Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Cựu quân nhân "vác tù và hàng tổng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghỉ hưu năm 2017 với quân hàm Thượng tá, đến tháng 10-2018, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) Phan Mạnh Hùng được bầu giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) với số phiếu tín nhiệm cao. Từ đó đến nay, ông luôn xông xáo, trách nhiệm với công việc chung, được bà con rất quý trọng.


Ông Hùng được tín nhiệm cao có lẽ bởi tính cách vui vẻ, gần gũi cùng nụ cười thường trực, câu chào vồn vã, cách góp chuyện hóm hỉnh và thông minh. Thời gian đầu trở lại “thường dân” với ông có lẽ chẳng lấy làm trống trải, hẫng hụt vì đều đặn mỗi sớm, mỗi chiều, ông cùng bà con lối xóm đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh. Xóm có quán cà phê cóc, sáng cuối tuần, anh em thường đàn đúm bên ấm trà, ly cà phê. Còn chiều lại thì thi thoảng góp nhậu tìm vui. Những hôm ông Hùng có mặt, câu chuyện quanh bàn trở nên rôm rả. “Lối sống khép kín chỉ làm con người ta chóng già. Tuy nghỉ hưu nhưng mình còn trẻ khỏe, tội gì”-ông Hùng nói về quan điểm sống.

Ông Phan Mạnh Hùng (bên trái) nhắc nhở người dân làm vệ sinh khu phố. Ảnh: Đình Phê
Ông Phan Mạnh Hùng (bên trái) nhắc nhở người dân tham gia làm vệ sinh khu phố. Ảnh: Đình Phê

Riêng khả năng nhớ tên, địa chỉ gần như cả 289 hộ trong tổ cùng vài đặc điểm nhận diện từng gia đình cũng đủ ghi nhận ông Hùng là người có tâm với công việc. Vào dịp lễ, Tết, ông đến từng nhà nhắc bà con treo cờ Tổ quốc và tham gia làm vệ sinh khu phố. Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ông vác chiếc loa kẹo kéo khá nặng đặt ở hội trường tổ dân phố hoặc các con hẻm khu dân cư, cứ 15 phút lại phát đi nội dung tuyên truyền về sự kiện chính trị quan trọng này. Cùng với đó, việc lập danh sách cử tri, cá nhân đăng ký tiêm chủng ngừa bệnh bạch hầu, rà soát nhân khẩu từ 65 tuổi trở lên ưu tiên tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19; nắm đối tượng từ vùng dịch về địa phương để thực hiện khai báo y tế, quản lý người cách ly phòng-chống dịch tại nhà; thông báo lịch làm căn cước công dân; rà soát thanh niên độ tuổi từ 17 trở lên đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, động viên các cháu lên đường nhập ngũ… ông đều “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Mà cách đi, cách gõ để nắm bắt thông tin của ông Hùng chừng đơn giản lại hiệu quả, có lúc như tiện chân ghé nhà ai đó ngồi chơi, hỏi han tình hình hay tranh thủ thời gian tập thể dục để trao đổi, tâm tình.    

Việc không tên phát sinh dành cho người “vác tù và hàng tổng” cũng lắm. Như một tối nọ, mấy người đàn ông sống ở hẻm 267 Trần Phú ngồi đối ẩm, chợt thấy có chú chó béc giê chạy theo sau xe máy chủ nhân. Nó vừa chạy vừa hộc lên từng tiếng, há miệng đầy răng lởm chởm, thè chiếc lưỡi dài. Ngay lập tức, một người lấy điện thoại gọi ông Hùng cảnh báo hiểm họa tiềm ẩn. Thế là các tối sau đó, chú chó được rọ mõm mỗi khi ra đường.

Mặt đường hẻm 36 Nguyễn Văn Cừ, hẻm 03 Lý Thái Tổ xuống cấp nghiêm trọng, bà con họp bàn phương án sửa chữa. Cuộc họp có mời ông Hùng tham dự. Chỉ mấy câu ngắn gọn chốt ý kiến, vậy là được sự đồng thuận, triển khai thực hiện, có ngay con hẻm đẹp như mơ! Hay như những vụ tranh chấp chỉ giới xây dựng, công dân trong tổ có dấu hiệu phạm tội cần xử lý theo quy định pháp luật, ông đều có mặt với tư cách người làm chứng.

“Các con tôi đều đã trưởng thành. Sức khỏe còn tốt, lương cấp tá về hưu cũng kha khá. Vì vậy, tôi dành thời gian, công sức cho “việc làng” chứ phụ cấp tổ trưởng chẳng đủ chi phí phát sinh. Bù lại, tôi có thêm niềm vui từ công việc, tình cảm với lối xóm”-ông Hùng tâm sự.

ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm