Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai đối thoại với trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại buổi đối thoại, đã có hơn 30 câu hỏi được các em đặt ra. Đây đều là những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các em để đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan có những định hướng giúp trẻ em bổ sung thêm những kiến thức về pháp luật. Ngoài những vấn đề “nóng” đã nêu trên, tại buổi đối thoại, câu hỏi của các em còn tập trung vào những nội dung như: việc giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh-thiếu niên; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ảnh hưởng đến giới trẻ; tình trạng bạo lực học đường, y tế học đường; định hướng học nghề cho học sinh… Trên tinh thần thẳng thắn, các đại biểu đã trả lời từng câu hỏi; đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của các em.
Ngày 30-5, tại TP. Pleiku, Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em tỉnh Gia Lai năm 2019”. Trên tinh thần cởi mở, các em thiếu nhi đã chia sẻ nhiều ý kiến, nguyện vọng của bản thân về những vấn đề “nóng” trong xã hội và được các đại biểu giải đáp cặn kẽ.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tại các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng 150 em thiếu nhi tiêu biểu đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố.
Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập
Mở đầu chương trình, các em học sinh Trường THCS Trần Phú (TP. Pleiku) đã biểu diễn tiểu phẩm “Hãy cứu con”. Nhân vật chính trong tiểu phẩm là Quỳnh-một cô bé đang học THCS. Sau khi bố mẹ ly hôn, Quỳnh sống cùng mẹ và bố dượng. Người mẹ vì bận rộn công việc nên con gái bị chính bố dượng xâm hại tình dục. Lo sợ, Quỳnh bỏ học rồi tìm đến ma túy và kết bạn với những đối tượng hư hỏng. Mẹ của Quỳnh chỉ biết đến tình trạng của con mình thông qua những trang nhật ký. Rất nhiều thông điệp đã được các em gửi gắm đến chương trình: “Tôi là một đứa trẻ, một người có giá trị với những quyền như mọi người”, “Hãy xây dựng môi trường an toàn, để trẻ em không bị bạo lực, xâm hại”.
 Đồng chí Dương Văn Trang (bìa trái)-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà của HĐND tỉnh cho thiếu nhi tiêu biểu có hành động đẹp, việc làm tốt. Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Dương Văn Trang (bìa trái)-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà của HĐND tỉnh cho thiếu nhi tiêu biểu có hành động đẹp, việc làm tốt. Ảnh: Đức Thụy
Liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, tại chương trình tiếp xúc, đối thoại, nhiều câu hỏi đã được các em thẳng thắn trao đổi. Em Hà Minh Phụng-học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) đặt câu hỏi: “Những người có hành vi xâm hại trẻ em sẽ bị những mức phạt như thế nào? Khi bị xâm hại, chúng cháu nên liên hệ với những cơ quan nào, địa chỉ nào để tìm kiếm sự hỗ trợ?”. Trả lời vấn đề này, bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Xâm hại trẻ em là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, tùy tính chất vụ việc sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. Khi có trường hợp xâm hại trẻ em xảy ra, các em có thể chia sẻ với bố mẹ, thầy-cô giáo hoặc liên hệ với lãnh đạo địa phương nơi cư trú. Điều quan trọng nhất là các em phải mạnh dạn, can đảm tố cáo đối tượng xâm hại để các ngành chức năng kịp thời bảo vệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp đường dây nóng để các em chủ động gọi điện trong tình huống khẩn cấp.
Về ý kiến của một em học sinh Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đức Cơ) liên quan đến chất lượng xe đưa đón học sinh hiện nay, ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Xe vận chuyển học sinh phải đảm bảo các điều kiện: được đăng kiểm về an toàn kỹ thuật, được Sở Giao thông-Vận tải cấp giấy phép hoạt động đưa đón học sinh; phía bên trái đầu xe được dán tem kiểm định có ghi rõ ngày tháng kiểm định. Các em có thể kiểm tra thông tin này để hiểu rõ về phương tiện mà mình đang đi. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra các phương tiện loại này. Nếu phát hiện phương tiện không đảm bảo, các em có thể báo tới đường dây nóng theo số điện thoại 0968583071 để Sở kịp thời xử lý.
Đuối nước trẻ em đang là vấn đề “nóng” hiện nay, nhất là với đối tượng học sinh. Một học sinh tham gia chương trình nêu ý kiến: “Tình trạng đuối nước đã và đang để lại những hậu quả thương tâm. Mặc dù được các thầy cô và người lớn tuyên truyền, nhắc nhở nhưng ở trường học, chúng em vẫn chưa được trang bị, rèn luyện những kỹ năng cần thiết để phòng tránh đuối nước do cơ sở vật chất và điều kiện dạy học hạn chế. Chúng em mong muốn được tạo điều kiện cho các trường về cơ sở vật chất để rèn luyện và trang bị những kỹ năng cần thiết trong việc phòng tránh đuối nước”. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho hay: Bước vào năm học 2018-2019, Sở đã có văn bản chỉ đạo đưa môn bơi vào trường học. Ngày 29-5, Sở cũng vừa tổ chức cuộc thi bơi cho học sinh phổ thông. Đây là lần đầu tiên tổ chức và sẽ trở thành cuộc thi truyền thống hàng năm. Sở cũng đã yêu cầu các trường tăng cường các kỹ năng sống cho các em học sinh. Đồng thời, tôi cũng đề nghị các em học sinh tự xây dựng cho mình kỹ năng tự phòng vệ, phải có ý thức tránh xa các ao hồ không an toàn.
Tiếp tục giải quyết những vấn đề trẻ em quan tâm
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em tỉnh Gia Lai năm 2019” đã đáp ứng được nhu cầu chia sẻ, bày tỏ tâm tư của các em học sinh, qua đó, phát huy hơn nữa sự chung tay của các cấp, các ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đây là lần thứ 2 tỉnh tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em.
Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện với trẻ em. Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trò chuyện với trẻ em. Ảnh: Đức Thụy

Dịp này, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tuyên dương, khen thưởng 50 em thiếu nhi tiêu biểu có hành động đẹp, việc làm tốt như: nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, giúp bạn đến trường, giúp bạn học tốt, cứu người trong tình cảnh nguy cấp hay đạt giải cao trong các kỳ thi do các cấp tổ chức.


Tại buổi đối thoại, đã có hơn 30 câu hỏi được các em đặt ra. Đây đều là những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các em để đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan có những định hướng giúp trẻ em bổ sung thêm những kiến thức về pháp luật. Ngoài những vấn đề “nóng” đã nêu trên, tại buổi đối thoại, câu hỏi của các em còn tập trung vào những nội dung như: việc giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh-thiếu niên; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ảnh hưởng đến giới trẻ; tình trạng bạo lực học đường, y tế học đường; định hướng học nghề cho học sinh… Trên tinh thần thẳng thắn, các đại biểu đã trả lời từng câu hỏi; đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của các em.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu và giải quyết những vấn đề trẻ em quan tâm cũng như đề xuất những giải pháp về bảo vệ quyền lợi và chăm sóc trẻ em trong thời gian tới, coi đây là những cam kết của các cấp, các ngành đối với các cháu. Từ việc tiếp xúc, đối thoại hôm nay, các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa cho trẻ em. Tiếp tục thực hiện Chương trình số 525-Ctr/TU ngày 18-4-2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Yêu cầu Thường trực HĐND 17 huyện, thị xã, thành phố sắp đến cũng phải tổ chức tiếp xúc, đối thoại với trẻ em trên địa bàn. Đây là cơ hội, là diễn đàn để các cháu tìm hiểu, nghiên cứu về quyền và bổn phận của trẻ em. Sau chương trình này, các cháu cũng có thể tiếp tục gửi kiến nghị, đề xuất đến nhà trường, đến các đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời, các cháu cũng cần thực hiện nhiệm vụ đại diện của mình khi được tham gia chương trình này, đó là phải tuyên truyền, hướng dẫn các bạn ở lớp, ở trường, ở địa phương và người thân trong gia đình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang yêu cầu Đoàn Thanh niên các cấp tích cực tham mưu cho chính quyền, cấp ủy và các sở, ngành liên quan triển khai giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tử vong do tai nạn thương tích; có kế hoạch tham mưu cho hệ thống chính trị các cấp từng bước giải quyết, giúp đỡ các em vượt qua hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và môi trường sống không an toàn. Năm 2020, cũng trong khoảng thời gian này, HĐND tỉnh phải cố gắng sắp xếp, bố trí tiếp xúc, đối thoại với trẻ em.

Anh Nguyễn Hoàng Phong-Bí thư Tỉnh Đoàn: Thời gian qua, các tổ chức Đoàn-Đội trên địa bàn tỉnh đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, tặng quà và giúp đỡ hơn 5.400 thiếu nhi với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Các tổ chức cơ sở Đoàn đã nhận giúp đỡ thường xuyên 297 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm