Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Đảng viên đi trước"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phu Ma Nhe 2 (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai), ông Nay Ka luôn đi đầu trong các phong trào, đồng thời là trung tâm đoàn kết, tập hợp dân làng cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh.

 

Đi đầu phong trào hiến đất

Buôn Phu Ma Nhe 2 có 146 hộ với hơn 550 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Jrai. Dân làng sản xuất nông nghiệp thuần túy nên đa số hộ dân có mức sống trung bình; trong làng hiện còn 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo vì thiếu đất sản xuất, thiếu sức lao động. Dù vậy, người dân luôn đoàn kết, sống hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau. Có được kết quả này phần nhiều là nhờ sự góp công của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nay Ka.

Năm 2017, khi xã Ia Rtô được thị xã Ayun Pa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, các thôn, buôn trong xã lần lượt hưởng ứng, ký cam kết thực hiện các công trình như: đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng… Tại buôn Phu Ma Nhe 2, khó khăn lớn nhất là thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng. Các buổi họp của buôn đều phải tổ chức ngoài trời, gặp trở ngại khi trời mưa. Vì thế, Ban Công tác Mặt trận thôn đã nhiều lần vận động người dân hiến đất làm nơi hội họp. “Nhưng người dân dù muốn cũng không làm được vì đất đai, vườn tược chật hẹp. Trong thế khó ấy, Bí thư chi bộ Nay Ka đã đứng trước cuộc họp dân dõng dạc tuyên bố làm gương hiến một nửa mảnh vườn của gia đình để chính quyền xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng”-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô Trương Tấn Hòa nhớ lại.

 Ông Nay Ka vận động bà con xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: Đ.P
Ông Nay Ka vận động bà con xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: Đ.P



 Nói là làm, ông Nay Ka đã kiên trì vận động vợ con hiến 200 m2 đất vườn dù gia đình cũng chỉ có 400 m2 đất gồm cả đất dựng nhà và mảnh vườn trồng rau, cây ăn quả, cây bóng mát. Cuối năm 2017, thị xã Ayun Pa đầu tư 300 triệu đồng xây nhà sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, kiên cố, khang trang tại buôn Phu Ma Nhe 2, có cả sân bê tông và công trình vệ sinh, tường rào, cổng ngõ. Chị Ksor HTruy cho biết: “Từ khi có nhà sinh hoạt cộng đồng, ngoài việc được nghe tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chúng tôi có chỗ để hội họp, giao lưu văn hóa-văn nghệ. Đây cũng là nơi con cháu quây quần, vui chơi trong các dịp lễ, Tết”.

 Noi gương ông Nay Ka, mới đây, ông Ksor Táo (buôn Phu Ma Nhe 1) đã hiến 500 m2 đất mặt tiền quốc lộ 25 (sát trụ sở UBND xã) để chính quyền xây dựng nhà văn hóa xã. “Tôi thấy xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ đầu năm 2018 nhưng chưa có nhà văn hóa. Vì thế, tôi noi gương đảng viên Nay Ka hiến mảnh đất trị giá gần 300 triệu đồng cho chính quyền xây dựng nhà văn hóa”-ông Ksor Táo nói.

Từ đó đến nay, phong trào hiến đất đã lan tỏa khắp xã Ia Rtô. Tiêu biểu như ông Nguyễn Ba (thôn Đức Lập) hiến 1.000 m2 đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng; bà Ksor H'Pring (buôn Phu Ma Nhe 1) hiến 300 m2 đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, bà Ksor H'Nhai (buôn Phu Ma Nhe 1) hiến 300 m2 đất xây trường mẫu giáo, bà Ksor H'Yar (buôn Jứ Ma Nai) hiến 270 m2 đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, bà Ksor HKah (buôn Phu Ma Miơng) hiến 200 m2 đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng... Dưới sự vận động của chính quyền xã Ia Rtô, mới đây, 55 hộ dân trong xã còn hiến hơn 3.400 m2 đất và nhiều diện tích đất sản xuất với tổng trị giá trên 478 triệu đồng để làm đường giao thông nội đồng thôn Đức Lập.

Trung tâm đoàn kết cộng đồng

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nay Ka trước Nhà sinh hoạt cộng đồng do mình hiến đất xây dựng. Ảnh: Đức Phương
Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nay Ka trước Nhà sinh hoạt cộng đồng do mình hiến đất xây dựng. Ảnh: Đức Phương



Sau nhiều năm liền đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ, đầu năm 2020, bà con buôn Phu Ma Nhe 2 đã tín nhiệm bầu ông Nay Ka kiêm luôn vị trí Trưởng thôn. Khi chính quyền lựa chọn buôn Phu Ma Nhe 2 làm điểm để xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông đã thống nhất trong chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo các đoàn thể và bà con triển khai thực hiện. Trong đó, nổi bật là phong trào nuôi dê Bách Thảo được nhiều hộ dân hưởng ứng tích cực. Từ vài chục con dê do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ cho các hộ nghèo 3 năm trước, đến nay, người dân đã trao đổi với nhau, phát triển đàn dê lên hàng trăm con, giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập khá. Người dân cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Vừa qua, các hộ trong buôn cũng đã hoàn thành di dời chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn cho hợp vệ sinh; xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước theo chuẩn nông thôn mới.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Minh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rtô-cho biết: “Ông Nay Ka là cán bộ cơ sở rất nhiệt tình, gương mẫu. Ông đã tiên phong hiến đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng và vận động bà con làm theo. Đây chính là hành động thiết thực theo gương Bác Hồ, vì lợi ích chung mà bỏ qua cái riêng, góp phần xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhờ nỗ lực của ông Nay Ka và toàn thể bà con mà buôn Phu Ma Nhe 2 từ chỗ khó khăn đã vươn lên thành một trong những buôn khởi sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thị xã Ayun Pa”.

 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm