Multimedia

Emagazine

Đắng đót mùa xoay

E-magazine Đắng đót mùa xoay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 


Tầm 9 giờ sáng, khi mặt trời chiếu tan sương, tại khoảnh 8, tiểu khu 60 thuộc lâm phần của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Sơ Pai, nhóm thanh niên thôn 1 (xã Sơ Pai, huyện Kbang) đang thu hái quả xoay. Trên cây cao chót vót, một người cầm dao lựa cành có nhiều quả xoay mà chặt. Còn dưới mặt đất, 3 thanh niên thay phiên nhặt cành vừa rơi xuống để trong một tấm bạt màu vàng rồi cùng nhau hái quả.
 

 



Trong nhóm hái xoay này có anh Nguyễn Văn Hai là họ hàng xa với một đồng nghiệp đi cùng chúng tôi. Bởi vậy, câu chuyện vào rừng thu hái xoay cũng cởi mở hơn. Anh kể, từ nhỏ anh đã theo bố mẹ vào rừng hái xoay, lớn lên thì lập nhóm. Nhóm của anh có 4 người. “Năm nay, xoay nhiều nhưng chín muộn nên mỗi ngày chỉ hái được khoảng 2-3 tạ. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xoay không bán vào các tỉnh miền Nam được, giá rớt còn khoảng 15-20 ngàn đồng/kg. Thế nhưng cũng nhờ cây xoay mà người dân ở đây có đồng ra đồng vào, chứ dịch giã có việc gì để làm đâu. Sáng nay, chúng tôi may mắn gặp được cây xoay trâu, quả to, ăn ngọt và chua thanh”-anh Hai chia sẻ.

Hái xong cây thứ nhất được khoảng 32 kg quả, nhóm của anh Hai chuyển sang hái cây xoay to hơn ở cạnh đó. Vì không thể trực tiếp trèo lên ngọn, các anh chọn phương án trèo từ một cây khác qua. Anh Đoàn Long Nhật nhận nhiệm vụ trèo cây. Thấy con trai chuẩn bị trèo cây, ông Đoàn Trọng Bình từ nơi khác chạy qua căn dặn tỉ mỉ. Lúc anh Nhật đu người qua cành cây khác, ông Bình hô to chỉ dẫn cách móc cù nèo. Chỉ đến khi con trai trèo qua cây thành công, nét mặt ông Bình mới đỡ căng thẳng.

 
 
 

Chứng kiến cảnh trèo lên cây thu hái quả xoay, chúng tôi thấy ái ngại và đồng cảm với người dân nơi đây. Một đồng nghiệp không ngần ngại mua 1 bao xoay nặng 32 kg. Tôi bỏ vào miệng vài quả. Xoay đầu mùa vị thơm, ngọt và có vị chua nhẹ nhưng sao nghe đắng đót. Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng, càng đi càng gặp nhiều nhóm người thu hái quả xoay. Tại một khoảnh rừng, gia đình chị Đinh Thị Cách (làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai) cặm cụi hái xoay. “Hôm nay, cả bố mẹ, anh chị và con cái cùng đi hái xoay. Chúng tôi đi hái để có tiền mua thức ăn, chuẩn bị cho con vào năm học mới. Riêng tôi thì kiếm thêm chút tiền để dành chuẩn bị sinh con. Năm nay, xoay nhiều nên thu nhập cũng khá, bình quân được 300 ngàn đồng/người/ngày”-chị Cách cho hay.
 

 



Tầm 3 giờ chiều, tại ngã tư đường Lê Văn Tám đi thác Hang Dơi (thị trấn Kbang) đã tấp nập kẻ mua người bán xoay. Từng dòng xe máy chở lặc lè phía sau những bao tải đầy ắp quả xoay nối đuôi nhau về. Nơi đây các thương lái đang chờ sẵn bên những chiếc xe tải cỡ lớn. Tiếng chào hỏi, gọi nhau í ới chen lẫn tiếng kèo nài trả giá và cả tiếng hô hào bốc vác vận chuyển hàng lên xe rộn rã.

Vừa tất bật ghi sổ, vừa tính tiền trả cho những người dân mới chở xoay từ rừng ra bán, bà Nguyễn Thị Lý-tiểu thương đến từ tỉnh Bình Định-than thở: “Năm nay, sản lượng xoay lớn mà giá thấp. Có những năm giá lên đến 100-130 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 15-20 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh không còn, chỉ bán được ở tỉnh Bình Định, TP. Đà Nẵng hay một vài tỉnh phía Bắc. Chúng tôi chỉ thu mua số lượng hàng theo đúng nhu cầu để xuất đi. Một phần là do tiền cước xe quá cao, một phần là việc lưu thông chưa thuận lợi nên không thể mạo hiểm mua số lượng nhiều”.
 

 
 

Kbang là vựa xoay của tỉnh. Hàng chục năm qua, người dân nơi đây được hưởng lợi theo chu kỳ 3 năm/lần. Dù vậy, khi nhu cầu xã hội càng tăng và lượng người vào rừng hái xoay càng nhiều thì sản lượng sụt giảm. Nhìn về phía những cánh rừng, ông Nguyễn Văn Trí-bố anh Nguyễn Văn Hai rủ rỉ chuyện trò: “Tôi vào đây làm kinh tế mới từ năm 1982. Trước đây, chúng tôi cơm đùm cơm nắm vào rừng ở cả tuần để hái xoay. Thời đó, có nhiều cây xoay khi hái xong được 25-30 bao quả, mỗi bao nặng khoảng 30 kg. Nay thì hiếm rồi, cây cao lắm là 10 bao nhưng phải đi xa. Lý do là người đi hái nhiều quá. Trong đó có nhiều người chặt phá cành không thương tiếc, thậm chí đốn luôn cả cây. Thấy nguy cơ vắng bóng cây xoay, tôi đã giữ lại trong rẫy của mình hơn chục cây. Tôi giữ lại cho con cháu sau này, vừa có thu nhập lại vừa có để ăn”.

Cây xoay thuộc tầng cây tán cao nên việc thu hái rất khó khăn, chủ yếu là chặt cành. Đây cũng là cách giúp tái tạo cành mới cho những năm sau. Thế nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng về sinh trưởng của cây, nhất là khi số lượng người vào rừng hái xoay ngày một đông hơn. Nhằm hướng tới lợi ích lâu dài, ngành chức năng huyện Kbang cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực đối với việc thu hái xoay.
 

 

Ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Sơ Pai-cho hay: “Công ty quản lý hơn 7.000 ha rừng tự nhiên. Cây xoay phân bố khắp 14 tiểu khu, trong đó, nhiều nhất là tiểu khu 60, 61, 125, 112… Theo chu kỳ 3-4 năm, cây xoay cho quả 1 lần. Để quản lý diện tích rừng nói chung, cây xoay nói riêng, chúng tôi đã giao khoán rừng cho người dân quản lý, thu hái. Ngoài ra, đơn vị còn tuyên truyền, vận động người dân chỉ chặt cành nhánh nhỏ, không được chặt cành to hoặc cưa cây để có nguồn thu nhập vào các năm tiếp theo”.

 

Có thể bạn quan tâm