Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Dân vận khéo" ở vùng DTTS - Kỳ 2: Những điển hình từ buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họ là những cán bộ, người có uy tín trong cộng đồng ở các buôn làng-những tấm gương tích cực trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, họ còn là những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
“Già làng làm-dân làng làm theo”
“Già làng nói-dân làng nghe, già làng hô-dân làng hưởng ứng, già làng làm-dân làng làm theo”. Cứ như thế, từ bao đời nay, tiếng nói của các già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. Hiện nay, Gia Lai có trên 2.000 già làng, người có uy tín đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng và là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển cuộc sống mới trong thôn, làng. Nhiều năm nay, hình ảnh già làng làm dân vận đã trở nên thân thuộc với bà con và chính quyền các địa phương trong tỉnh. Ở mỗi nơi, mỗi già làng đều có cách làm riêng, sáng tạo và hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên ở làng nên già Hmrik (làng Brel, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) thuộc lòng mỗi nóc nhà, từng giọt nước của làng mình. Bà con làng Brel yêu quý ông không chỉ vì ông luôn nêu gương trong phát triển kinh tế mà hơn hết còn là tấm gương góp phần giữ gìn bản sắc, xây dựng nếp sống văn hóa ở làng Brel. “Thủ lĩnh tinh thần” ấy cũng là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
Tuy đã ở tuổi 66 nhưng già Hrmik (bên trái ảnh) vẫn thường xuyên giúp đỡ dân làng xây nhà, làm hàng rào, sân ngõ-Ảnh Dung Tấn
Tuy đã ở tuổi 66 nhưng già Hrmik (bên trái ảnh) vẫn thường xuyên giúp đỡ dân làng xây nhà, làm hàng rào, sân ngõ. Ảnh: Dung Tấn
Điều khiến già Hmrik luôn trăn trở là cuộc sống của bà con làng Brel vẫn còn nghèo khó. Làng có 94 hộ dân với 457 khẩu, trong đó có 13 hộ nghèo. Thương bà con, già Hmrik thường xuyên đến thăm nom, động viên các hộ khó khăn thoát nghèo bằng cách chăm chỉ làm ăn, không được buông xuôi hay ỷ lại. “Để dân làng nghe theo mình, tôi đã vận động gia đình đầu tư chăm sóc 6 sào cà phê và lúa nước, nuôi 10 con bò, 3 con heo nái. Hàng năm, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ đó, các gia đình khác trong làng Brel và các làng lân cận đều làm theo nên đời sống của bà con ngày càng được ổn định, số hộ giàu, hộ khá tăng, số hộ nghèo giảm. Bên cạnh đó, tôi vận động giáo dân khi sinh hoạt tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng truyền đạo trái phép, luôn sống “Tốt đời-Đẹp đạo”. Mấy năm qua, tình hình chính trị ở địa bàn được ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có người vượt biên hoặc trốn ra rừng”-già Hmrik chia sẻ. Chính từ những trăn trở trong việc giúp đỡ những người nghèo khó, ông cũng kịp thời nắm bắt những hoàn cảnh khó khăn trong làng để kêu gọi giúp đỡ. Ông Anunh là một trong số đó. Trên 40 tuổi nhưng bị tàn tật nên ông Anunh không có khả năng lao động, phải sống trong căn nhà dột nát. Thấy vậy, già Hmrik đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây cho ông Anunh một căn nhà mới. Hay hộ bà Amuih trong làng cũng từng bước thoát nghèo nhờ được già Hmrik vận động làm chuồng heo và nuôi 2 con heo nái. 
Nhắc tới nữ già làng Ksor H'Blâm (76 tuổi),  người dân vùng biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) vẫn luôn tự hào bởi bà chính là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, giữa luật tục với luật pháp. Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, già Ksor H'Blâm nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy. Trở về với làng Krông (xã Ia Mơr), với những gì học được từ những năm tháng làm cách mạng, bà thường xuyên tới từng nhà, tỉ tê trò chuyện để vận động người dân cải tạo vườn tược, trồng cây lúa, bắp, mì, nuôi bò, heo… để cải thiện cuộc sống. “Có tận mắt chứng kiến dân làng đói khổ thì mình mới có quyết tâm để thuyết phục, để giúp đỡ họ vượt qua cái nghèo, cái khổ. Hồi đó mình vừa làm vừa thuyết phục họ. Biết cái gì thì mình truyền dạy cho người dân cái đó. Diệt giặc đói cũng gian khổ như diệt giặc Mỹ vậy đó”-bà H'Blâm nhớ lại. Năm 1998, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ở vùng biên này được người dân tín nhiệm bầu làm già làng.
Đặt trên vai trách nhiệm cao cả, bà H'Blâm càng hăng say lao động sản xuất để làm gương cho dân làng. Khi thuyết phục được họ bằng những việc làm của mình, bà bắt đầu cho dân làng mượn bò về nuôi. Khi bò sinh sản, bà sẽ lấy lại bò mẹ, tiếp tục cho người khác mượn gây dựng con giống. Bà còn chỉ cho người dân cách trồng lúa, trồng mì sao cho hiệu quả… Với già làng Krông, để làm được điều đó phải sử dụng thứ “vũ khí” vô cùng quan trọng-đó là sức mạnh của tình đoàn kết. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: “Thời gian qua, Ia Mơr là một trong những địa bàn nóng về vấn đề quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Tuy nhiên, nhờ có những già làng, người uy tín như bà H'Blâm ngày đêm vận động dân làng thắt chặt tình đoàn kết quân dân, đồng thời chủ động phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr làm tốt công tác bảo vệ rừng nên đến nay, riêng làng Krông không có trường hợp nào vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, chúng tôi thường gọi bà H'Blâm là “ngôi sao xanh Biên phòng”.
“Bí quyết” dân vận khéo
Những năm qua, nhiều địa phương cũng như các cá nhân làm công tác dân vận đã thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, chính sách “thuận ý Đảng, hợp lòng dân”. Nhờ có những “bí quyết” riêng nên công tác dân vận trong địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận của xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện các phong trào.
Ông Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro; bìa phải) chỉnh chiêng để chuẩn bị cho buổi họp làng sắp tới. Ảnh: T.D
Ông Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro; bìa phải) chỉnh chiêng để chuẩn bị cho buổi họp làng sắp tới. Ảnh: T.D
Ông Đinh Keo (61 tuổi, làng Pyang, thị trấn Kông Chro) nổi tiếng khắp vùng Đông Trường Sơn bởi nắm giữ rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát cho đến hát dân ca, hát kể sử thi... góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Bahnar. Chính từ lợi thế này, ông đã tạo cho mình một “bí quyết” riêng trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là lấy giá trị văn hóa truyền thống để chinh phục lòng dân. “Sau 20 năm tham gia và giữ nhiều chức vụ trong Đảng và chính quyền ở địa phương, năm 2018, tôi nghỉ hưu và chính thức đảm nhận vai trò già làng của làng Pyang. Tôi nhận ra, mình không thể cứ đọc mọi nghị quyết cho bà con nghe vì như thế họ sẽ không thể tiếp thu và hiểu hết được. Vậy nên chỉ có cách đi thẳng vào thực tiễn và đời sống tinh thần của họ. Có như thế, dân làng mới đồng thuận với những gì mình muốn tuyên truyền”-ông Keo bày tỏ.
Theo ông Keo, mỗi dân tộc đều có niềm tự hào về bản sắc văn hóa riêng, dân tộc Bahnar của ông cũng thế. Qua thời gian, niềm tự hào ấy không bị mai một và vẫn ăn sâu vào máu thịt của đồng bào. Nhận thấy điều này, ông đã dùng tiếng cồng, tiếng chiêng cùng âm thanh trầm hùng của những bài sử thi để thu hút dân làng trở về nhà rông sau một ngày làm việc vất vả. Ông Keo khẳng định: “Nếu chúng tôi thông báo tổ chức họp làng để bàn về những vấn đề quan trọng như: tăng gia sản xuất, bỏ nạn tảo hôn... thì người làng sẽ chẳng ai tới nghe cả vì họ đã phải trải qua một ngày làm việc mệt mỏi trên ruộng rẫy. Nhưng khi tiếng cồng chiêng nổi lên ở nhà rông đầu làng, mọi người sẽ trở nên phấn khởi, vui vẻ hơn hẳn. Bà con sẽ kéo nhau về tụ họp ở nhà rông để hòa mình vào từng nhịp chiêng. Khi tinh thần của dân làng đang phấn chấn, tiếng chiêng dần nhỏ lại là lúc tôi bắt đầu nói về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với hình thức như kể chuyện, tâm tình. Vậy nên người làng thích lắm. Họ hiểu và nắm bắt ngay những việc tôi muốn tuyên truyền”.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) Kpă Quang là một trong những người có nhiều sáng tạo để công tác dân vận đạt hiệu quả-Ảnh Dung Tấn
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) Kpă Quang là một trong những người có nhiều sáng tạo để công tác dân vận đạt hiệu quả. Ảnh: Dung Tấn
Cũng như ông Đinh Keo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) Kpă Quang cũng là một trong những người có nhiều sáng kiến để công tác dân vận đạt hiệu quả. Ông Quang là người đã từng phải đứng giữa pháp luật và luật tục khi UBND thị trấn chọn ngôi làng Plei Amăng của ông để thực hiện việc bỏ mả, tiến tới xóa bỏ khu nhà mồ riêng của làng nằm gần khu dân cư. “Khi nhận nhiệm vụ này, tôi đã trăn trở rất nhiều bởi nhận được những lời trách móc của người dân trong làng. Người phản đối đầu tiên là mẹ tôi. Mẹ hỏi: “Sao con là người làng mình mà không bảo vệ dân làng, bảo vệ luật tục của làng?”. Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng mình phải thuyết phục được chính người thân của mình trước, sau đó mới nói cho người làng hiểu và nghe theo được”-ông Quang chia sẻ. Một mặt, ông thường xuyên trò chuyện, tâm sự với mẹ, với vợ và những người uy tín trong làng. Mặt khác, ông cùng chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người Jrai trên địa bàn không chôn cất người chết tại khu nhà mồ của làng, cùng với đó vận động người dân làm lễ bỏ mả, trồng cây xanh; góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại địa phương. Hiện nay, người làng Plei Amăng đã đồng ý xóa bỏ khu nhà mồ của làng, tổ chức mai táng tại nghĩa trang chung của huyện để đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như giữ gìn sức khỏe.
 TRẦN DUNG-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm