(GLO)- Không chỉ kiên cường trong thời chiến, giữa đời thường lực lượng cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, hăng say lao động sản xuất, trở thành những điển hình về phát triển kinh tế. Cùng với đó, họ còn chung tay góp sức sẻ chia khó khăn cùng đồng đội.
Nỗ lực phát triển kinh tế
Ông Phạm Thanh Bình (SN 1956, làng Út 2, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây vững chãi, xung quanh là vườn cây ăn quả và ao cá. Ông Bình kể: “Quê tôi ở tỉnh Nam Định. Từ năm 1972 đến năm 1975, tôi tham gia lực lượng TNXP làm nhiệm vụ tại Lào. Thời gian này, tôi quen và lập gia đình với một cô gái cùng đơn vị. Hòa bình lập lại, tôi trở về quê hương. Đến năm 1984, gia đình tôi vào lập nghiệp ở xã Ia Bă theo diện kinh tế mới”.
Lập nghiệp ở vùng đất mới, thời kỳ đầu, cuộc sống của gia đình ông Bình gặp nhiều khó khăn. Nhờ cần cù lao động, kinh tế gia đình ông Bình dần khá lên. Tiết kiệm được tiền, ông mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Sau 36 năm vào Gia Lai lập nghiệp, ông Bình đã tạo dựng được một cơ ngơi đáng kể với 2 ha cà phê và cây ăn quả, 3 ha ao cá. Ngoài ra, ông còn nuôi hơn 200 con vịt, gà lấy trứng. Mô hình kinh tế này hàng năm mang lại nguồn thu 300 triệu đồng. Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Bình vẫn tự làm kinh tế, không để con cái phải lo lắng. Những lúc vào vụ mùa, công việc nhiều, gia đình ông còn tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Hội Cựu TNXP huyện Ia Grai tham quan mô hình kinh tế của hội viên Phạm Thanh Bình (bìa phải). Ảnh: T.B |
Nhận xét về cựu TNXP Phạm Thanh Bình, ông Lê Văn Nhung-Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Ia Grai-cho biết: “Toàn huyện có 168 hội viên thì có khoảng 25 hội viên có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, riêng ông Bình có thu nhập cao nhất. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Bình còn giúp đỡ nhiều hội viên khó khăn vay vốn sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm để tăng năng suất cây trồng”.
Nhắc đến ý chí làm giàu của cựu TNXP Mai Thị Viễn (SN 1956, tổ 7, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa), không ít hội viên phải thán phục. Quê bà Viễn ở tỉnh Thái Bình. Thời kháng chiến chống Mỹ, bà tham gia lực lượng TNXP. Năm 1978, gia đình bà xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Krông Pa.
Nhờ chăm chỉ lao động, chịu khó khai khẩn đất đai, gia đình bà Viễn đã dần vươn lên khá giả. Đến nay, bà Viễn sở hữu 2 ha điều, 4 ha mì, 5 con bò. Hằng năm, thu nhập gia đình đạt trên 300 triệu đồng/năm. Có kinh tế ổn định, mỗi năm, bà Viễn cho 3 hội viên mượn 20 triệu đồng/người không lấy lãi để phát triển sản xuất.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Krông Pa, bà Viễn còn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho hội viên. “Tôi luôn xác định dù làm công việc gì cũng phải luôn nỗ lực, làm thật tốt vai trò, trách nhiệm của mình để xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên và hội viên”-bà Viễn cho hay.
Sẻ chia cùng đồng đội
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.600 hội viên Hội Cựu TNXP. Trong số này có không ít hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, không có vốn để phát triển kinh tế nên cuộc sống còn bấp bênh. Thấu hiểu điều này, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tích cực kêu gọi hội viên tham gia xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội”.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội Cựu TNXP phường Tây Sơn (TP. Pleiku), bà Lê Thị Tuấn có điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh: Thủy Bình |
Điển hình trong công tác xây dựng quỹ là Hội Cựu TNXP phường Tây Sơn (TP. Pleiku). Toàn phường có 48 hội viên nhưng nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội” lên đến 179 triệu đồng. Để gây quỹ, mỗi hội viên thống nhất đóng góp 1 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, nhiều hội viên có điều kiện, thu nhập ổn định đã tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng/người/tháng. Từ nguồn quỹ này, hằng năm, Hội đã cho hội viên khó khăn vay không tính lãi suất để phát triển kinh tế.
Được tạo điều kiện vay quỹ Hội 50 triệu đồng để phát triển sản xuất, bà Lê Thị Tuấn (SN 1954, tổ 2, phường Tây Sơn) đã đầu tư nuôi gà, vịt và trồng rau sạch. Từ mô hình này, không những tự túc lương thực cho gia đình mà bà còn bán ra thị trường, thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng. Bà Tuấn tâm sự: “Chồng tôi mất sớm, 2 đứa con đã lập gia đình. Tuy tuổi cao nhưng sức khỏe vẫn tốt nên tôi vay mượn tiền phát triển kinh tế. Vừa vui tuổi già vừa có đồng ra đồng vào”.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Bình-Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, hiện tại, tất cả các Hội cơ sở đều có quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để hỗ trợ đồng đội gặp khó khăn, qua đó tình đồng chí, đồng đội ngày càng gắn bó, bền chặt.
“Bác Hồ đã tặng lực lượng TNXP 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Khắc ghi lời dạy đó, dù tuổi cao sức yếu nhưng nhiều cựu TNXP đã vượt khó để phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định, hơn 50% hội viên có thu nhập khá. Hiện nay, không còn hội viên khó khăn về nhà ở. Sự nỗ lực đó đã khẳng định ý chí của người lính Cụ Hồ, dù ở thời chiến hay thời bình, họ vẫn tỏa sáng, trở thành tấm gương tiêu biểu để thế hệ trẻ noi theo”-Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết.
THỦY BÌNH