Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đảng viên người Mường gắn bó với đồng bào Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Hà Xuân Nhắc (thôn 4- xã Biển Hồ-TP.Pleiku) vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Trong cuộc trò chuyện với ông, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh một đảng viên người dân tộc Mường chất phác, thật thà và hết mực yêu thương, gắn bó với đồng bào Jrai.

Mở đầu câu chuyện, ông Nhắc trầm ngâm lý giải: “Trong thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19-4-1946), Người nhắn nhủ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Bahna và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Làm theo lời dạy của Bác, tôi đã sống và gắn bó như người một nhà với anh em dân tộc Jrai- nơi quê hương thứ hai của tôi”.

Ông Hà Xuân Nhắc (áo đen) quyết định gắn bó cuộc đời mình tại quê hương thứ hai. Ảnh: Mai Ka
Ông Hà Xuân Nhắc (áo đen) quyết định gắn bó cuộc đời mình tại quê hương thứ hai. Ảnh: Mai Ka

Ông Hà Xuân Nhắc là người dân tộc Mường. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Phú Thọ. Năm 21 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm 1966, ông cùng đồng đội hành quân vào chiến trường Tây Nguyên tham gia vào nhiều trận đánh lớn. Sau giải phóng, ông về công tác tại Đại đội trinh sát thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Năm ấy, chàng trai người Mường đã bước qua tuổi 30. Sau khi được cha mẹ ở quê mai mối, sắp đặt, ông xin đơn vị cho nghỉ phép và quay trở về quê hương cưới vợ. Đám cưới diễn ra chóng vánh trong một ngày hè oi ả ở miền Bắc. Đôi vợ chồng trẻ bên nhau vừa tròn 10 ngày thì ông Nhắc hết thời hạn nghỉ phép, phải quay vào đơn vị công tác. “Trong những năm tháng xa cách, chồng Nam- vợ Bắc, hai vợ chồng không được ở gần nhau. Mình thì lo làm nhiệm vụ, vợ ở quê cũng buồn tủi nhiều do chưa có con cái bầu bạn. Cũng gần 10 năm chứ có ít đâu. Lúc đó mình cũng thương lắm nhưng không thể rời bỏ nhiệm vụ, rời bỏ nơi đây nên động viên vợ cùng cố gắng”- ông Nhắc nhớ lại. Mãi đến năm 1984, sau khi nhận được quyết định nghỉ hưu, ông Nhắc mới quyết định về Phú Thọ đón vợ vào Gia Lai sống cùng. Lúc nghỉ hưu rồi, mọi người có khuyên ông Nhắc về quê hương sinh sống nhưng ông không chịu. Ông đã quyết định chọn mảnh đất Gia Lai làm quê hương của mình. Dù thương nhớ nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng với ông Nhắc giờ đây mảnh đất Gia Lai cũng đã trở thành máu thịt của mình. Những người dân tộc anh em như Banah, Jrai đã trở thành anh em thân thích của ông.

Vậy là sau gần 10 năm đằng đẵng, vợ chồng ông Nhắc được đoàn tụ và nhiều năm sau đó, những người con của ông bà lần lượt ra đời trên chính nơi ông đã chiến đấu và cống hiến. Với cương vị là một đảng viên, dù đã nghỉ hưu nhưng ông Nhắc vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Năm 2001, ông đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi bộ của 9 thôn, làng tại xã Biển Hồ. “Lúc ấy, hầu như các thôn, làng người đồng bào Jrai còn nghèo và lạc hậu lắm. May mắn là trong những năm tháng hoạt động trong quân đội, mình đã được tiếp xúc, tìm hiểu về phong tục cũng như học tiếng của người Jrai. Vậy nên mình hiểu được rõ được tiếng nói, suy nghĩ của họ. Mình nói họ nghe mà họ nói mình cũng nghe nên việc tuyên truyền cho họ cũng dễ dàng hơn”- ông Nhắc kể.

Nỗi trăn trở lúc bấy giờ của ông Nhắc là làm sao để xóa 9 thôn, làng “trắng” đảng viên. Với trình độ của hầu hết người Jrai ở đây đều thấp kém thì việc thực hiện nhiệm vụ này vô cùng gian nan. Ông nhận ra rằng, khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì nhận thức về đảng của người dân chưa thể đầy đủ. Từ đó, ông hàng ngày gần gũi với bà con các thôn làng, cùng họ sinh hoạt, cùng chỉ cho họ cách làm ăn, cách thoát khỏi đói nghèo. Và hơn hết, bản thân và gia đình ông phải luôn đi đầu trong lao động, sản xuất cũng như gương mẫu trong mọi mặt. Ngay sau đó, ông Nhắc bắt đầu bắt tay vào việc lựa chọn những người ưu tú nổi lên từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự…để bồi dưỡng để kết nạp đảng. Ông vui mừng chia sẻ: “Qua những nỗ lực không ngừng để đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, từng bước thực hiện việc xóa thôn, làng chưa có tổ chức cơ sở đảng thì thời gian sau đó, các thôn, làng đều đã có đảng viên. Tôi hạnh phúc vô cùng khi thấy các đảng viên đều gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới”.

Nay đã ở tuổi 70 nhưng ông Nhắc vẫn hăng say lao động sản xuất. Ảnh: Mai Ka
Nay đã ở tuổi 70 nhưng ông Nhắc vẫn hăng say lao động sản xuất. Ảnh: Mai Ka

Dù nay đã ở tuổi “xế chiều” nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương và hăng say lao động sản xuất. Hằng ngày, mỗi buổi chiều, sau khi chăm sóc vườn tiêu, lo cho bầy heo, đàn gà, ông lại vui vầy bên con cháu. Và ông gọi cuộc đời của ông là “trọn vẹn”. “Đảng viên Nhắc là tấm gương đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương. Chúng tôi rất cảm phục tấm lòng người dân tộc anh em này. Ông Nhắc luôn thân thiết, gần gũi với mọi người, hiểu được phong tục tập quán và chỉ bảo những điều hay lẽ phải. Đặc biệt là ông ấy luôn xem người Jrai chúng tôi như người một nhà”- ông Ksor Kril (làng Sơr- xã Biển Hồ) cho biết.  

 Trần Dung

Có thể bạn quan tâm