Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đại tướng Lê Đức Anh - Nhà lãnh đạo tài năng, nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 30-11, tại TP Huế, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”.  

 Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần về thăm, làm việc tại quê hương Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Tư liệu
Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần về thăm, làm việc tại quê hương Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Tư liệu


Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (1-12-1920 - 1-12-2020). Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dự và phát biểu chỉ đạo. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì hội thảo.

Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; đại diện bộ, ban ngành Trung ương và các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội và đại diện gia đình cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cùng tham dự hội thảo.

Vị tướng trận mạc

Với 87 tham luận gửi về Ban tổ chức, trong đó có nhiều bài tham luận trình bày tại Hội thảo đã khẳng định, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, nêu rõ hơn những đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cũng như quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, phá thế bao vây cấm vận của các thế lực bên ngoài, bình thường hóa quan hệ quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại…

Tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1-12-1920 tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, chứng kiến sự nghèo đói, cùng khổ của người dân lao động dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi mới 18 tuổi (năm 1938).

“Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù trên cương vị công tác và trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bản lĩnh và sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết liệt trong mọi công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhìn nhận.

Với tham luận Phong cách lãnh đạo, chỉ huy của Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, cho rằng, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, vị tướng mà bộ quân phục thấm đẫm khói lửa chiến tranh. Ông là người chỉ huy quyết đoán, táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đã từng chỉ huy bộ đội tham gia những trận đánh, những chiến dịch quan trọng, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh. Đồng thời, là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và có những đóng góp quan trọng trong hoạch định tổ chức xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn liền từ các chiến trường phía Nam đến phía Bắc của Tổ quốc và trên chiến trường nước bạn.

Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước, cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh còn mang trong mình một tính cách chân tình, độ lượng, luôn dành tình cảm thương yêu và quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ. Với gia đình, đồng chí là người đức độ, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng Lê Đức Anh nhiều lần trở lại và gợi mở giúp quê hương Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội. Gợi ý cho lãnh đạo tỉnh xin phép Chính phủ xây dựng cảng Chân Mây để vừa phục vụ kinh tế vừa phục vụ quốc phòng. Đặc biệt, trong những năm 2004-2007, đồng chí đã nhiều lần cùng với cán bộ, ban, ngành Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh và đặc biệt quan tâm đề xuất để tỉnh triển khai thực hiện các đề án lớn như: công trình thủy lợi hồ Tả Trạch, nâng cấp sân bay Phú Bài…

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí Lê Đức Anh cũng không quản ngại gian khó, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

“Với 99 năm tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, cho đến giờ phút cuối của cuộc đời, đồng chí Lê Đức Anh luôn giữ vững phẩm chất của người cộng sản trung kiên, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, nêu cao đức hy sinh, lòng dũng cảm, sống trung thực, giản dị, gần gũi với cán bộ chiến sĩ. Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với công lao, cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang và tự hào của Đảng, của dân tộc, đồng chí Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, những tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo lần này sẽ góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu để khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Đức Anh; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Lê Đức Anh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam, ra sức học tập, lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 


Khi nói về Đại tướng Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cho rằng: “Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm”.

Theo VĂN THẮNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm