng chiến thuật “vây điểm, diệt viện”. Các chiến sĩ di chuyển ra 2 phía, né tránh mục tiêu đánh phá trực diện của địch, tạo thế trận gọng kìm tập trung đánh thẳng vào 2 bên sườn, bẻ gãy liên tiếp các mũi tiến công của địch. Bị đánh trả quyết liệt và thương vong nhiều, quân địch buộc phải rút lui, chấp nhận sự thảm bại trên chiến trường.
Chia lửa với Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 7 (cùng Trung đoàn 66) đã dũng mãnh đánh trả liên tiếp các mũi tấn công của địch, đặc biệt là Sư đoàn kỵ binh bay không vận số 1 của Mỹ. Ông Bùi Văn Dớn-nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 66 tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) nhớ lại: Trong trận chiến tại thung lũng Ia Drăng (nay thuộc xã Ia Ga và Ia Mơr, huyện Chư Prông), quân ta tác chiến rất linh hoạt, khi thì tổ chức đánh trực diện, khi thì cơ động vừa chạy vừa bắn, khi thì bí mật lao thẳng vào đội hình địch đánh giáp lá cà “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Để thực hiện cách đánh dũng mãnh này, những đặc công thiện chiến của ta đã lợi dụng địa hình cây rừng rậm rạp xuất hiện bất ngờ trong đội hình của địch, nhanh chóng dùng dao găm, lưỡi lê tiêu diệt kẻ địch trong chớp mắt rồi thoát ra. Cách đánh này làm quân địch hoang mang tột độ, mất ý chiến đấu dẫn đến thất bại toàn diện.
Cựu chiến binh Bùi Văn Dớn (bìa phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Hoàng Cư
Cựu chiến binh Bùi Văn Dớn (bìa phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Hoàng Cư
Sau 3 ngày đêm chiến đấu mưu trí và quả cảm, cuối ngày 16-11-1965, quân và dân ta đã toàn thắng. Đây là chiến thắng lẫy lừng đầu tiên của quân chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên (B3), làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội Mỹ.
Ngay sau chiến thắng Plei Me, Bí thư Trung ương Cục miền Nam-Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã biểu dương tinh thần chiến đấu quyết thắng và trao tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Trung đoàn 66 và nhiều danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” cho những cá nhân có thành tích xuất sắc. Còn bác sĩ Hoàng Viết Hữu và ông Bùi Văn Dớn đều được tặng “Huy hiệu chiến sĩ thi đua quyết thắng”.
Gương mẫu xây dựng quê hương
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều CCB tham gia trận đánh Ia Drăng được Đảng, Nhà nước quan tâm đưa đi đào tạo, chuyển sang các ngành nghề dân sự, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Bác sĩ Trần Trọng Khuyên (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết: “Những người lính Ia Drăng được tôi luyện rất kỹ về bộ binh. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều anh em được chuyển ngành hoặc xuất ngũ trở về xây dựng quê hương. Tôi được đi học tập, trở thành bác sĩ và công tác cho đến năm 1994 thì nghỉ hưu theo chế độ. Tuy đã nghỉ hưu nhưng thường ngày, tôi vẫn tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho bà con. Tôi thật sự tự hào về những việc đã làm, nhất là quãng thời gian cầm súng chiến đấu ở Chư Prông”.
Trò chuyện với chúng tôi, CCB Trịnh Xuân Thu-Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 66 tại tỉnh Thanh Hóa-cho hay: “Tuy tuổi đã cao nhưng các CCB vẫn gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhiều người muốn vào thăm chiến trường Ia Dăng năm xưa nhưng chưa có cơ hội”.
Còn ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh Gia Lai thì khẳng định: “Lớp CCB thời chống Pháp, chống Mỹ đặc biệt kiên trung với Đảng, với dân. Những người lính tham gia Chiến dịch Plei Me năm xưa đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng quân Mỹ có hỏa lực tối tân và công nghệ của “sức mạnh siêu cường”. Họ xứng đáng với hình ảnh và phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm