Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Đất Bằng trong tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biết bao lần đến rồi đi, lần nào vùng quê Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc cùng những kỷ niệm đẹp.

Có một Đất Bằng xa lắc, phải ở lại thị trấn Phú Túc, nhờ người quen chở đi trên con đường đất mùa khô chói chang nắng, bụi mù khi ngang qua những bãi đất trống lưa thưa bụi cây dại, thấp thoáng màu xanh của mì, mè; qua những làng Jrai nhà sàn thưng vách ván bạc màu thời gian. Lần đó, tôi về thăm mẹ của người bạn thân tuổi già như tàu chuối héo nằm co ro trên chiếc giường nơi góc nhà sàn. Nắm chặt bàn tay chai sạm, tôi nhận ra mắt mẹ ngấn nước. Ngót 90 mùa rẫy đi qua cùng mẹ bao nhiêu là mưa nắng, cơ cực nơi đất nghèo.

Là căn cứ du kích kéo dài qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cũng đủ hình dung người dân của xã anh hùng Đất Bằng kiên trung và gian khổ biết nhường nào. Giữ bếp sàn ấm lửa qua ngày đói giáp hạt có củ rừng, khoai mì, con cá dưới suối, cọng rau bên khe. Câu chuyện 20 năm trước, qua đêm ở buôn Ama Giai, tôi hòa vào không gian làng. Biêng biêng men rượu ghè, ấm áp tình nghĩa, tôi ngủ say vùi ngay góc sàn nhà. Sớm mai tỉnh giấc, đụn lửa đốt đêm qua nơi góc sân trước nhà còn nóng ấm, vương vương làn khói.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tôi có một Đất Bằng những lần về dự lễ pơ thi mới hiểu rõ hơn nghĩa từ nguyên nếp văn hóa “cộng đồng làng”. Lễ và hội diễn ra trang nghiêm mà ấm áp, cả làng đến dự, chung tay góp sức. Nếp xưa còn giữ, có tục lệ “chia của” cho người chết tuy cũng chỉ gọi là. Lễ tang chiêng trống tiễn đưa từ nhà, đi vòng mấy lượt nghĩa trang, quanh huyệt mộ. Đi theo đội chiêng là xoang, không phân biệt giới tính, độ tuổi, vòng xoang mỗi lúc một rộng dần. Phần hội diễn ra ngay tại nghĩa trang, quanh khu nhà mồ. Buồn tiễn biệt nên say, chia sớt nỗi buồn cùng say men rượu, men bia, nắm cơm, xiên thịt…

Mới đây, trong sớm mai một ngày cuối tuần tháng 6 rạng rỡ nắng, xe máy độc hành, tôi rời thị trấn Phú Túc về làng cùng cậu con trai 12 tuổi trên con đường trải nhựa thênh thang. Hai bên đường, khu vực trung tâm xã, nhiều ngôi nhà xây kiên cố to đẹp khuôn viên trồng cây xanh, hoa cảnh xen giữa những ngôi nhà sàn truyền thống.

Già làng Kpă Ní (buôn Ia Prông) chuyện trò cùng tôi trên tấm chiếu cói phía hiên sàn rộng rãi, thoáng mát. Câu chuyện cứ thế nối dài. Công việc của người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chẳng quản thời gian sớm tối, lấy tình người trong làng, trong họ mà giải quyết mâu thuẫn nảy sinh; còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt quy ước, hương ước, tham gia đầy đủ các buổi họp, vận động gia đình, dòng họ và dân làng trồng cây rau trong vườn, làm chuồng nuôi heo, bò cách xa sàn nhà...

Ngày nghỉ, vừa chớm trưa đã có đông người làng đến chơi. Lòng hiếu khách của bà con khiến tôi chẳng dám dời chân sớm. Vậy nên, tôi may mắn được tiếp chuyện ông Rcam Niang-người đã hơn 80 mùa rẫy nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông kể về thời thanh niên có 2 năm ở nhà ông Chín (võ sư Hồ Ngạnh, ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) học võ cổ truyền, về truyền dạy lại cho con cháu.

Và, trong tôi, Đất Bằng không xa nhờ có chuyến xe khách đón đưa nối làng với phố, có tình cảm chân chất dành cho tôi như thể người con xa về với buôn làng.

Có thể bạn quan tâm