Thời sự - Bình luận

Dấu son nền y học Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Asclepius - vị thần y học và chữa lành bệnh tật trong thần thoại Hy Lạp được tôn vinh qua thời gian. Và nay, chúng lại cảm nhận được biểu tượng này trong một dấu mốc rất quan trọng của ngành y học Việt Nam: thử nghiệm trên người vắc-xin Nano Covax phòng dịch Covid-19, bệnh dịch đáng sợ nhất của nhân loại thời hiện đại.

Vắc-xin Nano Covax do Công ty Nanogen nghiên cứu sản xuất tại Học viện Quân y. Ba người tình nguyện tiêm vắc-xin thử nghiệm trong ngày 17-12 sẽ khởi đầu cho một kế hoạch lâu dài và đầy hy vọng. Thành công trong các bước thử nghiệm sẽ sản xuất đại trà vắc-xin dự kiến vào sau tháng 5-2021, mở ra một chương mới cho nền y học Việt Nam và tạo thành lũy an toàn cho người dân trong cuộc chiến với Covid-19. Nếu thành công, vắc-xin Nano Covax cũng sẽ ghi tên trang trọng nền y học Việt Nam vào bản đồ y học tiên tiến của thế giới.

Khác với y học chữa trị, nền y học phòng ngừa thường phải đương đầu với những dịch bệnh mang tính sinh tử, tác động sâu rộng đến cộng đồng dân cư, thậm chí là cả quốc gia hoặc toàn thế giới. Ý tưởng ban đầu về chữa trị bệnh dịch đậu mùa bằng sức đề kháng của cơ thể do bác sĩ Edward Jenner người Anh nghiên cứu và công bố từ cuối thế kỷ XVIII. Gần một thế kỷ sau, nhà khoa học Louis Pasteur với các công trình nghiên cứu về vi sinh học và miễn dịch học đã mở đường cho những kiến thức hiện đại về vắc-xin. Từ đó, cuộc chiến với dịch bệnh của loài người mới được chuẩn bị trong tư thế chủ động. Lịch sử phát triển nền y học vắc-xin gắn liền với lịch sử đau thương mà con người phải vẫy vùng chống chọi với bệnh dịch mà số người tử vong có thể tính bằng đơn vị hành chính.

Sự thành công đến thời điểm hiện nay của vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam một lần nữa nhắc nhớ mọi người rằng chúng ta cũng có một nền y học rất tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực điều chế vắc-xin. Từ khi thành lập vào năm 1978, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế - Bộ Y tế cũng đã có những nghiên cứu thành công nhiều loại vắc-xin: Năm 1990 sản xuất vắc-xin phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, uốn ván sơ sinh và lao; năm 1996 sản xuất vắc-xin tả (dùng để uống), huyết thanh bệnh dại; năm 2011 sản xuất vắc-xin cúm và cúm đại dịch A/H1N1, A/H5N1… Sản xuất trong nước nên vắc-xin của Việt Nam có giá rẻ, dễ sử dụng và phù hợp với thể chất và điều kiện của người Việt. Nhiều loại vắc-xin quan trọng đã được tiêm chủng đại trà miễn phí nên qua đó đã ngăn ngừa hữu hiệu hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trên trẻ em trong suốt mấy mươi năm qua.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Y tế, vắc-xin Nano Covax khi sản xuất đại trà có giá chỉ 120.000 đồng/liều, thấp hơn rất nhiều so với giá của các loại vắc-xin Covid-19 do các hãng dược phẩm nước ngoài sản xuất. Giá thành rẻ sẽ dễ đến tay người sử dụng, hiệu quả phòng ngừa càng cao và theo đó hiệu quả đối với xã hội cũng càng cao.

Khống chế dịch bệnh ngay khi vừa bùng phát, ngăn ngừa dịch bệnh quay trở lại, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế, hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng, và nay sản xuất vắc-xin Nano Covax, Việt Nam đã vận hành một kế hoạch vĩ mô thành công ngăn bước hung thần dịch Covid-19.

Theo Hồ Phi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm