Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

ĐBQH tỉnh Gia Lai đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật Kiến trúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 8-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Kiến trúc, đây là dự thảo luật cho ý kiến lần đầu theo quy trình xây dựng luật. 
Các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai nhất trí cao và thể hiện sự cần thiết đối với việc xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc. Trên cơ sở hệ thống pháp luật và dự thảo Luật Kiến trúc, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Việc ban hành dự thảo là cần thiết để quản lý về kiến trúc, cần nhìn nhận kiến trúc là một ngành nghệ thuật, chọn lọc tinh hoa nhân loại, tạo không gian sống, môi trường hoạt động. Nhưng cần chú trong đến phòng cháy, nổ. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế riêng đối với “di tích lịch sử nói chung, khu phố cổ nói riêng”.
Về thẩm quyền phê duyệt kiến trúc, đại biểu đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng, phê duyệt quy hoạch không gian kiến trúc quốc gia và của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời gộp quy định Hội đồng Kiến trúc Quốc gia (tại Điều 13) vào Điều 31 của Dự thảo, quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong kiến trúc, Chính phủ cũng cần tính toán để xây dựng quy hoạch không gian kiến trúc quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn về năng lực phê duyệt quy hoạch, quản lý kiến trúc của cấp xã, cấp huyện và đại biểu đề nghị cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch của cấp huyện
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Vũ Định
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Vũ Định
Nhìn nhận ở góc độ lịch sử về ảnh hưởng của văn hóa kiến trúc của các nước, khu vực đối với kiến trúc Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt đề nghị cần cân nhắc việc xây dựng Luật Kiến trúc bên cạnh các Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… khi kiến trúc Việt Nam đã ổn định. Tuy nhiên, đại biểu góp ý cho dự thảo trong bảo tồn bản sắc dân tộc trong các công trình mang tính đặc thù địa phương, nhất là các vùng dân tộc thiểu số, như nhà Rông; kiến trúc các công trình tôn giáo cũng cần phải đưa vào diện quản lý. 
Tiếp cận dưới góc độ hoàn thiện hệ thống pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng: Dự thảo Luật Kiến trúc cần phù hợp với các luật liên quan, trong đó Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là cơ sở để xây dựng các văn bản luật. Ví dụ, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua năm 2017 (hiện đã tiến hành sửa đổi những văn bản luật liên quan đến Luật Quy hoạch trong kỳ họp này). Do vậy, Luật Kiến trúc cần tránh sự chồng chéo đối với Luật Quy hoạch và văn bản luật đã sửa đổi Luật Quy hoạch; việc bổ sung nghề kiến trúc vào danh mục kinh doanh cần quy định trong Luật Đầu tư cho phù hợp với văn bản luật; Luật Kiến trúc và Luật xây dựng, như cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc là chưa phù hợp. Đại biểu góp ý đối với các nội dung khác  như: Quản lý kiến trúc; thành lập Hội đồng kiến trúc; thẩm quyền cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc để tạo điều kiện phát trển liên tục nghề nghiệp; bổ sung quy trình chuyển đổi, công nhận hành nghề kiến trúc đối với người nước ngoài. 
Đa số các đại biểu trong Tổ thảo luận đều thể thiện đồng tình với đại biểu Bùi Văn Cường về năng lực thẩm quyền phê duyệt kiến trúc của cấp xã, cấp huyện và đề nghị cần xem xét phê duyệt kiến trúc địa phương theo hướng “cấp trên phê duyệt cho cấp dưới”, như: Chính phủ phê duyệt cho cấp tỉnh, cấp tỉnh phê duyệt cho cấp huyện, cấp huyện phê duyệt cho cấp xã.
Vũ Định

Có thể bạn quan tâm