Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ đâu, cương vị nào, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cũng luôn khiêm tốn, giản dị, gần gũi, đoàn kết với mọi tầng lớp nhân dân, nhưng vẫn toát lên tinh thần bất khuất, kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời-đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang-miền quê giàu truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, Tôn Đức Thắng được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp, tâm hồn, ý chí và lòng yêu nước kiên trung đã sớm được nuôi dưỡng bởi thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Vốn là người có tư chất thông minh, giỏi tiếng Pháp, đầy khát vọng tự do, tính tự lập cao, thương người, lại có tài năng về kỹ thuật cơ khí, nên ngay từ năm 1907, Tôn Đức Thắng đã lên Sài Gòn bắt đầu cuộc sống làm thợ và trở thành hạt nhân lãnh đạo các cuộc đấu tranh bãi khóa của học sinh Trường Bá Nghệ, là người tổ chức các cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1912.

Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I (từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957)
Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I (từ ngày 29-12-1956 đến 25-1-1957). Ảnh nguồn: baochinhphu.vn



Năm 1916, để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp, Tôn Đức Thắng đã lên tàu làm lính thợ trên chiến hạm France. Ngày 20-4-1919, sau khi tổ chức và tham gia kéo cờ đỏ phản chiến của Hải quân Pháp ở Biển Đen ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chống sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ, góp phần bảo vệ thành trì của cách mạng vô sản thế giới, đồng chí bị trục xuất khỏi nước Pháp và trở lại Sài Gòn tích cực hoạt động cách mạng.  

Trở về nước năm 1920, với lòng yêu nước nhiệt thành, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kết hợp kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn Pháp với thực tiễn phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam, trước hết là phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn, để tìm ra những hình thức, phương pháp tổ chức đấu tranh thích hợp. Cuối năm 1920, đồng chí đã tập hợp anh em công nhân cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật-tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân nước ta từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Công hội do Đồng chí lãnh đạo đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công, lãn công, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8-1925), đánh dấu bước phát triển mới về tinh thần đoàn kết và tính tổ chức của giai cấp công nhân nước ta.

Năm 1927, đồng chí Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng); cũng trong năm đó, đồng chí được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ.Tháng 7-1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, tháng 7-1930, bị đày ra Côn Đảo.

15 năm tù đày ở nhà tù Côn Đảo (1930-1945) là những năm tháng gian khổ, chứng minh cho phẩm chất, đạo đức cách mạng sáng ngời, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường với kẻ địch nhưng cũng đầy sự nhân văn của một con người giàu lòng nhân ái của đồng chí. Bị liệt vào loại tù nguy hiểm, vừa ra tới Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bị bọn chủ ngục giam vào cầm cố ở "Sở tải" thuộc Banh I (hầu hết là tù nặng án thuộc loại hình sự và rất hung dữ). Bằng tình cảm chân thành, chan hòa và lý tưởng cộng sản cao cả, đồng chí đã dần dần cảm hóa bọn tù lưu manh ở Sở tải.

Trong lao tù, Tôn Đức Thắng cố gắng tìm cách truyền truyền ngọn lửa cách mạng của người cộng sản kiên trung tới đồng chí, giác ngộ những người cùng cảnh ngộ; dạy họ học văn hóa, học tiếng Pháp, kiên trì giáo dục, giác ngộ, dìu dắt anh em tù đứng lên đấu tranh đòi cải thiện chế độ làm việc nặng nhọc, sinh hoạt khổ sở của người tù bị nhốt trong Hầm xay lúa. Đồng chí cũng tìm mọi cách thông tin liên lạc, móc nối các khám, các banh thực hiện đấu tranh cách mạng, vững tâm, bền chí trước đòn roi, tra tấn của kẻ thù. Tại đây. đồng chí trở thành một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo và là một trong những Chi ủy viên đầu tiên, là hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Tôn Đức Thắng thoát khỏi nhà tù, gông xiềng đế quốc, nhưng vừa đặt chân đến đất liền thì kháng chiến bùng nổ, đồng chí lại tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Do tình hình và yêu cầu cấp bách của cách mạng, đồng chí đành gác lại niềm riêng, chưa về thăm nhà, ngay lập tức đi Cần Thơ nhận nhiệm vụ và phải đến năm 1954, tại Hà Nội, gia đình mới được hội ngộ. Đây là một hình ảnh tiêu biểu cho tấm gương hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, “vì nước quên nhà” của Bác Tôn.

Trong vòng 35 năm (1945-1980), đồng chí Tôn Đức Thắng đã giữ nhiều chức vụ trọng trách trong Ðảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận như: Tổng Thanh tra của Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch nước… Ở cương vị trọng trách nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, cùng Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận lãnh đạo Nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được nhận Huân chương sao vàng-Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lê-nin của nước Nga Xô Viết, Huân chương Soukhe-Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không chỉ kính trọng phẩm chất chính trị và tài trí của “một nhà yêu nước nhiệt thành, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, một nhà lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và Nhân dân các dân tộc nước ta”, mà còn là sự tin cậy đối với một nhân cách lớn và xứng đáng được nhân dân tin yêu.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời "Chúc mừng đồng chí Tôn Ðức Thắng thọ 70 tuổi" năm 1958, đã khẳng định: "Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân".

Giá trị vận dụng trong công tác nêu gương hiện nay của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Muốn Nhân dân noi theo, thì cán bộ phải là người gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm để thuyết phục quần chúng nhân dân. Các cán bộ giữ gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước, chứ nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít thì làm sao thuyết phục được quần chúng. Cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ, quyền hạn càng cao thì càng phải nêu gương sáng, gương mẫu trong mọi công việc, không màng danh lợi, quyền chức; được giao công việc gì cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất. Đó là sự nêu gương chân thành và tự giác.

Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn (ngày 19/8/1958)
Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn (ngày 19-8-1958). Ảnh nguồn: baochinhphu.vn


Thấm nhuần tư tưởng đó của Bác, trong quá trình hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và coi đó là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XIII cũng đã nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đó có nguyên nhân do trách nhiệm người đứng đầu chưa thực sự được đề cao.

Do đó, phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện tốt các Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ các cấp, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bản thân cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

 Phải nghiêm khắc với mình, nêu cao tinh thần “tự phê bình”, luôn tự nhìn nhận, xem xét, đánh giá bản thân một cách nghiêm túc theo chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ vững nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch trong sử dụng và đánh giá cán bộ. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để mọi người đều thấy rằng nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên; đồng thời, chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, nói đi đôi với làm.

Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, nghiêm túc đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch trong tình hình mới hiện nay.

Thứ tư, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện lý tưởng đạo đức cách mạng của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; dũng cảm tự phê bình và phê bình.

Thứ năm, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, nêu cao tinh thần “tự phê bình và phê bình”, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Đi kèm với đó là, tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những hành vi “nói không đi đôi với làm” hoặc “nói một đằng làm một nẻo”.

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tích cực, tự giác, gương mẫu trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phải trở thành những người tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, nâng cao “ sức đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các yếu “độc hại” từ bên ngoài; phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, mạnh dạn chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, cảnh giác phòng ngừa và ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Thứ sáu, cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có khoan nhượng, không có đặc quyền, đặc lợi, không có điểm dừng”.

 

TS. NGUYỄN THÁI BÌNH-ThS. PHẠM THỊ NHÂM ANH
 

Có thể bạn quan tâm