(GLO)- Việc xây dựng, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã lan tỏa khắp các buôn làng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều mô hình mang lại kết quả rõ nét; hỗ trợ, vận động người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.
Gia đình ông Đinh Phu (làng Kon Lốk 1, xã Đak Rong) là 1 trong 5 hộ được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang chọn làm điểm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Năm 2020, ông Phu được hỗ trợ 3 triệu đồng mua 3 con heo đen sinh sản về nuôi. Giống heo đen bản địa có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, có thể tận dụng các loại thức ăn có sẵn như bắp, mì, rau rừng… nên rất phù hợp với phương thức chăn nuôi truyền thống của người Bahnar. Do đó, sau gần 2 năm, đàn heo đen của ông Phu đã phát triển nhanh chóng, luôn duy trì trên 10 con. Mỗi năm, ông xuất bán 2 đợt heo giống và heo thịt, đem lại thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo bền vững. “Từ khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển sang nuôi heo đen, đời sống gia đình mình không còn khó khăn như trước nữa. Như năm nay, mình bán 20 con heo giống với giá 200 ngàn đồng/kg và 5 con heo thịt với giá 100 ngàn đồng/kg, thu được gần 50 triệu đồng”-ông Phu phấn khởi.
Còn gia đình chị Đinh Thị Phăm (làng Đak A Sêl, xã Sơn Lang) là một trong những hộ dân tộc thiểu số tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chị Phăm cho biết: “Trước đây, phần lớn diện tích của gia đình chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như mì, lúa cạn… nên hiệu quả kinh tế đạt thấp. Năm 2015, được cán bộ xã, huyện vận động, hướng dẫn cũng như hỗ trợ giống, mình đã mạnh dạn chuyển 3 ha mì kém hiệu quả sang trồng cà phê. Khi cà phê còn nhỏ, mình trồng xen cây chanh dây để lấy ngắn nuôi dài. Rồi khi cà phê lớn, mình trồng xen cây mắc ca. Mình cũng đã chuyển 2 ha đất còn lại sang trồng mắc ca”.
Mô hình nuôi heo đen bản địa được nhiều hộ dân làng Kon Lôk 1 (xã Đak Rong) lựa chọn để phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Phương |
Đến nay, 5 ha cà phê, mắc ca trồng riêng và trồng xen đem lại thu nhập cho gia đình hàng năm từ 200 đến 300 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng cà phê, mắc ca cho hiệu quả cao, chị Phăm tích cực cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ xã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Không những vậy, chị Phăm còn cho vay tiền không tính lãi suất, hỗ trợ giống cà phê, mắc ca cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong làng để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
Theo ông Đỗ Phúc Quán-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Kbang đã xây dựng được 42 mô hình kinh tế, 9 mô hình văn hóa-xã hội, 4 mô hình quốc phòng-an ninh, 5 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình phát huy hiệu quả cao, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và làm giàu chính đáng, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã xuất hiệu nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình như: hộ chị Đinh Thị Phăm, anh Nguyễn Văn Hòa (xã Đak Hlơ) với mô hình nuôi trùn quế, ông Trần Kim Hoàng (thôn Hbang, xã Kông Lơng Khơng) với mô hình kinh tế trang trại…
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang thông tin thêm: “Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, từng bước giảm nghèo bền vững, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới”.
MINH PHƯƠNG